Tháng Bảy, trở lại Vị Xuyên...
Đã mấy năm nay, từ khi nghỉ hưu, năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Mười Hai tháng Bảy là tôi lại thu xếp mọi việc riêng để trở lại Vị Xuyên, nơi đã gắn bó một phần đời, nơi lưu giữ những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời quân ngũ của mình – nơi mà mỗi lần quay trở lại đây, tôi lại thấy mình quá may mắn hơn bao anh em, đồng đội cùng thời...
Năm nay tròn 35 năm sự kiện “12 tháng 7” nên ngay từ đầu năm tôi và mấy anh bạn cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu trên vùng đất xảy ra chiến sự ác liệt này đã liên hệ cùng anh em trong Ban Liên lạc Cựu Chiến binh Sư đoàn 356 thành phố Hà Nội để cùng nhau thực hiện chuyến hành hương...
Ngày 12 tháng 7 năm 1984 Bộ Tư lệnh tiền phương Quân khu Hai (Mặt trận Vị Xuyên) tổ chức trận đánh mở màn cho chiến dịch mang mật danh “MB84” nhằm thu hồi một số vị trí đang bị phía Trung Quốc chiếm giữ trong các ngày 28/4 và 15/5/1984 ở khu vực hai bên bờ Tây và Đông Sông Lô cận kề cửa khẩu Thanh Thủy, Vị Xuyên. Lực lượng tham gia đợt tiến công này gồm: Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, đánh cao điểm 1030, Si Cà Lá phía Đông sông Lô; Trung đoàn 174, sư đoàn 316 đánh 233, bình độ 300 - 400 và Trung đoàn 876, sư đoàn 356 đánh cao điểm 772 phát triển sang 685 ở Tây sông Lô (tuy gọi là trung đoàn nhưng lực lượng thực sự tham gia chiến đấu mỗi mũi chỉ có 1-2 tiểu đoàn). Tuy bộ đội ta đã chiến đấu rất dũng cảm, quyết liệt nhưng đợt tiến công của ta đã không thành công.
Các đơn vị tấn công của ta đã gặp phải hỏa lực ác liệt của đối phương. Một số nguồn Trung Quốc cho biết quân đội họ đã bắn hơn 30.000 viên đạn trong ngày 12/7/1984. Hầu hết các mũi của ta đều bị thương vong lớn, mất liên lạc và không phát triển được, pháo binh chi viện không hiệu quả. Các Trung đoàn 876 và 174 chiếm được một phần mục tiêu nhưng bị tổn thất vì đạn pháo và bộ binh địch phản kích nên không giữ được trận địa. Trên cả ba hướng, có khoảng 600 - 700 người hy sinh (trong đó có một số cán bộ cấp trung đoàn, tiểu đoàn), 820 người bị thương...
Trong số 3 đơn vị tham gia trận đánh ngày hôm đó, Trung đoàn 876, Sư đoàn 356 bị tổn thất nặng nề nhất. Số liệu cụ thể về người hy sinh và bị thương hiện vẫn khác nhau. Có cán bộ chỉ huy cấp sư đoàn sau này nói hy sinh 596, nhưng theo một số cán bộ chiến sĩ thì dưới 300… Nhưng, dù là chưa tới 300 hay 596 thì đó cũng là sự hy sinh mất mát vô cùng to lớn, có thể nói là ít có trong mấy cuộc chiến tranh mà chúng ta bị buộc phải tiến hành trong thế kỷ XX. Chính vì vậy, ngày Mười Hai tháng Bảy hàng năm được các Cựu chiến binh Sư đoàn 356 gọi là ngày “Giỗ Trận”.
Nhưng cách đây hai năm, có ý kiến cho rằng gọi là “Giỗ Trận” nghe bi thương quá, không ổn; nên được đổi thành “Ngày mở đầu Chiến dịch MB84”. Từ đó, sự kiện “12 tháng 7” được mang tên mới, nhưng với một số cựu chiến binh Sư đoàn 356 thì họ vẫn quen hẹn nhau: dù đi đâu, làm gì thì ngày này cũng phải gác lại, về Vị Xuyên thắp hương cho đồng đội!
Tôi tuy không phải là lính Sư đoàn 356, nhưng do có thời gian sát cánh với anh em Đại đội 3, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 153 phòng thủ khu H thuộc 685 nên cũng rất vinh hạnh được anh em xem như “người nhà” – một thành viên của “gia đình Sư đoàn 356 Hà Nội”. Tiếp xúc với anh em nhiều, tôi nhận thấy một điều: sau chiến tranh, đơn vị giải thể, trở về họ đều rất vất vả kiếm sống, không mấy ai thành đạt về kinh tế; nhưng rất gắn bó, thương yêu đùm bọc nhau.
Năm kia xảy ra vụ một cựu chiến binh sư 356 quê Hà Nam lên Hà Nội làm nghề chạy xe xích lô chở tôn không may va quệt khiến một cháu bé tử vong phải đối mặt với vụ kiện, anh em đã quyên góp ủng hộ tiền bạc, thuyết phục gia đình nạn nhân để người đồng đội chỉ phải chịu mức án thấp nhất và được tặng một khoản tiền để tạo việc làm ổn định ở quê.
Trưởng ban Liên lạc CCB Sư đoàn 356 Hà Nội Nguyễn Ngọc Thạch, một “Thượng sĩ bắn súng máy” là người chiếm được sự tín nhiệm cao của anh em – cho biết, toàn thành phố có tới hơn 700 cựu binh 356 sinh hoạt rải rác trong 5 nhóm. Hội viên toàn anh em nghèo, mọi khoản chi đều do mọi người đóng góp, nhưng việc thăm viếng, chia sẻ với các hội viên gặp khó khăn đã trở thành nếp thường xuyên. Không những thế, anh em còn tìm về những nơi mình từng đóng quân khi xưa để tiến hành các hoạt động tri ân, tặng quà các gia đình nghèo, tặng giấy bút, sách vở cho các cháu học sinh “nhà nghèo vượt khó”.
