Thẳng thắn, cầu thị, trách nhiệm

'Thương mại điện tử' - hoạt động đã và đang phát triển rất mạnh mẽ, trở thành xu hướng lớn trong thương mại toàn cầu - có lẽ là 'từ khóa' được nhắc đến nhiều nhất trong phiên chất vấn chiều nay với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương khi có tới 11 lượt đại biểu đặt câu hỏi và tranh luận trên tổng số 36 lượt đại biểu hỏi và tranh luận.

Giải pháp nào ngăn chặn vi phạm của thương mại điện tử?

Ngay từ những chất vấn đầu tiên, nghị trường Quốc hội đã “nóng bỏng” bởi dồn dập các câu hỏi liên quan đến công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử được đại biểu đặt ra với “tư lệnh ngành” công thương.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường. Ảnh: Lâm Hiển

Diễn biến của phiên chất vấn cho thấy, các đại biểu đã phản ánh đúng thực tế cuộc sống khi hoạt động thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối quan trọng phục vụ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như góp phần phát triển các dịch vụ tài chính, thanh toán hiện đại. Bằng chứng là, chỉ tính riêng năm 2023, hoạt động thương mại điện tử tại nước ta tiếp tục tăng trưởng mạnh với tốc độ tăng 25% so với năm 2022, được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới. Dự báo cho thấy, trong những năm tới, hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử cũng đang đặt ra không ít thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thậm chí là lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... Đáng chú ý, những hành vi này ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô và địa bàn hoạt động, nhất là với các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, trong đó hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội đang diễn biến vô cùng phức tạp với nhiều nguy cơ khó lường.

ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Phản ánh thực trạng trên khi mở đầu phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ triển khai những giải pháp nào để hạn chế, ngăn chặn vi phạm của thương mại điện tử, hướng tới phát triển thương mại điện tử lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng?

ĐBQH Mai Khanh (Ninh Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Mai Khanh (Ninh Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Tiếp ngay sau đó, các ĐBQH Mai Khanh (Ninh Bình), Dương Minh Ánh (Hà Nội) đều nêu câu hỏi liên quan đến thương mại điện tử. Việc Bộ Công Thương công khai danh sách các website bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử có vô tình tiếp tay cho hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không; Bộ thực hiện cơ chế nào để xác minh thông tin trước khi công khai? - đại biểu Mai Khanh chất vấn. Một trong những hạn chế của thương mại điện tử là khó xây dựng lòng tin của người tiêu dùng, trong đó có vấn đề về bảo mật và an toàn thông tin cá nhân; các trường hợp vi phạm dữ liệu cá nhân và gian lận thương mại khiến cử tri lo lắng và do dự khi tiến hành thanh toán trực tuyến - Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp… - đại biểu Dương Minh Ánh chất vấn.

ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Dương Minh Ánh (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Nhìn thẳng vào thực tế các đại biểu nêu ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận: Với thương mại điện tử, Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức rất lớn, đó là: người tiêu dùng đối mặt với nguy cơ mất an toàn dữ liệu cá nhân; hàng giả, hàng kém chất lượng, tính an toàn thấp, chưa được kiểm soát chặt chẽ đã và đang bao vây, sẵn sàng đổ bộ vào nước ta, ảnh hưởng tới cả doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng; thất thu thuế.

Với vấn đề bảo vệ an toàn dữ liệu cá nhân, khẳng định “đúng là có tình trạng lộ lọt trong việc mua bán, chiếm đoạt dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng” như đại biểu nêu, “tuy không phổ biến”, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương đã nhận diện rõ vấn đề và đã nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16.5.2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật này.

Trong đó, có bổ sung một nhiệm vụ của tổ chức và cá nhân trong bảo vệ thông tin của người tiêu dùng là phải xây dựng quy tắc bảo vệ thông tin, bảo đảm an toàn, an ninh dữ liệu của người tiêu dùng. Với việc Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có hiệu lực từ ngày 1.7 năm nay, Bộ trưởng “hy vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng trên”. Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành chức năng, đặc biệt là Bộ Công an, trong việc xây dựng Luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, bảo đảm các quy định của pháp luật bao phủ toàn diện tất cả các lĩnh vực, trong đó có thương mại điện tử.

Sẽ tách bạch luồng hàng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử

Cùng với công tác hoàn thiện pháp luật, để hoạt động thương mại điện tử phát triển lành mạnh, bền vững, Bộ Công Thương đã chú trọng triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp, từ công tác tiếp nhận, xử lý khiếu nại từ người tiêu dùng; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; đến tuyên truyền, nâng cao nhận thức; và cảnh báo, phòng ngừa vi phạm… Riêng trong năm 2023, Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử của bộ đã gỡ bỏ hơn 18.000 sản phẩm và chặn hơn 5.000 gian hàng vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng qua thương mại điện tử, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các bộ, ngành chức năng, tham mưu với Chính phủ xem xét, ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất, nhập khẩu qua thương mại điện tử. Nhấn mạnh giải pháp này, Bộ trưởng cho biết, bộ sẽ cố gắng “tách bạch giữa luồng hàng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này”. Đồng thời, bộ sẽ tham mưu Chính phủ xem xét, bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ để tránh tình trạng nhập khẩu qua thương mại điện tử cạnh tranh với hàng trong nước không bị áp thuế. Bởi theo quy định hiện hành, những hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng thì không phải áp thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu, nên cũng có cạnh tranh. Qua theo dõi, Bộ trưởng cũng cho biết, “có 4 sàn lớn nước ngoài đang khai thác của chúng ta mỗi tháng khoảng trên dưới 1 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu - điều đó đồng nghĩa sẽ có một lượng thuế của chúng ta bị thất thoát nếu như không điều chỉnh quy định hiện hành”.

