Thang lương, bảng lương năm 2023 được xây dựng như thế nào?
Kinhtedothi – Khi đơn vị, DN xây dựng thang lương, bảng lương thì mức lương bậc 1 không được thấp hơn lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Hỏi: Tôi và mấy người bạn đang có kế hoạch năm tới sẽ mở công ty. Tôi xin hỏi cách xây dựng thang lương, bảng lương năm 2023 và những điều lưu ý khi xây dựng thang, bảng lương?
Nguyễn Thanh Hoàng – huyện Thanh Trì, Hà Nội
Đáp: Trước hết, người lao động cần hiểu rõ về khái niệm thang lương, bảng lương. Thang lương là hệ thống các nhóm lương (ngạch lương), bậc lương (hệ số lương) được quy định sẵn, làm căn cứ để DN chi trả tiền lương và xét nâng lương định kỳ cho người lao động, thể hiện được tính công bằng, minh bạch. Bảng lương là văn bản tổng hợp số tiền thực mà DN trả cho người lao động, bao gồm các khoản tiền lương, thưởng, phụ cấp và tiền trợ cấp… trong một khoảng thời gian nhất định.
Tại Điều 93, Bộ luật Lao động 2019 quy định rõ về việc xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động. Theo đó, người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động làm cơ sở để tuyển dụng, sử dụng lao động, thỏa thuận mức lương theo công việc hoặc chức danh ghi trong hợp đồng lao động và trả lương cho người lao động.
Mức lao động phải là mức trung bình bảo đảm số đông người lao động thực hiện được mà không phải kéo dài thời giờ làm việc bình thường và phải được áp dụng thử trước khi ban hành chính thức.
Thang lương, bảng lương và định mức lao động phải được công bố công khai tại nơi làm việc trước khi thực hiện.
Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có chức đại diện người lao động tại cơ sở khi xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động.
Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ Quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 1/7/2022 quy định cụ thể mức lương tối thiểu được điều chỉnh tăng thêm từ 180.000 đồng đến 240.000 đồng so với mức lương tối thiểu cũ quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP. Cụ thể:
Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng (tăng 260.000 đồng/tháng);
Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng (tăng 240.000 đồng/tháng);
Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/tháng);
Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng).
Bên cạnh mức lương tối thiểu vùng, Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu giờ:
Vùng I: 22.500 đồng/giờ;
Vùng II: 20.000 đồng/giờ;
Vùng III: 17.500 đồng/giờ;
Vùng IV: 15.600 đồng/giờ
Lưu ý, Nghị định số 38/2022/NĐ-CP không quy định về người lao động làm công việc đòi hỏi đã qua học nghề, đào tạo nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng. Vì thế, việc trả lương cao hơn ít nhất 7% cho người lao động đã qua đào tạo không còn là điều không bắt buộc. Nhưng, khi đơn vị, DN xây dựng thang lương, bảng lương thì mức lương ở bậc 1 không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ. Khi người lao động đủ điều kiện nâng bậc lương thì sẽ được tăng một bậc lương.
Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó. Người sử dụng lao động phải trả lương đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Và, người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiền lương của người lao động, không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
Về hình thức trả lương, người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thang-luong-bang-luong-nam-2023-duoc-xay-dung-nhu-the-nao.html