Tháng cao điểm du lịch hè: Những rủi ro khi mua Voucher du lịch
Dạo quanh một vòng với các combo du lịch hiện nay, không khó để nhận ra rằng giá dịch vụ lưu trú năm nay thấp hơn hẳn so với mọi năm, mặc dù du lịch nội địa đang vào mùa cao điểm, khách hàng cũng không thể đi du lịch nước ngoài nên nhu cầu du lịch nội địa cũng tăng cao hơn mọi năm.
Giá phòng thấp chưa từng có
Những khu vực đang thu hút khách du lịch nhất năm nay chắc chắn là các vùng biển, đặc biệt là biển miền Trung và miền Nam trải dài từ vùng biển Quảng Bình, Lăng Cô, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang sau đó là Mũi Né, Phú Quốc. Ngay từ khi dịch Covid-19 được kiểm soát, để đón dầu mùa du lịch nội địa, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đã liên tục đưa ra những gói combo để thu hút du khách, có thể kể đến như: Giảm giá phòng, ở 3 đêm trả tiền 2 đêm, trọn gói giá phòng và giá ăn, gói giá phòng và đón tiễn sân bay, di chuyển trong thành phố.
Tùy thuộc vào vị trí gần biển hay trong phố, khách sạn 5 sao với mức giá chỉ trên dưới 1 triệu đồng, khách sạn 4 sao với mức giá 500.000 đồng – 800.000 đồng, còn khách sạn 3 sao chỉ ở mức 300.000 đồng – 400.000 đồng. Còn những khách sạn 1 hoặc 2 sao giá thậm chí có thể chỉ 200.000 - 300.000 đồng/đêm. Theo những người trong ngành khách sạn, chi phí này chỉ đủ để chi trả một phần cho phí vận hành khách sạn bao gồm tiền nhân viên, tiền điện nước .
Trong khi đó, các vùng biển miền Bắc như Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn hay Cửa Lò được coi là những vùng biển dành riêng cho khách nội địa và chỉ kinh doanh một vụ hè, đặc biệt đông đúc vào cuối tuần, giá phòng khách sạn vẫn được giữ và không có nhiều biến động so sánh với những mùa trước. Vào thời điểm giữa tháng 7, tại tất cả những khu vực này đã đều hết phòng tới cuối tháng 7 và tất cả các cuối tuần tháng 8.
Tuy nhiên, tình trạng khan phòng ngắn hạn này là do nhu cầu đột biến tăng cao vào mùa hè khi học sinh bắt đầu được nghỉ học, và được dự báo chỉ duy trì trong khoảng vòng khoảng 1 tháng, và sẽ trở lại bình thường vào trước năm học mới. Cùng với lượng du khách Việt Nam đi du lịch hàng năm đi quốc tế rất lớn, năm nay đều chuyển đến các điểm đến nội địa.
Có một điều cần lưu ý rằng, không phải tất cả khách Việt Nam đều lựa chọn những dịch vụ giá rẻ, du lịch dành cho số đông, mà ngược lại có rất nhiều khách hàng có mức chi trả rất tốt cho những trải nghiệm đặc biệt. Từ thực tế trong những tháng vừa qua, những sản phẩm “đắt hàng” là những dịch vụ hoặc thật rẻ, hoặc thật đắt, những sản phẩm tầm trung lại tỏ ra đuối sức hơn trong cuộc chiến cạnh tranh thu hút khách du lịch nội địa.
