Tháng Bảy, về miền 'đất lửa' để tưởng nhớ, tri ân
Mỗi độ tháng Bảy, từng đoàn người từ khắp mọi miền Tổ quốc tìm về Quảng Trị, mảnh đất anh hùng, nơi ghi dấu những năm tháng hào hùng của dân tộc để tưởng nhớ, tri ân những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Thành cổ Quảng Trị - Ảnh: VGP/Nhật Anh
Chiến tranh đã đi qua, nhưng máu xương của hàng vạn chiến sĩ vẫn hòa quyện trong từng nắm đất Quảng Trị. Họ đến từ mọi miền, để cùng nhau viết nên bản hùng ca bất tử cho đất nước. Và chính mảnh đất này đã trở thành nơi yên nghỉ vĩnh hằng, nơi lưu giữ ký ức thiêng liêng của dân tộc.
Dòng sông Thạch Hãn, Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, địa đạo Vĩnh Mốc, đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải… không chỉ là những chứng tích chiến tranh mà còn là biểu tượng thiêng liêng của khát vọng hòa bình và lòng yêu nước bất diệt. Những địa danh ấy đã trở thành điểm đến trong hành trình "về nguồn" để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với các thế hệ cha anh đi trước.

Gia đình chị Trịnh Thị Duyên (Đông Anh, Hà Nội) bên phần mộ liệt sĩ Trịnh Quang Tự tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - Ảnh: VGP/Nhật Anh
Từ sáng sớm, tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sĩ, hương trầm đã nghi ngút, hoa tươi được dâng đầy các phần mộ. Bóng những hàng thông xanh mát phủ xuống tạo nên không gian trầm mặc. Không ai bảo ai, mọi người đều lặng lẽ, thành kính, thắp nhang, gửi gắm tấm lòng thành đến những người lính đã nằm lại nơi đây.
Bên phần mộ của anh trai là liệt sĩ Trịnh Quang Tự tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, chị Trịnh Thị Duyên (Đông Anh, Hà Nội) xúc động chia sẻ: "Anh Tự sinh năm 1948, là anh cả trong gia đình 8 người con. Khi đang là sinh viên, anh gác bút theo tiếng gọi của Tổ quốc, nhập ngũ năm 1968 và hy sinh hai năm sau tại chiến trường Quảng Trị. Anh ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, chưa kịp lập gia đình, chưa kịp nói lời chia tay.
Hài cốt của anh được đưa về an táng tại đây, nơi gia đình luôn cảm thấy yên lòng vì được chính quyền địa phương chăm sóc chu đáo. Hằng năm, vào dịp 27/7, gia đình lại về Quảng Trị, không chỉ để thăm viếng anh mà còn để tri ân tất cả các anh hùng liệt sĩ đã nằm lại nơi mảnh đất thiêng này".

Cựu chiến binh Trần Thị Lợi (xã Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) thắp hương trước phần mộ anh trai - Ảnh: VGP/Nhật Anh
Không chỉ có thân nhân liệt sĩ, tháng 7, Quảng Trị còn đón nhân dân từ khắp mọi miền đất nước.
Đến dâng hương tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt, chị Trần Thị Kiều Hương (TPHCM) xúc động chia sẻ: "Chúng tôi đã có chuyến đi rất đặc biệt khi trở về mảnh đất Quảng Trị anh hùng với những địa danh không chỉ in dấu chiến tranh, mà còn là minh chứng sống động cho khát vọng hòa bình. Để có độc lập tự do, đã có biết bao chiến sĩ, đồng bào trên khắp cả nước đã chiến đấu, anh dũng hy sinh và giờ đây yên nghỉ vĩnh hằng trên mảnh đất Quảng Trị. Với truyền thống "uống nước nhớ nguồn", chúng tôi về đây để biết ơn, tri ân những người đã ngã xuống vì hòa bình hôm nay".

Chị Trần Thị Kiều Hương (TPHCM) dâng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Ảnh: VGP/Nhật Anh
Khác với những nghĩa trang khi các phần mộ có tên, có tuổi, có quê quán, Thành cổ Quảng Trị là nấm mồ chung của hàng vạn chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972. Nơi đây giờ là một không gian bình yên, xanh rợp bóng cây, nhưng phía sau vẻ tĩnh lặng ấy là âm vọng hào hùng của quá khứ chưa bao giờ nguôi.
Đứng giữa lòng Thành cổ, anh Hoàng Thái Dương (phường Láng Thượng, TP. Hà Nội) nghẹn ngào: "Lịch sử đã cho tôi biết về 81 ngày đêm bom đạn dồn dập tại Thành cổ Quảng Trị, nhưng chỉ khi đặt chân đến đây, tôi mới thật sự cảm nhận được sự khốc liệt và sự hy sinh vĩ đại. Hơn 8 vạn tấn bom đạn, hơn 10.000 chiến sĩ giải phóng quân ngã xuống, trong đó có những người tuổi mới đôi mươi. Họ lấy thân mình để giữ từng tấc đất, để viết nên trang sử vàng của dân tộc".
"Chúng tôi đến để một thắp một nén hương cho những người nằm dưới cỏ cây Thành cổ. Hành trình về Quảng Trị vào tháng Bảy không chỉ là sự trở về với lịch sử, mà còn là một lời nhắc nhở về trách nhiệm sống. Trách nhiệm giữ gìn hòa bình, phát triển đất nước, sống có ích để không phụ lòng những người đã hóa thân vào đất mẹ", anh Dương bày tỏ.

Chị Tô Thị Ánh Nguyệt (tỉnh Gia Lai) thắp hương tri ân các liệt sĩ tỉnh Bình Định (cũ) nay là tỉnh Gia Lai tại Nhĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn - Ảnh: VGP/Nhật Anh
Giữa không gian tĩnh lặng, từng bước chân như chạm vào ký ức, từng làn gió như mang theo hơi thở của những người đã khuất. "Xin nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, những người đã viết nên khúc tráng ca bất tử cho non sông Việt Nam. Xin gửi lời tri ân sâu sắc tới những người mẹ, người cha, người vợ… đã hiến dâng một phần máu thịt cho đất nước. Và xin nguyện lòng, thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mãi trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị thiêng liêng của hòa bình, độc lập và tự do", chị Tô Thị Ánh Nguyệt (tỉnh Gia Lai) nói khi trở về nơi "đất lửa" thiêng liêng này.

Người dân đến dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị - Ảnh VGP/Nhật Anh