Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Hưng Yên nhìn dưới góc độ 'Ðem sức ta mà tự giải phóng cho ta'

Sau Đại hội Quốc dân diễn ra ở Tân Trào, Tuyên Quang ngày 16 Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo với đồng bào tin vui: Nhật đầu hàng; sự lớn mạnh của Mặt trận Việt Minh; sự ra đời của Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do “Việt Nam Quốc dân đại biểu Đại hội" cử ra. Người cho đó là "một tiến bộ rất lớn trong lịch sử tranh đấu giải phóng của dân tộc ta từ ngót một thế kỷ nay”. Cuối Thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Nhìn lại lịch sử cách mạng nước ta thì quan điểm “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” đã có từ thời người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước một cách rất đặc biệt, không giống bất kỳ con đường nào khác của các chí sĩ, các cuộc khởi nghĩa lúc bấy giờ đã chọn. Khi đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn là theo con đường chủ nghĩa Mác-Lê-nin, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc “đem sức ta” mà thành lập lực lượng tiên phong “mở đường” là thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam bằng cách đoàn kết, thống nhất được 3 tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất cùng theo chủ nghĩa Mác-Lênin, lãnh đạo cách mạng. Ngày 28-1-1941, sự kiện Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Tổ quốc không chỉ là một dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là một dấu mốc trọng đại đối với lịch sử dân tộc Việt Nam. Tổ chức Hội nghị Trung ương 8, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), một tổ chức mặt trận đông đảo thu hút mọi giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái, gái trai, già trẻ... Có tinh thần dân tộc, đoàn kết rất cao, có một chương trình rõ rệt, đầy đủ, thiết thực, hợp nguyện vọng các giới đồng bào, đánh thức được ý thức tự lực tự cường, tinh thần yêu nước nồng nàn, lòng tự hào dân tộc trong toàn dân, sẵn sàng đứng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc. Khi đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn rồi, chỉ đạo của Mặt trận Việt Minh, của lãnh tụ Hồ Chí Minh: không chờ đợi lực lượng từ đâu đó đến, không chờ người của Trung ương về mà hết thảy mọi người dân ở các địa phương trong cả nước đều nhất tề khởi nghĩa, "rũ bùn đứng dậy sáng lòa" (Ðất nước - Nguyễn Ðình Thi). Ngày 16/8 và Quân lệnh số I của Ủy ban khởi nghĩa phát đi từ 23 giờ đêm 13 tháng 8, thế mà nhiều địa phương đã ngay lập tức nắm thời cơ nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Ngay đến Thủ đô Hà Nội thì phải vào ngày 19/8/1945, sau khi có Quân lệnh số I những 5 ngày thì mới hoàn toàn làm chủ thành phố. Nhưng đây lại là động lực, tác dụng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng của cả nước.

Theo chính sử thì ngày 22/8/1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Hưng Yên. Ngày 23-8-1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên ra mắt. Ngày 25-8-1945, chính quyền cách mạng ở cơ sở trong toàn tỉnh đã căn bản được thành lập. Tuy nhiên, thực chất, trước đó, ở nhiều nơi trong tỉnh Hưng Yên, nhân dân, dưới sự lãnh đạo của mặt trận Việt Minh đã đứng lên đấu tranh giành chính quyền trước khi có lệnh của cấp trên. Điều này được minh chứng bởi một số căn cứ sau đây:

Hưng Yên là tỉnh nằm sát Thủ đô Hà Nội. Từ Hà Nội về đến thị xã Hưng Yên (nay là thành phố Hưng Yên) chừng hơn 60 km đường bộ. Tuy nhiên, với điều kiện, phương tiện giao thông liên lạc vào những ngày tháng Tám năm 1945 còn rất nhiều khó khăn, cách trở, lạc hậu, cho nên “lệnh” của cấp trên không nhanh chóng được truyền đến. Trong khi đó, binh lính ở các đồn xung quanh huyện ở vào trạng thái hoang mang, khi biết nhân dân ở nhiều tỉnh khác đã nổi dậy giành chính quyền thắng lợi. Cũng vào thời gian đó, nước ở sông Hồng, sông Luộc lên rất to, đe dọa vỡ đê. Một số quan tri huyện cũng bị hút vào việc huy động lực lượng trông coi đê, đồng thời quân số, vũ khí lại bị hút về tỉnh lỵ, cho nên lực lượng địch bị phân tán, tinh thần bị trễ nải. Đây là thời cơ để các địa phương trong tỉnh chủ động nổi dậy, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”;

