Thắng cố - độc đáo món ăn Tây Bắc

Về với vùng Tây Bắc, du khách không chỉ được đắm chìm vào cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản, hấp dẫn. Thắng cố là một trong những món ăn truyền thống vào các dịp lễ, Tết của người dân tộc. Tiết trời xuân se lạnh, nhâm nhi chén rượu ngô bên nồi thắng cố với bạn bè thì không gì sánh bằng.

Người dân thưởng thức món thắng cố trong dịp lễ hội.

Thắng Cố được biết đến là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, bắt nguồn từ phương Bắc. Sau này, món ăn đã phổ biến ra các tỉnh Tây Bắc như: Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình… Trước đây, món ăn được người dân bản địa chế biến từ thịt ngựa. Hiện nay, một số nơi thay bằng thịt trâu, bò, tùy vào khẩu vị từng vùng. Tuy nhiên, để giữ nguyên hương vị truyền thống thì thắng cố ngựa vẫn được các thực khách ở nhiều nơi chọn lựa.

Thắng cố không chỉ được phục vụ tại các quán ăn, nhà hàng, mà có cả trong các dịp lễ, Tết, hội chợ. Đến với những lễ hội hoặc chợ phiên tại các huyện Tân Lạc, Mai Châu… không khó để bắt gặp những nồi thắng cố bốc khói nghi ngút, tấp nập khách ra vào. Phục vụ món thắng cố ngựa tại gian hàng ẩm thực trong Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP vùng Trung du miền núi phía Bắc được tổ chức vào tháng 11/2022 tại TP Hòa Bình, anh Bùi Văn Tài, xã Phong Phú (Tân Lạc) cho biết: "Thắng cố ngựa là món ăn nổi tiếng nên tôi bày bán tại hội chợ lúc nào đông khách. Tuy vậy, đây không phải là món dễ ăn, không phải ai cũng có dám để thử, bởi thắng cố được nấu từ tất cả bộ phận của con vật, từ ruột non, ruột già, dạ dày và rất nhiều bộ phận khác được nấu hỗn độn với xương, tiết ngựa. Trong nguyên liệu thường có thêm 1 chút "pịa” nên có mùi vị hơi khó ngửi. Nhưng nếu đã ăn thử thắng cố sẽ cảm nhận được hương vị ngậy bùi, độc đáo của nó. Đây là món ăn dân dã, rất giàu dinh dưỡng, bồi bổ sức khỏe, nhiều lứa tuổi có thể thưởng thức nên gian hàng của tôi lúc nào cũng nhộn nhịp”.

Theo anh Tài, để làm được món thắng cố thơm ngon, phải chọn con ngựa béo, khỏe để lấy thịt, lọc ra thành từng phần, dùng cho từng công đoạn khi nấu. Phần thịt thăn được thái miếng vuông vức, ướp cùng với nhiều loại gia vị, trong đó không thể thiếu 3 loại tạo nên sự khác biệt của nồi thắng cố là: lá đắng, thảo quả, rau răm. Bí quyết ngon của món ăn là ở nồi nước dùng. Anh Tài cho biết: "Nước dùng món thắng cố đặc biệt ở chỗ, tiết ngựa phải được cho vào đun cùng với xương, thịt và ngũ tạng ngay từ đầu để có vị ngọt và độ xốp nhất định. Khi ninh xương, phải luôn giữ cho lửa cháy đều, cháy đượm để nồi nước dùng sôi trong vài tiếng đồng hồ, nhờ đó nước có màu sẫm, ngọt vị thịt và xương, thơm mùi gia vị, tạo nên đặc trưng dành riêng biệt, độc đáo cho món thắng cố”.

Anh Nguyễn Đức Long, thực khách ở TP Hòa Bình thưởng thức thắng cố tại gian hàng ẩm thực chia sẻ: "Tôi đã ăn thắng cố ở nhiều nơi, ở thành phố cũng có nhà hàng phục vụ món này nhưng chỉ có những "tay” dao thớt vùng cao, chuyên làm thắng cố mới giữ được hương vị truyền thống. Từ mùi vị của món ăn đến nước chấm đều rất đặc biệt, thơm nồng và hấp dẫn, thật sự rất khó quên”.

Theo truyền thống, món thắng cố phải nấu bằng chảo lớn, đủ cho vài chục người ăn. Cách nấu như vậy phù hợp trong dịp lễ, Tết, nhất là trong các gia đình, dòng họ đông người. Thắng cố phải được thưởng thức khi còn nóng hổi, múc ra từng bát, từng miếng thịt mềm, nước dùng thơm ngọt ăn kèm cùng rau thơm. Vị béo ngậy, ngọt bùi, càng ăn thực khách càng thấy hương vị cuốn hút, hấp dẫn. Vào những ngày xuân, tiết trời se lạnh, còn gì thú vị hơn khi được ngồi quây quần cùng gia đình, bạn bè bên nồi thắng cố bốc khói nghi ngút, nhâm nhi chén rượu thơm nồng.

Thắng cố là món đặc sản của đồng bào dân tộc, ngày càng được nhiều người biết đến, là món ăn nhất định du khách gần xa phải thưởng thức. Hương vị độc đáo của thắng cố sẽ để lại nhiều ấn tượng khó quên đối với du khách khi đến với vùng Tây Bắc.

Hoàng Anh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/174532/thang-co-doc-dao-mon-an-tay-bac.htm