Cuộc 'hội ngộ' nghẹn ngào nước mắt trong ánh nến tri ân
Nước mưa chẳng kịp làm nhòa dòng lệ lăn dài trên gò má bà Đỗ Thị Mão trong cuộc 'hội ngộ' xúc động và thiêng liêng bên Đài tưởng niệm Tổ quốc ghi công. Sau hơn 50 năm kể từ ngày anh trai của bà hy sinh, đây là lần đầu tiên bà được nhìn thấy hình ảnh anh mình rõ nét và sống động đến vậy.

Lễ trao ảnh chân dung liệt sĩ. Ảnh: Xuân Tùng
Cuộc "hội ngộ" sau hơn nửa thế kỷ
Trong không khí trang nghiêm của đêm thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hà Nội (tối 26/7), bà Đỗ Thị Mão (xã Đan Phượng, Hà Nội) ôm trên tay bức chân dung anh trai ruột là liệt sĩ Đỗ Văn Định.
Sau hơn 50 năm đằng đẵng kể từ ngày anh trai hy sinh, đây là lần đầu tiên bà được nhìn thấy hình ảnh anh mình rõ nét và sống động đến vậy.
Thân nhân liệt sĩ xúc động nhận di ảnh. Clip: Xuân Tùng
Với giọng nói nghẹn ngào, bà Mão cho biết anh trai bà chiến đấu trong một đơn vị pháo binh và hy sinh năm 1971 khi mới 23 tuổi. Ngày anh lên đường nhập ngũ, gia đình không có một tấm ảnh nào của anh để giữ làm kỷ niệm. “Khi anh hy sinh, nhà cũng chỉ vẽ lại chân dung theo trí nhớ”, bà Mão nói.
Theo bà, bức vẽ từ ký ức phác họa không thể nào lột tả được hết dung mạo của anh trai. Mãi sau này, gia đình nhận được một tấm ảnh chụp anh trai bà. Bức hình đen trắng, nhỏ xíu và mờ. Tuy nhiên, với bà Mão cùng gia đình, đó là kỷ vật vô giá, là hình ảnh duy nhất để thờ cúng, để tưởng nhớ. Bà đã cất giữ nó cẩn thận trong một chiếc túi ni lông, gìn giữ như báu vật suốt hàng chục năm trời.

Tôi rất xúc động. Cảm ơn các bạn phục dựng và Thành Đoàn đã cho gia đình bức ảnh để về sau này có bức ảnh để thờ cúng. Các con các cháu có thể nhìn thấy được, đời đời sau này các con các cháu sẽ nhớ đến”, bà Mão nói.
Bà Mão chia sẻ thêm, anh trai hy sinh khi bà mới là một cô bé 7 tuổi. Ký ức về anh chỉ còn là những mảnh ghép mờ nhạt của một thời thơ ấu xa xôi. "Lúc ý tôi vẫn bé. Tôi nhớ có lần anh về phép, đưa đi chơi. Sau lần đấy thì anh đi mãi," giọng bà chùng xuống.

Bà Đỗ Thị Mão (ở giữa) và bà Ngô Thị Phương (ngoài cùng bên phải) đón nhận ảnh chân dung người thân là liệt sĩ. Ảnh: Xuân Tùng
Để cho con cháu đời sau khắc ghi
Cũng từ Đan Phượng, bà Ngô Thị Phương một mình đến chương trình nhận di ảnh của bố chồng – liệt sĩ Đỗ Quý Ngọc. Bà Phương bật khóc khi đón nhận, nhìn thấy chân dung của bố chồng sau hàng chục năm chỉ biết đến ông qua tấm ảnh đen trắng mờ nhòe.
Bà Phương kể, bố chồng của bà, liệt sĩ Đỗ Quý Ngọc, đã hy sinh ở mặt trận phía Nam khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau hành trình dài tìm kiếm, gia đình đã đưa hài cốt của ông về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Đan Phượng. Chồng bà, con trai duy nhất của liệt sĩ, cũng đã qua đời. Bà hiện lo phần thờ cúng, hương khói.

Bà Ngô Thị Phương. Ảnh: Xuân Tùng
"Trước đây, ảnh bố tôi là hình đen trắng," bà kể. Tấm ảnh duy nhất của ông đã ố vàng, không đủ để thế hệ sau hình dung trọn vẹn về người anh hùng của gia đình. Khi biết đến dự án phục dựng ảnh liệt sĩ của Thành Đoàn Hà Nội từ năm ngoái, bà đã thầm nuôi một niềm hy vọng.
Và rồi, giây phút bà mong chờ nhất đã đến. Tấm di ảnh được phục dựng hiện ra rõ nét. Mọi cảm xúc dồn nén bấy lâu vỡ òa.
Tấm ảnh không chỉ là để thờ cúng, còn là cây cầu nối liền quá khứ với hiện tại, để các thế hệ con cháu trong gia đình bà mãi mãi biết mặt, nhớ tên và tự hào về sự hy sinh của ông cha mình.
"Ảnh chân dung rõ ràng thế này, để cho con cháu đời sau còn khắc ghi mãi”, bà Phương nghẹn ngào.
Câu chuyện của bà Đỗ Thị Mão và bà Ngô Thị Phương là hai trong số 78 bức di ảnh liệt sĩ được phục dựng và trao tặng gia đình, thân nhân tại Lễ Thắp nến tri ân do Thành Đoàn - Hội LHTN Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức.
Mỗi bức ảnh được phục dựng là một lần hồi sinh ký ức, là một lần đưa những người lính trẻ mãi mãi tuổi đôi mươi trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình. Đó là lời khẳng định mạnh mẽ rằng: “Thế hệ hôm nay sẽ không bao giờ quên những người đã ngã xuống cho độc lập, tự do của dân tộc”.
Những "cuộc hội ngộ" đặc biệt như thế này đã làm cho Lễ thắp nến tri ân trở nên thiêng liêng.
Những di ảnh được bọc trang trọng trong cờ Tổ quốc, được trao đi trong sự thành kính, đã kết nối quá khứ với hiện tại, làm sống lại những ký ức hào hùng. Ảnh: Xuân Tùng