Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2025 (từ ngày 15/4 đến 15/5/2025): Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Với chủ đề: 'Bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó chú trọng ATTP bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố', Tháng hành động vì ATTP năm 2025 diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5/2025, hướng đến mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, ATTP; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về ATTP.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Nam Định.
Nhiều chuyển biến tích cực về ATTP
Toàn tỉnh hiện có 18.598 cơ sở thực phẩm. Ngành Y tế quản lý 6.187 cơ sở (chiếm 33,3%), trong đó 1.664 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, 911 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 3.612 cơ sở dịch vụ ăn uống. Ngành Công Thương quản lý 2.350 cơ sở (chiếm 12,6%). Ngành Nông nghiệp và Môi trường quản lý 10.061 cơ sở (chiếm 54,1%).
Theo báo cáo của Sở Y tế về tình hình ATTP và công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 và quý I năm 2025, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện nghiêm Kế hoạch số 62/KH-UBND của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 12/1/2023 của Tỉnh ủy về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới. Công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh đã được cả hệ thống chính trị quan tâm. Trong đó, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh ATTP tỉnh đã ban hành 10 văn bản về chỉ đạo công tác đảm bảo ATTP; UBND các huyện, thành phố ban hành 145 văn bản chỉ đạo công tác ATTP trên địa bàn.
Chất lượng sản phẩm thực phẩm trên địa bàn tỉnh được quản lý, kiểm soát, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; giữ vững ổn định sản xuất. Ngành Y tế đã chủ trì, phối hợp các ngành liên quan triển khai 17 cuộc giám sát đảm bảo ATTP phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị trên địa bàn tỉnh; trong đó kiểm tra, giám sát 6.050 cơ sở; xử lý 275 cơ sở, phạt tiền 275 cơ sở với trên 669 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là: không có đủ dụng cụ sử dụng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm đã qua chế biến, nơi chế biến có côn trùng động vật gây hại; người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang, không cắt ngắn móng tay; hành vi kinh doanh hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; không niêm yết giá; không thực hiện kiểm thực 3 bước; cống, rãnh thoát nước thải không được che kín; phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng; không có giá kệ; dụng cụ thu gom rác thải không có nắp đậy. Hàng hóa vi phạm, tịch thu, tiêu hủy chủ yếu các sản phẩm từ động vật không đảm bảo ATTP và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nước uống, mì tôm, chai nước chấm hải sản không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng…
Xác định rõ phương châm “Truyền thông đi trước, mở đường”, các hoạt động phổ biến, tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, ATTP được quan tâm, đẩy mạnh; kịp thời thông tin, tuyên truyền, biểu dương các doanh nghiệp, tôn vinh các sản phẩm bảo đảm tốt chất lượng ATTP, các tổ chức, đơn vị có thành tích tốt trong công tác bảo đảm an ninh, ATTP; phát động phong trào toàn dân thực hiện tố giác các hành vi vi phạm an ninh, ATTP; tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm ATTP.
Thời gian qua, ngành Y tế triển khai mô hình bếp ăn tập thể trường học kiểm soát ATVSTP tại các cơ sở giáo dục mầm non; cấp phát 61 nghìn tờ rơi tuyên truyền ATTP. Công tác xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tiếp tục được quan tâm, dành nhiều nguồn lực hỗ trợ cho các cơ sở/doanh nghiệp tổ chức củng cố, mở rộng và xây dựng mới các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có 42 chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm nông - lâm - thủy sản an toàn; 134 cơ sở, doanh nghiệp, vùng sản xuất duy trì chương trình quản lý chất lượng (VietGAP, HACCP, ISO, hữu cơ, ASC) đã được công nhận áp dụng.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra công tác ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Nam Định.
Xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về ATTP tại một số xã, phường, thị trấn và một số lĩnh vực còn yếu, đặc biệt là quản lý sử dụng hóa chất trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm đối với đối tượng sản xuất nhỏ lẻ, thời vụ, kinh doanh thức ăn đường phố, ATTP tại các chợ; việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP... hiệu quả chưa cao.
Chính quyền một số địa phương nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quản lý chất lượng ATTP; chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện công tác ATTP. Sự phối hợp của các cấp, các ngành trong công tác quản lý ATTP chưa thật sự chặt chẽ, thường xuyên; sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể trong giám sát, tuyên truyền, vận động, phát hiện, tố giác vi phạm ATTP còn hạn chế. “Người dân chưa phát huy trách nhiệm và quyền lợi của người tiêu dùng trong việc phát hiện và đấu tranh với những hành vi vi phạm về ATTP. Không ít người còn quá dễ dãi trong việc chọn mua và sử dụng thực phẩm không an toàn, sử dụng thực phẩm trôi nổi, giá rẻ mặc dù biết nguy cơ ngộ độc thực phẩm, các bệnh lây truyền qua thực phẩm có thể xảy ra” - đồng chí Hoàng Vũ Lợi, Trưởng phòng An toàn Vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế cho biết.
Đồng chí Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Trên cơ sở Kế hoạch 59/KH-UBND ngày 3/4/2025 của UBND tỉnh về triển khai “Tháng hành động vì ATTP” năm 2025, Sở Y tế chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tích cực triển khai thực hiện. Sở đã xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức hoạt động truyền thông, tuyên truyền kiến thức về ATTP, các văn bản pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực quản lý chất lượng VSATTP. Chuẩn bị thiết bị, hóa chất, nhân lực phục vụ công tác lấy mẫu, xét nghiệm phát hiện nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm. Thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra các địa phương trong việc thực hiện công tác đảm bảo ATTP; kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh và quảng cáo thực phẩm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về chất lượng vệ sinh ATTP.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, thịt, cơ sở chế biến hàng thủy sản, nông sản, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Hướng dẫn, khuyến khích sản xuất nông sản, thực phẩm có chất lượng đảm bảo an toàn, xây dựng và phát triển mô hình chuỗi về sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, kiểm soát ATTP ngay từ các yếu tố đầu vào, trong đó chú trọng khâu quy hoạch vùng trồng rau sạch, trại chăn nuôi tập trung, phát triển chăn nuôi gắn liền với phương án đảm bảo vệ sinh môi trường sinh thái, ứng dụng nhanh và đại trà các quy trình công nghệ tiên tiến trong trồng trọt và chăn nuôi để sản phẩm đạt chất lượng cao, đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm chất lượng, Sở Công Thương tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về ATTP từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh đối với các loại sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành và các sản phẩm khác, ATTP đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm thuộc phạm vi quản lý; kiểm soát chặt chẽ phương thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử đối với các sản phẩm thực phẩm theo quy định. Triển khai giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm đối với các nhóm thực phẩm thuộc ngành quản lý; chủ động phòng ngừa, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của ngành.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý các vi phạm về vệ sinh ATTP và quản lý chất thải đối với các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm. Chỉ đạo lực lượng công an các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, triệt phá, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh lưu thông các loại hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong chăn nuôi, giết mổ, nuôi trồng thủy sản và các hành vi đưa tạp chất vào thủy sản, sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp trong sản xuất rượu.