Thắng lợi cây trồng vụ Đông ở Quang Bình

Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Quang Bình, Dương Mai Long cho biết: Sản xuất cây vụ Đông ở Quang Bình bắt đầu từ cuối tháng 9, ngay sau thu hoạch lúa Mùa sớm. Có những loại cây trồng chỉ sau 45 ngày đã cho thu hoạch; cây trồng chậm nhất cũng không quá 3 tháng. Mỗi ha trồng cây vụ Đông nếu làm tốt, thu nhập của người nông dân chẳng thua kém gì trồng cây chính vụ trong năm.

Nông dân xã Yên Thành bán Su hào ngay tại ruộng.

Nông dân xã Yên Thành bán Su hào ngay tại ruộng.

Tiếp lời chúng tôi ngay bên ruộng rau, bà Hoàng Thị Sinh, thôn Yên Lập, xã Yên Thành vui vẻ cho biết: Vụ Đông này gặt xong 1.000 m2 ruộng, gia đình cày bừa, lên luống, cuốc hố, bỏ phân trộn đều rồi trồng được trên 6.500 cây Su hào. Kể từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ gần 2 tháng; mỗi củ Su hào có trọng lượng từ 400 – 500g, được bán với giá từ 3.500 – 4.000 đồng. Sau trừ tiền giống, phân bón cũng bỏ túi được khoảng 19 – 22 triệu đồng tiền lãi. Làm cây rau vụ Đông tính ra còn lãi hơn cả cấy cây lúa chính vụ. Còn chị Hoàng Thị Dượng, người cùng thôn Yên Lập lại đưa tôi tới “mục sở thị” ruộng Khoai tây: Em trồng trên 2.000 m2 cây Khoai tây Đức nhập nội F1. Thời gian xuống giống lứa đầu là cuối tháng 10, đầu tháng 11. Hiện tại mới là cuối tháng 12, cây đã cho củ nho. Giống Khoai tây Đức nhập nội F1 phát triển đồng đều có thể cho năng suất từ 20 – 25 tấn/ha sau khoảng 85 – 90 ngày. Trồng 1 ha Khoai tây Đức nhập nội F1 sẽ cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/vụ. Chị Dượng nhận định, vụ thu Khoai tây sẽ vào đúng dịp Tết nguyên đán, bán đúng dịp sẽ là lợi thế của nhà nông vì sản lượng ít, nhu cầu tiêu dùng dịp Tết lại cao. Với giá bán Khoai tây bình quân từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, gia đình sẽ có một cái Tết no đủ. Được biết, vụ Đông ở xã Yên Thành năm nay thực hiện trên quy mô khá rộng và đa dạng các loại cây trồng. Đến hiện tại, các loại rau, củ như Su hào, cải Bắp đã được thu hoạch và bán được giá khá cao so với cùng kỳ. Đã có rất nhiều gia đình trồng rau, củ vụ Đông gặt hái được nhiều thành quả rất đáng mừng.

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Quang Bình kiểm tra ruộng trồng Khoai tây Đức tại thôn Yên Lập, xã Yên Thành. Ảnh: NHẬT HỒNG

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Quang Bình kiểm tra ruộng trồng Khoai tây Đức tại thôn Yên Lập, xã Yên Thành. Ảnh: NHẬT HỒNG

Rời xã vùng 3 Yên Thành về xã Vĩ Thượng nơi trọng điểm trồng cây vụ Đông nhiều năm nay. Anh Hoàng Văn Khoan, thôn Trung Thành hồ hởi: Gia đình em xuống giống Dưa leo vào đầu tháng 11, trên diện tích 3 ha. Sau gần 45 ngày trồng, chăm bón dưa đã cho thu hoạch. Hiện tại, mỗi ngày anh Khoan thuê 4 – 5 người thu hái được ít nhất 1.000 kg quả/3 ha. Giá bán bình quân, giao cho Công ty Nông sản Dưa leo Vùng miền (Bắc Ninh) ngay tại chân ruộng là 12.000 đồng/kg. Anh Khoan cho biết: Trồng 3 ha Dưa leo, sẽ cho gia đình anh thu hoạch liên tục ít nhất là 30 ngày, mỗi ngày ít nhất 1 tấn quả, tương đương 12 triệu đồng/ngày. Nếu không có sự liên kết với doanh nghiệp, gia đình không thể bán hết 1 tấn dưa/ngày. Ký bao tiêu được đầu ra ổn định, thì người trồng dưa vụ Đông sẽ có thu nhập rất tốt trong cơ cấu cây trồng vụ 3 hàng năm..

Được biết, vụ Đông năm nay, huyện Quang Bình trồng gần 1.000 ha rau, củ, quả các loại. Trong đó, cây ngô trồng được 427 ha, một nửa số đó là trồng ngô sinh khối liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi. Còn lại là cây Khoai lang giống Hoàng Long gần 32 ha, Khoai tây Đức F1 trên 18 ha. Ngoài ra còn, bí Xanh, bí Đỏ trồng liên kết với Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp Hà Giang. Bà con các xã cũng đã trồng trên 500 ha các loại rau, củ, quả phục vụ đời sống, bán tiêu dùng. Các xã Hương Sơn, Yên Hà, Yên Thành... chủ động tìm, ký liên kết với các công ty, doanh nghiệp đứng ra thu mua bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân với giá ổn định đã, đang trở thành cách làm mới ở các xã của huyện.

Để có một vụ Đông được đánh giá là bội thu, huyện Quang Bình đã chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản gieo trồng ngay trước khi triển khai cấy vụ Mùa, giúp các xã chủ động điều tiết diện tích lúa cấy, thu hoạch sớm để trồng cây vụ Đông kịp thời vụ. Ngoài ra, UBND huyện cũng đã trích kinh phí từ nguồn hỗ trợ nông nghiệp trọng tâm để hỗ trợ thêm cho bà con nông dân. Tiến hành tập huấn, chuyển giao KHKT để bà con nông dân Quang Bình làm nên vụ Đông thắng lợi. Tới đây, Quang Bình sẽ đánh giá cụ thể cách làm, phương thức đàm phán liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; đúc rút các ưu, khiếm khuyết cụ thể tại mỗi xã, thị trấn. Từ đó, đúc rút thành bài học sản xuất vụ Đông cho các năm tiếp theo.

Bài, ảnh: NGUYỄN HÙNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202112/thang-loi-cay-trong-vu-dong-o-quang-binh-786037/