Thắng lợi của chính nghĩa và bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

Đại thắng mùa xuân 1975 là một trong những dấu mốc lịch sử vĩ đại nhất trong hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây là chiến thắng của chính nghĩa, khát vọng hòa bình và bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Chính nghĩa là đạo lý công bằng, là sự bảo vệ lẽ phải và là mục tiêu cao cả mà mọi dân tộc đều hướng tới. Đại thắng mùa xuân 1975, với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, không chỉ đơn thuần là thắng lợi quân sự trên chiến trường mà còn là thắng lợi của chính nghĩa Việt Nam. Chiến thắng này đã chứng minh rằng, khi một dân tộc đoàn kết đấu tranh vì chính nghĩa, có bản lĩnh kiên cường thì dù kẻ thù có mạnh đến đâu cũng sẽ bị đánh bại.

Bộ đội Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Bộ đội Quân đoàn 3 đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu

Sau Hiệp định Geneva 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt thành hai miền. Miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong khi miền Nam rơi vào ách thống trị của chế độ tay sai do Mỹ hậu thuẫn. Nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam đã đứng lên đấu tranh để thống nhất đất nước, giành lại quyền tự quyết dân tộc. Cuộc chiến này hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và quyền tự quyết của các dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Từ đã lâu, nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được. Chúng tôi kiên quyết phấn đấu để thực hiện thống nhất đất nước trên cơ sở độc lập và dân chủ bằng phương pháp hòa bình. Có chính nghĩa, có sức đại đoàn kết toàn dân, có sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới, chúng tôi tin chắc rằng nước Việt Nam nhất định sẽ thống nhất”. Lời của Người đã trở thành sự thật với Đại thắng mùa xuân 1975!

Đại thắng mùa xuân 1975 còn là chiến thắng của hòa bình và công lý. Ngay từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Việt Nam không hề muốn chiến tranh. Mỹ và chế độ tay sai ở miền Nam đã vi phạm nghiêm trọng Hiệp định Geneva, đàn áp phong trào yêu nước, đẩy nhân dân miền Nam vào cảnh lầm than. Trước sự xâm lược và can thiệp của Mỹ, nhân dân Việt Nam buộc phải cầm vũ khí để tự vệ. Cuộc chiến tự vệ chính đáng của nhân dân ta hoàn toàn phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Trước khi bước vào cuộc chiến, Đảng ta, nhân dân ta luôn sẵn sàng đàm phán, tìm kiếm giải pháp hòa bình để thống nhất đất nước. Tuy nhiên, khi đối phương không tôn trọng các thỏa thuận, chúng ta buộc phải tiếp tục chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do.

“Trong cuộc chiến đấu chính nghĩa của mình, nhân dân Việt Nam được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ Latinh và nhân dân toàn thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ”. Để đoàn kết và ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, hơn 200 tổ chức, ủy ban, phong trào đoàn kết được lập ra ở hầu hết các nước trên thế giới với nhiều hoạt động tích cực. Hàng triệu người thuộc nhiều nước ghi tên tình nguyện sang giúp nhân dân Việt Nam đánh Mỹ; 16 nước có phong trào hiến máu; hơn 50 nước có phong trào quyên góp ủng hộ Việt Nam.

Ở Pháp có Phong trào quyên góp “100 triệu franc ủng hộ Việt Nam”; ở Nhật Bản có chiến dịch quyên góp “100 triệu yên cho Việt Nam”; ở Thụy Điển có Phong trào “Một triệu cuaron ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam”. Nổi bật là cuộc tổng bãi công của hơn 5 triệu công nhân thuộc 91 tổ chức công đoàn Nhật Bản trong năm 1965. Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp tổ chức “Đêm thức vì hòa bình ở Việt Nam”... Giữa lòng thủ đô Stockholm, xuất hiện các “chiến khu giải phóng” của thanh niên Thụy Điển. Họ dùng cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và bài hát "Giải phóng miền Nam" làm cờ và bài hát chính thức, lập ra nhóm hành động ủng hộ Mặt trận.

Nhân dân Cộng hòa Liên bang Đức đã sôi sục biểu tình tại hơn 50 thành phố phản đối Mỹ ném bom Hà Nội, Hải Phòng... Sự ủng hộ này không chỉ là động lực tinh thần to lớn mà còn khẳng định rằng, cuộc chiến của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến vì chính nghĩa, lẽ phải, hòa bình và công lý. Đại thắng của dân tộc Việt Nam là chiến thắng tất yếu của hòa bình và công lý.

