Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2025: Đồng hành để phát triển bền vững
Các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn thành phố Huế đang phát triển khá hiệu quả, phát huy được vai trò trong việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Với sự đồng hành và định hướng từ Liên minh HTX thành phố, các HTX đã và đang từng bước chuyển đổi số, bắt nhịp cùng thị trường trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để từng bước nâng cao hiệu quả của những mô hình kinh tế tập thể.

Trưng bày giới thiệu sản phẩm của HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II
Những điển hình
HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II (huyện Quảng Điền) hoạt động theo hình thức sản xuất, kinh doanh chủ đạo là dịch vụ nông nghiệp gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương. Với sự nỗ lực, năng động của đội ngũ lãnh đạo, sự tham gia nhiệt tình của các thành viên, đến nay, HTX đã phát triển khá mạnh với hơn 600 thành viên. Để phục vụ tốt cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, HTX đã đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp, dịch vụ thủy lợi, làm đất, bảo vệ thực vật; thực hiện chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ nông nghiệp...
Ông Nguyễn Lương Trí, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II cho biết: Ngoài việc cung cấp các dịch vụ đầu vào, HTX đã liên kết sản xuất với các công ty trên địa bàn thành phố để tổ chức sản xuất lúa hàng hóa, mang lại thu nhập khá cao cho các thành viên. Bình quân mỗi năm HTX liên kết sản xuất 30 ha lúa theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, HTX đã thực hiện dịch vụ thu mua, chế biến và tiêu thụ rau má cho người dân địa phương. Cách làm này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển về diện tích và thu nhập của hộ trồng rau má. Hiện, thương hiệu “Rau má Quảng Thọ” được nâng tầm và nhiều nơi biết đến.
Cũng là điểm sáng trong kinh tế tập thể, HTX Dầu tràm Lộc Thủy, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc với 30 thành viên đã và đang là “bà đỡ” cho những hộ thành viên và bà con nông dân nơi đây. HTX Dầu tràm Lộc Thủy đã xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường khi mẫu mã không ngừng được đổi mới, hiện đại, với nhiều sản phẩm đa dạng. Ngoài sản phẩm chính là tinh dầu tràm được nấu, chưng cất từ cây tràm gió bản địa, HTX đã nghiên cứu, cho ra đời những sản phẩm khác, được thị trường đón nhận như nụ tràm, tinh dầu mát xa...
Bà Mai Thị Thùy Vân, Giám đốc HTX Dầu tràm Lộc Thủy cho biết: Các hộ sản xuất dầu tràm cùng liên kết để xây dựng thương hiệu, phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Khi sản phẩm của HTX được thị trường biết đến và đón nhận, HTX đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, bán hàng trên các trang mạng xã hội. Việc ứng dụng chuyển đổi số vào quá trình quảng bá và giới thiệu sản phẩm đã góp phần tăng doanh số bán ra, hạn chế tối đa các chi phí trung gian. Nhờ đó, HTX đã giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên; đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho các hộ dân trồng tràm nhiên liệu và sản xuất tinh dầu tràm ở địa phương.
“Trợ lực” từ Liên minh HTX
Những đóng góp của các HTX vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là điều không thể phủ nhận. Song, để HTX ngày càng phát triển bền vững, thực sự trở thành một trong những thành phần kinh tế quan trọng, thì việc đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số là một trong những việc cần làm ngay và làm hiệu quả.
Đó cũng là lý do mà Liên minh HTX thành phố đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng 11 lớp cho cán bộ quản lý, chuyên môn, thành viên của HTX với nhiều nội dung thiết thực, thu hút 439 lượt người tham gia. Ngoài ra, Liên minh HTX cũng kết nối với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Huế để tạo điều kiện cho 23 cán bộ các HTX theo học ngành học quản trị kinh doanh để nâng cao năng lực quản lý, điều hành.
Liên minh HTX cũng là cầu nối để HTX tiếp cận được với các nhóm chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể của địa phương; tư vấn cho HTX thực hiện hồ sơ vay vốn; xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm; thực hiện các hồ sơ thủ tục để được cấp giấy chứng nhận VietGAP, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm…
"Sàn kinh tế hợp tác" và phòng trưng bày giới thiệu quảng bá sản phẩm HTX đã thể hiện rõ hiệu quả trong việc hỗ trợ các tổ hợp tác, HTX, các hộ sản xuất và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, đã có 177 sản phẩm được giới thiệu trên "Sàn kinh tế hợp tác" và 56 sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên "Chợ trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số". Ngoài ra, Liên minh HTX còn giới thiệu và tổ chức cho các HTX tham gia hội chợ, trưng bày giới thiệu sản phẩm tại các hoạt động lễ hội trên địa bàn và một số tỉnh, thành khác. Đồng thời, bàn giao trang thiết bị hỗ trợ cho 5 điểm giao dịch chợ sản phẩm trực tuyến cho HTX Công nghệ thông tin Huế, HTX Sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn A Lưới, HTX Thổ cẩm xanh Azakooh, HTX Nông dân A So và HTX Du lịch cộng đồng Kazan thuộc dự án “Xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX cho biết: Thời gian tới, Liên minh HTX tiếp tục tổ chức đối thoại để tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Qua đó, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, khó khăn và vướng mắc của HTX để báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ, tháo gỡ, giải quyết. Đồng thời, tiếp tục triển khai các nội dung của chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường, Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố... và các địa phương để nâng cao chất lượng HTX gắn với việc thực hiện chương trình OCOP và chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới, kiểu mẫu gắn với sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, công nghệ cao và chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực địa phương.