Năm ngoái, tôi đã được tham dự các cuộc liên hoan thắm đượm tình nghĩa quân – dân giữa các cựu chiến binh tiểu đoàn 1, trung đoàn 876 với bà con Bản Tha, xã Phương Độ; năm nay, lại được thưởng thức những tiết mục đặc sắc của đội văn nghệ Bản Tha biểu diễn trong bữa liên hoan tối 10 tháng 7. Không chỉ như thế, các CCB sư đoàn còn là nhịp cầu nối những tấm lòng hảo tâm đến với bà con các nơi còn nhiều khó khăn. Hôm 11 tháng 7, được Ban liên lạc CCB sư 356 Hà Nội chắp nối, các cô giáo Trường tiểu học xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã lên tặng quần áo, đồ dùng học tập và thực phẩm cho các cháu học sinh Trường dân tộc nội trú xã Xín Chải, huyện Vị Xuyên...
Dịp “12 tháng 7” năm nay là kỷ niệm 35 năm ngày diễn ra trận đánh mở màn Chiến dịch MB84 nên các cựu chiến binh Vị Xuyên về thăm chiến trường xưa rất đông; chỉ riêng Ban liên lạc thành phố Hà Nội đã có trên 700 người. Rất nhiều người dẫn theo vợ hoặc con. Các anh đưa vợ vào thăm hang Dơi – nơi tập kết thi hài các liệt sỹ khi xưa; thăm hang Làng Lò, nơi đóng quân của ban chỉ huy và cũng là hậu cứ của trung đoàn phụ trách chốt giữ phòng thủ khu vực Bắc suối Thanh Thủy nằm trong lòng một quả núi, có thể chứa được hàng ngàn quân; lính trung đoàn 856 giai đoạn 1984 – 1985 và lính trung đoàn 153 thời kỳ 1987 mấy ai chưa từng tới đây để tắm giặt, nghỉ ngơi trước hoặc sau khi vào trận...
Ngày 11 tháng 7, mọi người cùng nhau lên thắp hương trên Đài hương tưởng nhớ các liệt sỹ Sư đoàn 356 và Đền thờ các anh hùng liệt sỹ Mặt trận Vị Xuyên trên cao điểm 468. Từ đây, có thể nhìn sang cao điểm 772 và 685, nơi diễn ra trận đánh ác liệt năm xưa và có thể phóng tầm mắt nhìn tới điểm cao 1509 nằm giữa biên giới hai nước mà đỉnh chính (chủ phong) hiện vẫn thuộc về Việt Nam sau khi hai nước hoàn thành việc phân giới, cắm mốc chứ không phải thuộc về Trung Quốc như những kẻ xấu xuyên tạc.
Năm nào cũng thế, hoạt động tưởng niệm những người đã khuất diễn ra trang nghiêm, chu đáo với đầy đủ xôi gà, hương hoa, rượu, thuốc lá, vàng mã... Đã 35 năm qua rồi, nhưng ký ức về những người đồng đội đã hy sinh vẫn nguyên vẹn qua lời kể trong nước mắt của những người may mắn hơn họ. Những tiếng nức nở của mấy nữ cựu binh đội Tuyên văn sư đoàn nay đã là những bà nội, bà ngoại khiến những người có mặt không thể kìm được những giọt nước mắt...
Các hoạt động cuối của chuyến đi diễn ra tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên – nơi yên nghỉ của 1.797 anh hùng liệt sĩ và một mộ liệt sĩ tập thể nằm tại Cây số 18, thị trấn Vị Xuyên. Suốt từ chiều đến đêm 11, các cựu chiến binh từ khắp mọi miền đất nước tấp nập kéo về đây dự lễ thắp nến, dâng hương và Đại lễ cầu siêu do Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội PGVN tỉnh Hà Giang, Giáo hội PGVN thành phố Hồ Chí Minh, gia đình nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tập đoàn các doanh nghiệp tổ chức với sự có mặt của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, lãnh đạo Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang...
Một cán bộ Ban quản lý nghĩa trang cho biết, các hoạt động thắp hương, dâng hương hoa, cầu siêu đã diễn ra từ đầu tháng 7, mà tập trung nhất từ hôm 6 tháng 7 khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hà Giang tổ chức “Đại lễ cầu siêu anh linh anh hùng liệt sĩ, đồng bào tử nạn, cầu quốc thái dân an” cho tới nay và sẽ kéo dài tới hết tháng 7 – “Tháng tri ân”.
Tối 11/7 trước khi Đại lễ cầu siêu diễn ra, Câu lạc bộ “Hà Giang – một thời để nhớ” tổ chức biểu diễn văn nghệ “Hát cho đồng đội nghe”. Giữa chốn u tịch, vắng vẻ của nghĩa trang mênh mông nơi rừng núi, chợt âm vang tiếng nhạc, lời ca những ca khúc “Chúng tôi người lính Cụ Hồ”, “Bài ca người lính”... những làn điệu chèo quen thuộc. Lặng lẽ rời hội trường, tôi một mình rảo bước lên quả đồi phía sau đài Tổ quốc Ghi công, nơi trùng điệp những dãy mộ... bỗng như nghe thấy những bước chân rầm rập của đồng đội cùng những tiếng gọi nhau tập hợp đi xem văn công thủa trước.