Những khu resort hạng sang ở khu vực miền Trung và miền Nam từ trước tới nay hầu hết chỉ dành cho khách nước ngoài với giá lên tới hơn 10 triệu đồng một đêm như: Six Senses ở Nha Trang và Côn Đảo, Intercontinental Peninsula Đà Nẵng, Four Season The Nam Hai Hội An... thì đều có lượng khách Việt vô cùng tốt và mức chi trả các dịch vụ khác rất cao. Ngay cả những dịch vụ như du thuyền 5 sao, bay ngắm cảnh bằng thủy phi cơ đều đón được lượng khách nhiều bất ngờ. Đây có thể là một giải pháp cho ngành du lịch, cơ sở dịch vụ, công ty du lịch trong thời gian sắp tới đó là hướng tới những đối tượng khách hàng có mức chi tiêu cao, tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo hơn thay vì những sản phẩm du lịch cơ bản, và khuyến khích người dân đi du lịch và trải nghiệm nhiều hơn.
Du lịch nội địa bước vào tháng cao điểm sau khi học sinh cả nước bước vào kỳ nghỉ hè.
Voucher du lịch và những mặt trái
Voucher du lịch là gì? Voucher du lịch là một hình thức người mua trả trước toàn bộ số tiền để sở hữu một chứng nhận sử dụng dịch vụ trong một thời gian giới hạn và có những điều kiện kèm theo. Voucher cũng có thể coi như một dạng trái phiếu của doanh nghiệp, hiệu quả đầu tư cao nhưng cũng nhiều rủi ro.
Trong thời gian khi dịch Covid bắt đầu được kiểm soát, các doanh nghiệp đã rất linh hoạt đưa ra những voucher ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn tới hạn vài năm để hấp dẫn khách hàng, Voucher thường được phát hành bởi các khách sạn, du thuyền, hàng không để huy động vốn trong một thời gian ngắn nên giá thành thường thấp hơn giá sản phẩm thông thường.
Đơn cử như các đơn vị hàng không Vietnam Airlines, Vietjet hay Bamboo đều đưa ra những gói cho thành viên chỉ với khoảng 10 triệu – 20 triệu đồng khách hàng có thể bay trong 6 tháng tới 1 năm ngày không giới hạn. Đối với những hành khách thường xuyên di chuyển bằng máy bay thì chắc chắn là một ưu đãi lớn, tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Hay như các khách sạn đưa ra các gói voucher sử dụng phòng, số lượng mua càng lớn thì giá càng tốt. Những voucher này mang lại nguồn lợi rất lớn cho khách hàng, cũng như các đối tác – chính là các công ty du lịch nếu có khả năng mua voucher với số lượng lớn, sau đó bán lẻ và áp dụng vào tour du lịch cho khách hàng. Đây cũng là một hình thức sản phẩm bắt nhịp với xu hướng thị trường và khởi động lại thị trường.
Tuy nhiên, đây cũng là một hình thức tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi như đã đề cập Voucher có thể coi là một dạng trái phiếu của doanh nghiệp, và trái phiếu phụ thuộc rất nhiều vào độ tín nhiệm của doanh nghiệp. Tiếp theo, các voucher đưa ra thường kèm theo những điều kiện rất ngặt nghèo về việc sử dụng mà có thể không được đề cập, hoặc đề cập không rõ ràng và thời điểm bán ra. Đối với vé máy bay, đó có thể là hạng vé được sử dụng, chặng bay… đối với các khách sạn là thời gian được sử dụng, điều kiện ngặt nghèo về việc thay đổi, hoàn hủy, các chính sách khác.
Cá biệt, một số các khách sạn, resort đã bán rất nhiều voucher để kích cầu, tuy nhiên, vào mùa cao điểm lại đột ngột thay đổi chính sách, chỉ một số ngày và một số lượng phòng nhất định mới được áp dụng voucher. Trong nhiều trường hợp khách sạn tuy còn phòng nhưng lại không cho khách sử dụng voucher và áp dụng theo một mức giá khác. Hình thức voucher tuy mới mẻ và nhiều tiềm năng nhưng lại thiếu những quy định và rằng buộc để xử lý những phát sinh, vì thế người tiêu dùng cần hết sức cẩn trọng, cũng như phải tìm được những đối tác đáng tin cậy để tránh mất tiền mà không được hưởng dịch vụ như mong muốn.