Tháng Năm ở Tân Trào
Hòa cùng không khí của cả nước kỷ niệm 130 Ngày sinh Bác Hồ kính yêu, chúng tôi hành hương về Tân Trào. Nơi 75 năm trước, ngày 21-5-1945, Người đã về đây lãnh đạo Đảng và nhân dân ta đứng lên Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, dân tộc. Kỷ nguyên độc lập, tự do và Chủ nghĩa xã hội.
Thắp nén hương thơm thành kính dâng lên Người bên căn Lán Nà Nưa - Phủ Chủ tịch bằng tre, nứa giữa đại ngàn của Thủ đô Khu giải phóng, tiếng thuyết minh của cô hướng dẫn viên Bảo tàng Tân Trào đã đưa chúng tôi ngược thời gian trở về những ngày tháng Năm lịch sử 75 năm trước. Cuối năm 1944, đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn quyết định; quân Đồng minh giành được những thắng lợi lớn. Ở trong nước, phát-xít Nhật tiến hành đảo chính hất cẳng thực dân Pháp. Nhận định thời cơ giành độc lập đã đến rất gần, để thuận lợi cho việc trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng toàn quốc, Người chỉ thị tìm một địa điểm hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, cả thế tiến công, phòng thủ đều thuận lợi, nơi ấy phải vững vàng; có địa thế hiểm yếu che chở và quần chúng cảm tình ủng hộ; phải phát triển được lực lượng vũ trang; có chính quyền cách mạng của địa phương và có căn cứ địa vững vàng. Và Tân Trào đã được chọn thể hiện sự sáng suốt và tầm nhìn chiến lược của Người.
Chiều 21-5-1945, Bác Hồ cùng đoàn cán bộ cách mạng về tới Tân Trào. Những ngày đầu, các đồng chí lãnh đạo Phân khu Nguyễn Huệ bố trí Bác Hồ và ba đồng chí cán bộ ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự, dân tộc Tày, Chủ nhiệm Việt Minh xã Kim Long. Ông Hoàng Ngọc, 83 tuổi, thôn Tân Lập, xã Tân Trào cho biết, xưa thôn có tên là Kim Long với 23 hộ dân tộc Tày sinh sống. Từ ngày Bác Hồ về, Người đề nghị bà con đổi thành Tân Lập với mong muốn bà con các dân tộc nơi đây có một cuộc sống mới với nền độc lập, tự do. Những ngày ở đây, Bác luôn quan tâm, thăm hỏi người dân trong thôn. Người còn cùng với đồng bào lao động, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ, động viên chị em hăng hái tham gia lao động sản xuất. Có lần Bác đi thăm đồng, thấy ruộng lúa của người dân bị vỡ bờ, Bác đã tự tay đắp lại cho dân… Những câu chuyện về Bác Hồ trong những ngày Người sống ở Tân Lập được người dân trong thôn, xã truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và luôn tự hào bởi nơi đây Bác Hồ đã từng ở và làm việc, chỉ đạo phong trào cách mạng của cả nước.
Từ Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng ta đã có những quyết sách lịch sử đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đầu tháng 6-1945, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên và một số vùng phụ cận thuộc các tỉnh Bắc Giang, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái đã thành lập Khu giải phóng Việt Bắc, chọn Tân Trào làm Thủ đô. Đây là căn cứ địa chính của cách mạng cả nước, hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam độc lập. Trong Khu giải phóng, hơn một triệu đồng bào ta bắt đầu được hưởng thành quả cách mạng; nhân dân náo nức, hân hoan trong không khí tự do của chế độ mới. Các chủ trương, chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh được thi hành đã nhanh chóng làm thay đổi cuộc sống của nhân dân, cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng cả nước.
Tại Tân Trào đã diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam: Hội nghị toàn quốc của Đảng, quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, khẳng định quyết tâm của toàn dân tộc Việt Nam: “Thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Quốc dân Đại hội - Hội nghị Diên Hồng của thời đại mới, tiền thân của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã nhiệt liệt tán thành và ủng hộ chủ trương Tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh; bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (sau đổi thành Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Trong không khí sục sôi cách mạng, từ Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa gửi quốc dân, đồng bào: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”. Lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã động viên nhân dân cả nước nhất tề đứng dậy với ý chí dù có hy sinh đến đâu cũng phải giành cho được độc lập dân tộc.
