Thẳng lưng, khó không?
Không khó. Nhưng rất khổ, nếu chọn cho mình lối sống ngẩng đầu, thẳng lưng. Bị xa lánh, định kiến trong tập thể, cơ quan đơn vị, cộng đồng. Bị thua thiệt quyền lợi vật chất lẫn tinh thần nếu không chịu bè cánh theo ekip, số đông đang mạnh. Là nhắc lại cái câu của bà cựu trưởng phòng khảo thí tỉnh Hòa Bình trước vành móng ngựa phiên tòa gian lận thi cử đang xét xử. Như một lời than, rằng 'ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật'.
Câu ngạn ngữ tưởng thông thuộc ấy, ngẫm ra lại khá lạ và ngược so với quan niệm “truyền thống” phương Đông "Trong đám mù kẻ chột làm vua". Nhưng lạ hơn, đó là nếu xét về bề ngoài, trong xã hội cũng như đa phần bộ máy công quyền hiện tại chẳng thấy ai mảy may bộc lộ chút “khuyết tật” nào hết! Không “gù”, cũng chẳng “mù”. Ai nấy đều thẳng thớm tinh tươm, nghiêm chuẩn từ bộ dạng, lý lịch, tư cách lẫn phát ngôn. Tư tưởng lý luận tinh thông, lập trường vững vàng. Cho đến khi bị cơ quan pháp luật sờ gáy. “Đừng thấy đỏ tưởng là chín”, câu nói đầy thấu hiểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Không lẽ con người đã có cái Tôi này, lại còn có cái Tôi kia? Theo kiểu Doublethink - tư duy lập lờ/nước đôi?
Đọc các nhà tâm thần học, như Erich Fromm (Đức), Edward T. Hall (Mỹ), rồi tới Takeo Doi (Nhật), thấy có một thứ (tiếng Nhật) gọi là "honne" - cái nằm ở phía sau mặt nạ được trưng ra công chúng. Ngược lại với "tatemae" - lý tưởng công khai. Hai thứ tồn tại như hai mặt tờ giấy, nhưng trong nhiều điều kiện lại tha hóa nhau. Sự tự hủy cái tôi giữa đám đông, mà nhiều khi không cho phép một cơ hội bình đẳng nào hết. Như dẫn chứng của Takeo Doi, rằng hai chữ “Person” (con người) là từ “Persona” của chữ Latin, nghĩa là "mặt nạ diễn viên".
Vậy là khuyết tật, “gù” và “mù” ấy không chỉ đến từ cơ chế quản lý như chúng ta vẫn dễ dàng quy kết. Mà cái chính xuất phát từ “cơ chế người” vốn rất phức tạp, thâm u.
Nhưng nói vậy, không thể phủ nhận nguyên nhân chính, đó là môi trường sống, guồng máy thể chế quyền lực trực tiếp, khiến nhiều lúc đông đảo con người phải tự “gù” đi. Trong chớp mắt nhận hối lộ 3 triệu đô, vẫn coi là “nhỏ”, vì biết xung quanh là ai. Nhưng cũng con người ấy, đưa tay lấy 3 triệu đồng có khi vẫn run, vẫn chùn khi cũng hiểu xung quanh mình là ai… Những “Ai” ấy, là ai?
Trở lại với hiện thực, khi chúng ta đang trong những ngày chọn lựa nhân sự vào bộ máy lãnh đạo, điều hành đất nước. Không phải những cá nhân đơn thuần với tâm sinh lý, tư duy đơn lẻ, mang chứa những bề mặt và nội tâm riêng biệt. Mà phải là những con người biết gắn kết, cùng đồng điệu tạo thành một tập thể mạnh, toàn tâm toàn ý phụng sự một ý chí chung duy nhất vì dân, vì nước. Một thời khắc đặc biệt quan trọng.
Nhân sự thời kỳ mới cần rất nhiều tố chất và yêu cầu mới. Nhất là khi thế giới bước vào hậu Covid, cùng những đổi thay bắt buộc mang tính quy luật của tồn tại và phát triển. Cải cách thể chế, cơ chế giám sát quyền lực, hoàn thiện và lấp kín khoảng trống pháp luật,… là những việc đã và đang thực hiện.
Nhưng vẫn chưa đủ. Nói như văn hào Nga M. Gorki: "Con người đứng ngẩng cao đầu, bước chậm chạp nhưng chắc chắn bước qua di hài của những thành kiến cũ kỹ...". Những thành kiến, định kiến cũ cần dẹp bỏ.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/thang-lung-kho-khong-1659044.tpo