Tháng bảy nghiêng mình

Đã nhiều năm nay những đêm tháng bảy, trên cả dải đất hình chữ S, hàng triệu ngọn nến đã và sẽ được thắp lên, ở các nghĩa trang liệt sĩ.

Thế hệ trẻ thắp nến tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ.

Thế hệ trẻ thắp nến tại Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn tri ân công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ.

G. yêu quí!

Đã nhiều năm nay những đêm tháng bảy, trên cả dải đất hình chữ S, hàng triệu ngọn nến đã và sẽ được thắp lên, ở các nghĩa trang liệt sĩ. Ngoài biển Đông, nơi có hai dấu chấm rất đậm mang tên Việt Nam, những tiếng còi tàu tưởng nhớ cũng cất lên giữa một nghĩa trang trùng trùng sóng.

Hàng triệu ngọn nến cháy suốt dọc chiều dài đất nước. Mà có người nói rằng nếu ví mỗi ngọn nến là một linh hồn liệt sĩ, thì hàng triệu ngọn nến thắp lên trong những ngày này, e rằng vẫn chưa đủ. Đất nước bên bờ sóng, ngàn năm gian lao giữ độc lập chủ quyền, bao nhiêu là hy sinh mất mát. Hơn 2.000 nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước, vẫn chưa phải đã là con số định lượng cho những sự hy sinh.

G. ạ, không ai có thể nói những sự hy sinh có thể định lượng khi vào một chiều tháng bảy, tham gia thắp nến ở Nghĩa trang Đường Chín và Nghĩa trang Trường Sơn, mộ liệt sĩ bạt ngàn. Không có ngôi mộ nào vô danh, không có sự hy sinh nào vô danh, chỉ có những ngôi mộ chưa có tên liệt sĩ, chưa tìm được đúng tên liệt sĩ. Tôi gặp ở đây những người cha người mẹ đến thắp hương cho con và đồng đội của con. Gần 50 năm rồi vẫn còn khóc hờ con. Tôi gặp ở đây những ngôi mộ, ngày nhập ngũ và ngày hy sinh chỉ cách nhau 2 tháng - Những tuổi đôi mươi “ai mà chẳng tiếc/ Nhưng nếu tiếc đời mình thì còn chi Tổ quốc”. Sự sống vẫn tiếp diễn ở nơi này, những mầm cỏ xanh giữa ngút ngàn mộ trắng.

Lịch sử giao cho Quảng Trị một vị trí đặc biệt. Đất nghèo, gió nóng. Mộ liệt sĩ ngút ngàn. Cả tỉnh Quảng Trị có tới 72 nghĩa trang liệt sĩ, trong đó có tới 2 nghĩa trang quốc gia là Nghĩa trang Trường Sơn và Nghĩa trang Đường 9.

Những ngày tháng 7 này, khi tôi lọ mọ tìm đọc những dòng cảm xúc ghi lại sau khi viếng nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị, chợt sửng sốt nhận ra cảm giác chung của tất cả mọi người. Sự sống nảy mầm và hiện diện ở đây, trên những ngôi mộ, trong sự hiện về đêm đêm của các anh, trò chuyện với những người còn sống…

G. thân mến!

Cho đến những ngày tháng 7 này, đã gần 50 năm trôi qua kể từ mùa hè đỏ lửa 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 1972. Ngần ấy năm, Thành cổ bất tử bằng bản hùng ca viết bằng rất nhiều máu xương và nước mắt. “Đất đau thương sẽ là đất anh hùng”- nhà thơ Nam Hà trong bài thơ dài “Chào đường chín anh hùng” đã thốt lên như vậy.

Ngay sau những ngày đỏ lửa ấy, trên báo Nhân dân đã đưa những dòng tin: “Mỗi mét vuông đất tại Thành cổ Quảng Trị là một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Trong 81 ngày đêm, từ 28/6 - 16/9/1972, Thành Cổ Quảng Trị đã phải hứng chịu 328.000 tấn bom đạn. Trung bình mỗi chiến sĩ phải hứng lấy 100 quả bom, 200 quả đạn pháo. Mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, nhưng đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót”.

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho hôm nay, tôi đến nghẹn ngào.

Gần 50 năm, cỏ non Thành cổ vẫn một màu non tơ. Vẫn còn đây những lá thư làm nghẹn ngào bất cứ ai từng đặt chân đến đây.“Anh thương yêu! Anh có khỏe không, báo tin cho em và con biết với. Đã lâu rồi không thấy anh biên thư, con đã bỏ bú, đã ăn được cơm cá nên khỏe hơn trước nhiều anh ạ. Máy bay oanh tạc thường xuyên nên lúc nào cũng phải ngủ hầm. Gần đây chúng bắn vào làng và giữa đồng làm một chị bị chết…” – đó là một đoạn trong bức thư của người vợ Phạm Thị Biển Khơi gửi chồng là liệt sĩ Lê Binh Chủng (Cấp bậc Trung úy, Chính trị viên phó Tiểu đoàn 3, Tỉnh đội Quảng Trị) được tìm thấy cùng với hài cốt liệt sĩ Lê Binh Chủng cùng 6 người khác dưới một căn hầm bí mật trong khuôn viên Thành cổ. Còn đây là những dòng thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (sinh viên năm thứ tư, Khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội): “Toàn thể gia đình kính thương! Con viết mấy dòng cuối cùng phòng khi "đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất"… Xin mẹ đừng buồn để sống đến ngày tin mừng chiến thắng. Con đi, mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như lúc nào con cũng ở bên mẹ. Mẹ đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau”.

