Thăng Long - Hà Nội và Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn

Hoàng Thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 2010. Ảnh: MINH NGUYỆT

Chọn đất Thăng Long để xây dựng kinh đô, Lý Công Uẩn (974-1028) đã chứng tỏ một tầm nhìn chiến lược, thấy rõ các điều kiện thiên - địa - nhân đảm bảo cho sự phát triển lâu dài. Trải qua hơn 10 thế kỷ, lịch sử có những bước thăng trầm nhưng Thăng Long không ngừng phát triển. Thăng Long - Hà Nội sẽ mãi là kinh đô muôn đời.

Khai sáng kinh thành Thăng Long

Mùa thu năm 1010, Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình tới thành Đại La, trong Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu), ông viết:

Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi, đã đúng ngôi nam, bắc, đông, tây lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng, dân cư khỏi cảnh khốn khổ, muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời.

Thành Đại La tiền thân của kinh thành Thăng Long được xây dựng năm 767 và tu bổ nhiều lần qua các triều đại phong kiến. Đến năm 863, thành được mở rộng và có tên là Đại La Thành. Nội thành bao bọc bởi bức tường cao 9m, rộng 8m với diện tích khoảng 300ha, có 6 cổng lớn và 6 cổng nhỏ, dân cư vào khoảng 15 vạn người.

Việc dời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình, một vùng đất có địa hình hiểm trở, thích hợp với việc phòng thủ tới thành Đại La, nằm ở châu thổ Sông Hồng có kinh tế phát triển, nền văn minh lúa nước “ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn, hổ ngồi”. Chọn đất đồng bằng để xây dựng kinh đô thể hiện chiến lược của Lý Công Uẩn, xây dựng một Nhà nước hùng cường, làm chủ một vùng đồng bằng rộng lớn trù phú. Việc đặt tên kinh đô là Thăng Long thể hiện ý chí độc lập, tự cường của dân tộc. Tương truyền khi dời đô về thành Đại La có hiện tượng rồng bay lên trời, trong văn hóa và tâm thức của người Việt, rồng là con vật huyền thoại, linh thiêng, uy phong, rồng đứng đầu tứ linh long, ly, quy, phụng.

Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn ngắn gọn chỉ có 214 chữ Hán, nhưng là một áng thiên cổ hùng văn, đây là tác phẩm văn học còn lại tới ngày nay, nhưng đủ để lịch sử ghi nhận tài năng văn chương, địa lý, kinh tế, xã hội, phong thủy... của vị vua anh minh.

Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ, việc xác định những yếu tố địa lý, kinh tế… cần thiết để chọn đất xây dựng đô thị không còn là vấn đề khó, nhưng thời đó, Lý Công Uẩn có lẽ hoàn toàn dựa vào tài năng quan sát bằng mắt thường, hỏi han dân chúng để rút ra nhận định viết nên Thiên đô chiếu, khai sáng kinh thành Thăng Long.

Tưởng nhớ công lao trời biển của Lý Công Uẩn, vị vua anh minh trong công cuộc trị vì đất nước, năm 2014, TP Hà Nội dựng tượng và xây dựng công viên Lý Thái Tổ trên phố Đinh Tiên Hoàng, tượng cao hơn 10m, bằng đồng, nặng 34 tấn. Đây là công trình kiến trúc mang tầm lịch sử, một biểu tượng đẹp của Hà Nội hôm nay.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của TP Hà Nội. Ảnh: MINH NGUYỆT

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của TP Hà Nội. Ảnh: MINH NGUYỆT

Kinh đô muôn đời

Trải qua hơn nghìn năm lịch sử với nhiều tên gọi khác nhau, Thăng Long - Đông Đô - Đông Quan - Hà Nội; tên Hà Nội có từ thời vua Minh Mạng (1831) với ý nghĩa vùng đất bao quanh bởi các con sông, là thủ đô lâu đời, thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày nay, nhưng Thăng Long vẫn là tên mà mọi người biết đến như một địa danh gắn liền với lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Với thế “nhìn sông, dựa núi”, địa hình Hà Nội thấp dần từ tây sang đông, từ bắc xuống nam, ở độ cao từ 5-20m so với mực nước biển; phía bắc và tây có nhiều núi cao như núi Ba Vì cao 1.281m, núi Thiên Trù cao 376m… Sông Hồng làm cho Hà Nội trở nên duyên dáng, sông bắt nguồn ở độ cao 1.776m từ Vân Nam - Trung Quốc, với lưu lượng nước khá lớn. Xưa kia, dòng sông này còn là chiến hào quân sự quan trọng, ghi dấu nhiều chiến công lẫy lừng chống giặc ngoại xâm phương Bắc.

Ngoài sông Hồng, Hà Nội còn có sông Đuống, sông Đà, sông Nhuệ, sông Cầu, sông Đáy và sông Cà Lồ miệt mài chảy qua hàng vạn năm đem lại phù sa, bồi đắp nên vùng châu thổ “muôn vật phong phú tốt tươi”. Trong khu vực nội đô còn có sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu và nhiều hồ lớn như hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm… tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp, điều hòa nhiệt độ, khí hậu mát mẻ, trong lành. Hà Nội ngày nay có hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không đi đến mọi miền đất nước và các quốc gia trên thế giới, đúng nghĩa “chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước”.

Nhìn trên bản đồ ta nhận thấy quan hệ của Hà Nội với vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, vừa có đồi núi, có sông, có đồng bằng; Hà Nội giáp 8 tỉnh: Phía đông giáp tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên; phía tây giáp Hòa Bình và Phú Thọ; phía nam giáp Hà Nam và Hòa Bình; phía bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc. Hà Nội hôm nay là trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, là trung tâm lớn về giao dịch kinh tế trong nước và quốc tế. Hà Nội còn là địa chỉ tham quan du lịch hấp dẫn trên bản đồ thế giới. Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và nhiều công trình khác được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới và Hà Nội được trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” năm 1999. Nhà nước Việt Nam phong tặng “Thủ đô anh hùng” vào năm 2000.

Năm 2010, Hà Nội đã tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, để lại dấu ấn trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế. “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội, Hà Nội của ta thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình”.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG - KTS QUỲNH GIAO

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/290973/thang-long-ha-noi-va-chieu-doi-do-cua-ly-cong-uan.html