Tháng cô hồn vắng vẻ lạ thường ở châu Á
Vào tháng 7 âm lịch hàng năm, người dân ở nhiều nơi tại châu Á sẽ làm lễ cầu siêu cho cô hồn. Nhưng năm nay, vì đại dịch, những buổi lễ ấy vắng bóng người.
Tại Đài Loan (Trung Quốc), ngày 15 của tháng cô hồn được tin là thời điểm âm phủ mở cửa, đưa những vong linh vất vưởng lên cõi trần.
Khi ấy, các tu sĩ Đạo giáo sẽ được mời đến đền Zhupu, nằm trên sườn đồi Keelung.
Các tu sĩ sẽ tổ chức một buổi lễ cầu nguyện cho những linh hồn chưa siêu thoát. Người Đài Loan thường gọi đó là "anh chị em tốt" để tránh xúc phạm.
Theo Guardian, tháng cô hồn là đặc trưng của nhiều nơi tại châu Á.
Ở Đài Loan, Keelung từng là địa điểm tổ chức những buổi lễ trọng đại, thu hút hàng chục nghìn người xem. Giờ, trong thời đại Covid-19, mọi thứ đã thay đổi.
Lễ cầu siêu vắng vẻ
Sau 15 phút đi bộ đến cổng đền Zhupu, khách sẽ được chào đón với hàng rào chắn lối vào cùng cảnh sát yêu cầu ô tô rời đi.
Một sĩ quan nói: "Năm nay buổi lễ không mở cửa cho con người!"
Khi được hỏi ai đang ở trong đền thờ, anh đáp: "Những người hành lễ và các anh em tốt".
Trên khắp thế giới, các tôn giáo, vốn xây dựng nghi thức qua việc tụ tập đông người, nay sẽ phải điều chỉnh lại truyền thống để tránh trở thành các sự kiện siêu lây nhiễm.
Đại dịch đem lại nhiều ý nghĩa cho phong tục thờ cúng người đã khuất. Trong 3 tháng qua, 800 người đã mất vì Covid-19 ở Đài Loan, chưa kể dân số sinh sống tại các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi virus.
“Một trong những khía cạnh thú vị khi nghĩ về ma quỷ trong hơn một năm nay với tôi là khoảng thời gian sống tại Mỹ trong khi gia đình vẫn ở Đài Loan”, Eileen Chengyin Chow, chuyên gia về Châu Á và Trung Đông tại Đại học Duke, cho biết.
“Dù rất may mắn vì được sống ở nơi an toàn và không bị ảnh hưởng nhiều, tôi vẫn cảm thấy buồn mênh mang. Nước Mỹ đã trải qua rất nhiều tháng đau thương và trống vắng”, Chow nói.
Đợt bùng dịch Covid-19 tồi tệ nhất ở Đài Loan sắp kết thúc, nhưng nhiều người vẫn chưa sẵn sàng trở lại.
Hôm 29/8, đền Zhupu tổ chức buổi trình diễn ánh sáng. Các thầy tu đốt pháo, cầu nguyện với thần và vong linh, mong đại dịch mau kết thúc. Thay vì tham dự buổi lễ, người dân phải xem trực tuyến.
Trong Đạo giáo, Phật giáo và văn hóa dân gian Đông Á, tháng cô hồn, tức tháng 7 âm lịch, là thời điểm cửa âm phủ mở và các linh hồn có thể lang thang trên cõi trần để kiếm thức ăn hoặc tìm những sinh mạng vô tội thế chỗ họ.
Khắp Đài Loan, các gia đình chuẩn bị lễ vật gồm thức ăn, rượu, nến, hoa, chậu rửa và khăn lau. Họ cầu nguyện cho tổ tiên và các thần, đồng thời xoa dịu những cô hồn.
Những con phố sẽ bốc đầy khói vì người dân đốt vàng mã trong lò kim loại nhỏ.
Một số điều bị cấm kỵ vào tháng cô hồn: không bơi vào ban đêm vì có thể bị ma chết đuối kéo chân, không huýt sáo hoặc phơi quần áo lúc khuya, không quay lại khi bị gọi tên.
Đây cũng không phải tháng phù hợp để mua xe hơi hoặc nhà mới. Tuy nhiên, nhiều người sẽ nói rằng đây là thời điểm tuyệt vời để mua giá hời, miễn là bạn không mê tín.
Niềm tin vẹn nguyên
Các truyền thống chuyển mình dưới thời đại Covid-19. Ở Singapore, người dân đốt vaccine giấy cho tổ tiên. Ở Đài Loan, nhiều người phớt lờ điều kiêng kỵ về bơi lội, có lẽ vì lệnh hạn chế tại các bể bơi suốt mùa hè mới được dỡ bỏ.
“Thế hệ trước vẫn tin vào những điều kiêng kỵ, bởi họ nhạy cảm hơn với các khái niệm thần linh và ma quỷ từ lâu đời. Ngày nay, chúng tôi chỉ nhắc nhau tránh những hoạt động dưới nước”, Zhang Ru Song, người đứng đầu đền Qingan ở Keelung, cho biết.
Nhìn chung, mọi người sử dụng thời gian này để nhớ về tổ tiên và nguồn gốc của mình, Zhang nói. "Họ cũng cầu nguyện cho những vong linh chưa siêu thoát để mọi người đều được bình an".
Niềm tin về cõi âm vẫn còn phổ biến ở thế hệ trẻ. Khảo sát gần đây với nhân viên văn phòng Đài Loan cho thấy 1/3 người được hỏi tránh làm việc ngoài giờ trong tháng cô hồn.
40% nhân viên kể về những lần gặp gỡ kỳ lạ vào giờ khuya. Hơn 70% nói rằng có “âm thanh ghê rợn” từ góc văn phòng. Số khác nghe thấy tiếng bước chân, tiếng xả nước bồn cầu trong nhà vệ sinh trống, hoặc chứng kiến cửa sổ tự mở, thang máy dừng tại tầng dù không ai bấm nút.
Ở Keelung, Zhang nói rằng có ít gia đình cầu nguyện hơn trong năm nay. Buổi lễ cũng bớt phức tạp vì các cộng đồng chỉ cử đại diện tham gia, giúp tránh lây lan SARS-CoV-2.
"Chúng tôi sẽ giữ truyền thống và tổ chức các buổi lễ. Mọi người vẫn cầu nguyện với tất cả lòng thành".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thang-co-hon-vang-ve-la-thuong-o-chau-a-post1257579.html