Căn cơ và lâu dài hơn, trong rất nhiều giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý và chống thất thu thuế với hoạt động thương mại điện tử, Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung về thương mại điện tử, chia sẻ liên thông với các bộ, ngành liên quan để phục vụ công tác quản lý thuế và hải quan. Đặc biệt, ngay trong tháng 6 này, “bộ sẽ khẩn trương hoàn thành kết nối hệ thống giữa cơ quan chức năng của Bộ Công Thương và Tổng cục Thuế để trao đổi dữ liệu của các website ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và website ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử - như vậy sẽ trước thời gian Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là một năm rưỡi”, Bộ trưởng nói.

Liên quan đến biện pháp công khai danh sách các website bị phản ánh về việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên Cổng thông tin hoạt động thương mại điện tử có thể bị lợi dụng hay không, Bộ trưởng cho biết, “bộ đã thực hiện một quy trình tiếp nhận và công khai thông tin rất chặt chẽ với một số yêu cầu rất cụ thể”; đồng thời sẽ tiếp tục triển khai 5 nhóm giải pháp để người tiêu dùng tránh được những hiện tượng lừa đảo khi tham gia hoạt động thương mại điện tử.

Ngay sau 3 chất vấn đầu tiên, nhiều khía cạnh cũng như mặt trái của thương mại điện tử và vai trò quản lý của Bộ Công Thương được các đại biểu thẳng thắn đặt ra với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Các đại biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Không chỉ là vấn đề quản lý các sàn giao dịch thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng hàng hóa của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch, mà các đại biểu còn đề nghị Bộ trưởng làm rõ vai trò, trách nhiệm của bộ trước sự phát triển nhanh của các hoạt động xuất, nhập khẩu qua thương mại điện tử? Hay, vấn đề livestream bán hàng trên một số mạng xã hội, như tiktok, facebook… đang diễn ra khá sôi động, và doanh thu mỗi ngày có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng - thì làm thế nào để quản lý được chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền lợi của người mua?...

Qua chất vấn của các đại biểu, có thể thấy, chỉ riêng vấn đề thương mại điện tử, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng đang đặt ra khá nhiều vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và vai trò quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

Song dù là câu hỏi khó và trực diện đến đâu, nhưng với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm và cầu thị, Bộ trưởng đều có “đáp án”, kèm theo những giải pháp cụ thể cho trước mắt cũng như lâu dài.

Phần trả lời của Bộ trưởng cho thấy, trong các lĩnh vực được giao quản lý, bên cạnh những thuận lợi, thì cũng có khó khăn nhất định, và để quản lý một cách hiệu quả, thì không chỉ một mình Bộ Công Thương có thể làm được, mà cần “sự vào cuộc” của nhiều ngành khác cũng như cả hệ thống chính trị, người dân và chính quyền các địa phương. Đơn cử, với hoạt động bán hàng trên môi trường thương mại điện tử, cùng với vai trò chủ trì của Bộ Công Thương, cần có sự phối hợp của ngành thông tin và truyền thông để quản lý hoạt động về mạng cũng như các biện pháp về kỹ thuật, công nghệ; ngành tài chính để quản lý về thuế; ngành khoa học và công nghệ với vấn đề tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa… Và vì hoạt động này “biến hóa khôn lường”, cho nên các quy định pháp luật cũng phải tiếp tục được rà soát, sửa đổi, bổ sung phù hợp...

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Kết thúc phiên chất vấn chiều nay, vẫn còn 6 đại biểu đặt câu hỏi và 2 đại biểu tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên. Trong đó, có những vấn đề lớn, đòi hỏi phần trả lời với tầm nhìn xa và các giải pháp thật sự căn cơ, đồng bộ, khả thi.

Đó là Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2006 - 2025 và giải pháp của bộ để từ nay đến 2025 có thể đạt được mục tiêu đáp ứng 65% nhu cầu sản xuất nội địa?

Những chính sách cụ thể của Bộ Công Thương để tận dụng các hiệp định thương mại tự do với các đối tác ở những thị trường tiềm năng để doanh nghiệp Việt Nam có thể mở rộng thị trường xuất khẩu?

Làm thế nào để tăng tính chống chịu của nền kinh tế và phát huy thị trường nội địa trên 100 triệu dân của nước ta?

Bộ trưởng cùng với Ngân hàng Nhà nước có giải pháp như thế nào để hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là chính sách về tín dụng?

Giải pháp để phát huy vai trò của hệ thống thương mại, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để có thể thúc đẩy xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu các sản phẩm nông sản và mặt hàng trái cây?

Bộ đã có nhiều biện pháp để phòng, chống buôn lậu thuốc lá thế hệ mới, nhưng vì tỷ lệ hút và buôn bán, sản xuất thuốc lá này tăng nhanh? Bộ trưởng có đề xuất gì để chấm dứt khoảng trống pháp lý với vấn đề thuốc lá điện tử?...

Sáng mai, 5.6, “tư lệnh ngành” công thương còn 60 phút để trả lời các chất vấn và tranh luận của đại biểu.

Lam Giang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/thang-than-cau-thi-trach-nhiem-i374517/