Họ đã sống trọn đời cho Tổ quốc mai sau. Không ai biết chính xác có bao nhiêu các anh, các chị đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng sông Thạch Hãn và dưới những lớp cỏ non thành cổ, “cát trắng rang vàng, nghiêng lệch cả dòng sông...” Quảng Trị - “khúc ruột thắt giữa hai miền đất nước”, nơi “mẹ đợi con tóc hóa ngàn lau trắng”. Nơi ấy, những ngọn gió Lào thổi suốt mùa hè, đời này qua đời khác, “đất đau thương là đất anh hùng”. Tháng 7 năm nay, hàng triệu trái tim lại hướng về Thành cổ, giữa những ngàn lau trắng, giữa ràn rạt gió Lào, nghiêng mình tưởng nhớ các anh – những tuổi 20 đã thành sóng nước.

Những đêm tháng 7, những ngọn nến được thắp lên ở Ngã ba Đồng Lộc, ở Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường Chín, ở Thành cổ và bên dòng Thạch Hãn. Lùi vào phía trong kia, là mảnh đất Điện Bàn, Duy Xuyên – “mảnh đất nuôi ta thành dũng sĩ”, là Đền Bến Được ở Củ Chi đất thép… Những dòng sông nến trải dài từ biên giới Tây Bắc đến tận Mũi Cà Mau, vẽ lên hình đất nước, thắp lên ánh sáng của tri ân, của đạo lý Việt Nam uống nước nhớ nguồn.

G. có đồng ý với tôi rằng thật may mắn khi nhìn thấy hình ảnh hàng nghìn bạn trẻ đã tham gia thắp sáng lên những ngọn nến trong những ngày này. Đó đâu phải chỉ là những ngọn nến sưởi ấm linh hồn liệt sĩ, đó còn là những ngọn nến thắp lên niềm tin, tin vào ngày mai và tin vào tuổi trẻ.

Không ai, không điều gì bị quên lãng. Đạo lý Việt Nam chưa cho phép ai quên. Những ngôi mộ liệt sĩ năm nào vào dịp này cũng sáng lên ánh nến. Cũng vào một buổi chiều tháng bảy như tháng bảy năm nay, tôi cùng những đoàn người đến thắp nến ở Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo). Đêm trước ngày 27, ở Hàng Dương phải gọi là “đêm trắng” – những đoàn người cặm cụi thắp nến, thắp hương lên tất cả các ngôi mộ ở đây. Hơn 118 năm là chốn giam cầm, hơn 2 vạn người Việt Nam yêu nước ngã xuống, không đủ mộ của hơn 2 vạn linh hồn nhưng để đi hết một vòng Nghĩa trang cũng là một kỳ tích. Vậy mà không ai nản, kể cả những người già, rất nhiều nhà sư và các Phật tử. Đêm tháng 7 ở Hàng Dương – mảnh đất “ít người nhiều ma” – sáng rực ánh nến, vào đúng lúc 12 giờ đêm, mộ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu cháy bùng ngọn lửa nhiệm mầu của niềm tin và đức tin.

Đâu phải chỉ Côn Đảo, ở rất nhiều nơi, hành hương viếng mộ liệt sĩ trở thành một lịch trình trong các tour của du lịch nội địa Việt Nam. Đó là cái thú vị của đạo lý Việt Nam và đức tin Việt Nam.

Một nhà nghiên cứu Phật giáo đã coi điều này như là một thước đo cho sự văn minh của một quốc gia: Đó là lòng tri ân.

G. yêu quí! Mọi năm nếu không có dịch Covid-19 thì tháng 7 bao giờ cũng có đoàn kiều bào trở về tham gia một hành trình tri ân. Tháng bảy năm nay rất tiếc là điều đó không thực hiện được, nhưng hàng triệu ngọn nến vẫn được đồng bào mình trong khắp cả nước thắp lên ở các nghĩa trang liệt sĩ. Ngoài biển Đông, hoa và nến cũng được thả xuống đại dương xanh, nơi máu xương người Việt hòa vào cùng sóng và nước biển. Không ai, không điều gì bị quên lãng. Năm này qua năm khác, những dòng sông nến vẫn được thắp lên, bất tận.

Tháng bảy, xin được nghiêng mình trước anh linh liệt sĩ!

Chào G. nhé!

Hẹn gặp thư sau!

Cẩm Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thang-bay-nghieng-minh-502227.html