Đến ngày 18-8-1945, tỉnh Hưng Yên mới chính thức nhận được Lệnh khởi nghĩa. Ban cán sự Đảng tỉnh cấp tốc mở hội nghị tại Thổ Cốc, huyện Yên Mỹ. Ban cán sự Đảng tỉnh thống nhất nhận định: các huyện, địa phương trong tỉnh dựa vào tinh thần Chỉ thị của Trung ương Đảng 12-3-1945 "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" với tinh thần "phải hành động ngay hành động cương quyết nhanh chóng, sáng tạo chủ động, táo bạo" và Thông báo của Kỳ bộ Việt Minh (16-8-1945). Căn cứ diễn biến, tình hình, lực lượng của ta ở các địa phương, Hội nghị quyết định: “Những nơi đã đánh úp huyện thì tổ chức mít tinh quần chúng, giải tán chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng lâm thời, những nơi khác tiếp tục khởi nghĩa bằng biểu tình vũ trang của quần chúng”;

Phù Cừ là một huyện xa cách về địa lý nhất so với các huyện trong tỉnh. Do nắm bắt được chủ trương của cấp trên từ trước, đồng thời thấy thời cơ giành chính quyền đã đến, ngày 13-8-1945, tại nhà cụ Vương Văn Cân, thôn Đông Cáp, Chi bộ Đảng đã tổ chức hội nghị các lực lượng Việt Minh huyện và quyết định huy động lực lượng của gần 20 thôn với 50 người, trang bị nhiều vũ khí các loại đánh huyện đường vào rạng sáng ngày 14-8-1945. Vào sáng cùng ngày, các lực lượng ta tiến vào bao vây huyện đường, vừa nổ súng, vừa kêu gọi địch đầu hàng, dựa vào lực lượng địch vận cho nên quân khởi nghĩa tiến vào được huyện lỵ, địch hoảng sợ ngừng bắn, vứt súng đầu hàng. Lực lượng Việt Minh xông vào huyện đường tịch thu đồng triện, tài liệu sổ sách đốt ngay giữa công đường, thu giữ tiễn bạc, vũ khí, quân dụng... Do chưa nhận được chỉ thị của tỉnh và Lệnh Tổng khởi nghĩa, nên huyện chưa thanh lập ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời, nhưng thực chất chính quyền ở huyện Phù Cừ đã về tay nhân dân, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng. Ngày 19-8-1945, thực hiện chủ trương của Ban Cán sự tỉnh và lệnh tổng khởi nghĩa, Chi bộ Đảng Phù Cừ lãnh đạo cuộc mít tinh tại khu vực gác Tam Quan chùa Đình Cao để thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng huyện;

Cuộc tấn công huyện đường Phù Cừ, tước vũ khí địch rạng sáng ngày 14-8-1945 là trận mở đầu cho tổng khởi nghĩa của cả tỉnh. Trên đà thắng lợi, với khí thế hừng hực cách mạng của quân Việt Minh và của quần chúng, nhân dân, các lực lượng tiếp tục nổi dậy, đánh chiếm các huyện trong tỉnh. Chỉ trong vòng 4 ngày, từ ngày 14 đến ngày 18-8-1945, tuy chưa nhận được được lệnh khởi nghĩa, nhưng tại các huyện Khoái Châu, Mỹ Hào, Ân Thi, Văn Giang, Tiên Lữ... chính quyền địch đã bị Việt Minh cùng quần chúng cách mạng đánh chiếm, giành chính quyền. Sau khi nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa, các huyện Yên Mỹ, Kim Động, Văn Lâm tiến hành tổng tiến công vào huyện đường, buộc chúng phải đầu hàng chính quyền cách mạng;

Như vậy, quán triệt phương châm và lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” các cấp ủy đảng, Mặt trận Việt Minh đã lãnh đạo, chỉ đạo, tập hợp lực lượng cách mạng, quần chúng, nhân dân, sắm vũ khí, chủ động chớp lấy thời cơ đứng lên đấu tranh đánh đổ chính quyền tay sai, lập nên chính quyền của nhân dân. Thường thì nhiều cuộc cách mạng được diễn ra bằng việc lật đổ chính quyền trung ương, các tỉnh lỵ trước, nhưng điều đặc biệt trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Việt Nam, trong đó có tỉnh Hưng Yên, là lực lượng cách mạng, quần chúng, nhân dân chủ động “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” ở nhiều tỉnh, huyện xa xôi trước khi giành chính quyền trong toàn tỉnh, trong cả nước./.

Vũ Lân

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chinh-tri/202108/thang-loi-cua-cach-mang-thang-tam-nam-1945-o-hung-yen-nhin-duoi-goc-do-dem-suc-ta-ma-tu-giai-phong-cho-ta-bb44638/