Thắng cố

So với nhiều dân tộc khác, người Mông còn giữ được khá nhiều nét sinh hoạt, phong tục tập quán truyền thống và những món ăn không thể thiếu trong những phiên chợ vùng cao, tạo nên đặc sắc trong nền văn hóa truyền thống ấy là thắng cố.

Món ăn thắng cố của đồng bào dân tộc Mông.

Món ăn thắng cố của đồng bào dân tộc Mông.

Nói đến thắng cố, ai cũng biết đó là đặc sản của đồng bào dân tộc Mông ở miền núi phía Bắc. Nhưng bây giờ, thắng cố đã trở thành món ăn ngon và quen thuộc của nhiều người vùng cao. Nếu người miền xuôi tự hào vì có phở, thì người miền núi tự hào vì có thắng cố.

Trời càng lạnh, thắng cố càng ngon, thêm bát rượu ngô ấm nồng với người miền núi thực không có gì sánh bằng. Thắng cố là món ăn thường được làm vào các ngày lễ hội, lễ ăn thề bảo vệ rừng, những ngày có đông người như hội làng, dòng họ hay ở chợ phiên. Có người giải thích chữ thắng cố theo âm Hán Việt- thắng cố có nghĩa là thang cốt, tức là canh xương.

Chế biến thắng cố thật đơn giản. Con bò hoặc ngựa sau khi giết mổ, người ta lọc thăn bắp và các phần nạc riêng ra để bán. Còn phần xương xẩu được chặt nhỏ, gân cốt bạc nhạc, mỡ và các loại thịt vụn được lọc ra cùng với tiết đông cắt thành miếng nhỏ cộng với tim gan phèo phổi, thế là đủ nguyên liệu cơ bản để làm nên món thắng cố.

Sau khi nổi lửa cho nước trong chảo sôi, người ta cho các thứ nói trên vào chảo đun liên tục. Rồi vừa đun vừa vớt váng bẩn bỏ đi. Thắng cố được múc ra bát cho thực khách luôn nóng hổi. Muối hoặc bột canh để ngoài, khi ăn mới chấm cho vừa miệng mỗi người.

Chảo vơi nước cạn, người ta tra thêm nước, bỏ thêm gân xương đun tiếp. Những chợ huyện như Đồng Văn (Hà Giang), Bắc Hà, Mường Khương (Lào Cai) vào phiên chính chủ nhật vẫn luôn luôn có chảo thắng cố nóng hổi. Khi chợ đã vãn, ấy là lúc mọi người ngồi quây quần bên chảo thắng cố, từng bát, từng bát thắng cố được múc ra, rượu ngô thơm lừng... cuộc vui xuống chợ lúc này mới bắt đầu.

Bên chảo thắng cố nghi ngút khói, đàn ông uống rượu là hình ảnh thường thấy tại các phiên chợ vùng cao. Bây giờ, người Kinh, người Dao, người Tày cũng đều biết nấu thắng cố, thậm chí nấu rất ngon. Nhưng dường như hương vị thắng cố đặc biệt nhất, khiến thực khách nhớ lâu nhất vẫn là thắng cố của dân tộc đã sinh ra nó. Với người Mông, thắng cố không chỉ là món ăn ngon, thể hiện sự khéo léo và sành ăn mà còn là nét đẹp văn hóa của đồng bào.

Thịt nấu thắng cố theo truyền thống là thịt ngựa về sau có thêm thịt bò, thịt trâu, và thịt lợn. Theo lời của Giàng Seo Sẩu, một người tộc Mông 65 tuổi ở xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, Việt Nam, nấu thắng cố ngựa ngon có tiếng, tính tới năm 2011 thì “Món thắng cố ngựa ra đời từ cách đây gần 200 năm khi người H’mông, Tày, Nùng về Bắc Hà cư trú.

P.V.

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thang-co-546171.html