Không chỉ là chiến thắng của chính nghĩa, Đại thắng mùa xuân 1975 còn là chiến thắng của bản lĩnh dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Bản lĩnh là phẩm chất quan trọng của một dân tộc, thể hiện qua sự kiên cường, mạnh mẽ, trí tuệ, tầm nhìn và khả năng vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Việt Nam là quốc gia nhỏ về diện tích và dân số, nhưng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta đã chứng tỏ bản lĩnh của một dân tộc kiên cường, bất khuất. Đối đầu với Mỹ-một siêu cường hùng mạnh về kinh tế, quân sự, có công nghệ vượt trội, nhân dân Việt Nam đã không hề nao núng, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng. Theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ kính yêu, toàn thể dân tộc Việt Nam đã “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải”, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh để bảo vệ quyền tự do, độc lập của Tổ quốc.

Đại thắng mùa xuân 1975 là chiến thắng của trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta. Sau Hiệp định Paris (ngày 27-1-1973) về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, trước những hành động vi phạm trắng trợn của Mỹ, ngụy, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III đã kịp thời ban hành Nghị quyết về “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới”, khẳng định: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất kể trong tình hình nào, ta cũng phải nắm vững thời cơ, giữ vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”. Trước những diễn biến mau lẹ của tình hình, từ ngày 30-9 đến 8-10-1974, Hội nghị Bộ Chính trị khóa III và Quân ủy Trung ương họp xác định bước ngoặt căn bản trong so sánh lực lượng giữa ta và địch đã hoàn toàn có lợi cho ta. Hội nghị “hạ quyết tâm lịch sử hoàn thành giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976...”, đồng thời nhấn mạnh: Khi thời cơ lịch sử đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức tập trung lực lượng của cả nước giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975.

Sau chiến thắng của các chiến dịch: Tây Nguyên, Huế-Đà Nẵng, ngày 31-3-1975, Bộ Chính trị họp và nhận định: Thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã chín muồi. Cần có sự quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng 4-1975. Đầu tháng 4-1975, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ tư lệnh chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Luôn nắm chắc tình hình chiến trường, Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, linh hoạt các lực lượng thừa thắng xông lên, với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”, quyết tâm “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Sau 55 ngày đêm tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công, quân và dân ta đã thần tốc truy đuổi quân địch đến sào huyệt cuối cùng. 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, lá cờ cách mạng của quân và dân ta tung bay trên nóc dinh Độc Lập, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của bè lũ bán nước và xâm lược.

Đại thắng mùa xuân 1975 còn là chiến thắng của nghệ thuật quân sự đặc sắc, đỉnh cao Việt Nam. Đó là nghệ thuật tạo ưu thế lực lượng, bảo đảm đánh địch trên thế mạnh, hình thành sức mạnh áp đảo trong chiến dịch. Khi địch còn ổn định, có tổ chức thì tập trung hơn địch ở trọng điểm, đánh có chuẩn bị, chắc thắng (Chiến dịch Tây Nguyên). Khi địch hoang mang rút chạy thì chớp thời cơ, đánh trong hành tiến (Huế, Đà Nẵng). Khi đánh vào sào huyệt cuối cùng của địch thì tập trung lực lượng ưu thế đến mức cao nhất, bảo đảm chắc thắng, thắng nhanh (Chiến dịch Hồ Chí Minh).

Trong các chiến dịch mùa xuân năm 1975, quân và dân ta đã vận dụng các hình thức chiến thuật rất linh hoạt như: Đánh cắt đường, tiến công địch trong các căn cứ, thị xã, thành phố lớn, vận dụng cả trong trường hợp có thời gian chuẩn bị, chuẩn bị gấp và tiến công trong hành tiến, vận động tiến công, đánh địch đổ bộ đường không, truy kích... Quân và dân ta đã bày mưu lập kế, điều khiển địch theo ý định của ta, lừa nhử địch vào kế của ta mà đánh, đánh cả trong công sự và ngoài công sự, trên các loại địa hình (rừng núi, nông thôn đồng bằng, đô thị và hải đảo)... Với nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam, được tạo lập từ bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, Đại thắng mùa xuân 1975 là tất yếu lịch sử.

Thượng tá, TS NGUYỄN QUANG TẠO, Viện Khoa học xã hội và Nhân văn Quân sự, Học viện Chính trị

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/thang-loi-cua-chinh-nghia-va-ban-linh-tri-tue-viet-nam-825890