75 năm đã qua, cuộc sống ở Tân Trào ngày một đổi thay. Trong những ngày tháng Năm này, Đảng bộ và nhân dân xã Tân Trào đang khẩn trương chuẩn bị tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ xã lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025. Bí Thư Đảng ủy xã Tân Trào Viên Tiến Thăng cho biết, đây là Đại hội “Phát huy truyền thống cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; huy động mọi nguồn lực; quyết tâm xây dựng xã Tân Trào đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao”. Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Tân Trào với sự quyết tâm, chủ động, sáng tạo, vừa tranh thủ sự hỗ trợ tạo điều kiện của tỉnh, của huyện, vừa phát huy nội lực của nhân dân đã thực hiện đạt và vượt một số chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Kinh tế của xã tiếp tục phát triển theo hướng nông nghiệp, dịch vụ, thương mại; Sản xuất nông lâm nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với duy trì thành quả nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; làm tốt công tác dịch vụ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp; đưa các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp với 95% diện tích. Đến nay hệ số sử dụng đất đạt 2,7 lần, bình quân lương thực đầu người đạt 570 kg/người/năm; Tập trung chỉ đạo thực hiện một số mô hình về phát triển kinh tế như: Mô hình chăn nuôi lợn theo hướng gia trại, 18 hộ thực hiện mô hình nuôi gia cầm; hơn 200 hộ nuôi bò cái sinh sản cho vay luân chuyển; có 50 hộ nông dân làm mô hình đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản phẩm chè chất lượng cao. Duy trì và phát triển Làng văn hóa thôn Tân Lập thành điểm du lịch cộng đồng gắn với điểm du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái Tân Trào. Hằng năm tổ chức Lễ hội Cầu May, Cầu Mùa vào mùng 3, 4 tháng Giêng tại đình Hồng Thái và đình Tân Trào; Lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Đặc biệt, năm 2019, tổ chức thành công Hội trại về nguồn với hơn 50 đoàn tham dự, thu hút hàng nghìn lượt người dân tham gia tại Quảng trường Tân Trào. Xã kết hợp với Tổ chức NPO AVENUE (Nhật Bản) mở được tám cuộc hội thảo về phát triển du lịch cộng đồng cho cán bộ xã và các hộ dân làm du lịch nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân trong khu vực; tại Làng văn hóa Tân Lập hiện có 14 hộ gia đình (nhà sàn dân tộc Tày) làm dịch vụ phục vụ khách tham quan nghỉ ngơi, ăn uống; việc kinh doanh thương mại, dịch vụ tại hộ gia đình trên địa bàn cũng dần được phát triển tạo điều kiện cho các hộ có thu nhập khá. Kết cấu hạ tầng được chú trọng đầu tư và phát triển.
Ngoài ra, thực hiện chủ trương của tỉnh với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", từ nguồn vốn hỗ trợ cấu kiện mương bê-tông đúc sẵn theo chương trình bê-tông hóa kênh mương, nhân dân góp công lao động, trong nhiệm kỳ đã bê-tông hóa được 5.450 m; các công trình hồ đập thủy lợi được quan tâm tu sửa, nạo vét bảo đảm nước tưới cho hơn 300 ha cây trồng. Duy trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, hằng năm nhân dân thường xuyên duy tu, bảo dưỡng đắp lề, bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của nhân dân, thúc đẩy giao thương hàng hóa, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương. Hiện nay toàn xã có 100% hộ gia đình được sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Đời sống nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,17%, thu nhập bình quân mỗi người năm 2015 là 16,8 triệu/người/năm đến năm 2019 đạt hơn 32 triệu/người/năm. Phấn đấu đến hết năm 2020 đạt 35,5 triệu/người/năm. Các trường học của xã đều đạt chuẩn quốc gia; huy động trẻ em dưới 3 tuổi tới lớp đạt 39,7%; 100% số trẻ từ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo; trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học vào lớp 6 đạt 100%, học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT đạt 98%; chất lượng giáo dục toàn diện từng bước được nâng lên. Đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh; trong đó có 80% chi bộ đạt trong sạch vững mạnh. Công tác phát triển đảng viên mới được chú trọng, trong nhiệm kỳ, kết nạp được 35 đảng viên. Đến nay toàn Đảng bộ có 11 chi bộ, 259 đảng viên, tỷ lệ đảng viên chiếm 4,9% dân số của xã.
Chia tay Tân Trào, chúng tôi ấn tượng với câu nói của Bí thư Đảng ủy xã Viên Tiến Thăng, với niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, truyền thống cách mạng lịch sử. Đảng bộ, nhân dân các dân tộc xã Tân Trào luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực, thống nhất ý chí hành động vượt qua mọi khó khăn thử thách; khai thác tối đa mọi nguồn lực của địa phương quyết tâm duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới đã đạt được; xây dựng xã Tân Trào ngày càng giàu đẹp, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh như lời Bác Hồ đã dạy trong lần về thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, tháng 3-1961: “Trước kia, đồng bào tỉnh ta đã góp phần xứng đáng trong Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến cứu nước. Ngày nay, tôi chắc rằng đồng bào ta sẽ phát huy truyền thống anh dũng sẵn có và góp phần nhiều hơn nữa trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà”.