Thăng trầm đội tuyển bóng chuyền nữ Hải Dương

Dù đã từng là một trong những đội mạnh toàn quốc nhưng hiện nay đội bóng chuyền nữ của tỉnh đang đối mặt với tương lai ảm đạm do nhiều vận động viên lần lượt bỏ đội bởi chế độ đãi ngộ không tương xứng.

 Đội tuyển bóng chuyền nữ của tỉnh đang tập luyện trong điều kiện khó khăn và chưa biết khi nào có thể trở lại hạng đội mạnh quốc gia

Đội tuyển bóng chuyền nữ của tỉnh đang tập luyện trong điều kiện khó khăn và chưa biết khi nào có thể trở lại hạng đội mạnh quốc gia

Năm 1972, lãnh đạo Ty Thể dục thể thao (TDTT) Hải Dương tham mưu với tỉnh tập trung phát triển 5 môn thể thao mũi nhọn, gồm điền kinh, bơi lội, bóng bàn, bắn súng và bóng chuyền nữ.

Quá khứ đỉnh cao

Tháng 2.1973, Ty TDTT tuyển chọn lớp vận động viên (VĐV) bóng chuyền, giao ông Dương Đức Cáp, VĐV bóng chuyền cấp kiện tướng làm huấn luyện viên trưởng. Ngày đầu tuyển chọn được 12 VĐV đều có chiều cao tốt, thể hình đẹp. Sau 2 năm huấn luyện kỹ thuật cơ bản, nhiều VĐV phát huy được năng khiếu, tố chất nhanh, mạnh, bền, khéo, dẻo như Nguyễn Thị Sông (đội trưởng); Nguyễn Thị Thắm, Nguyễn Thị Lan (chuyền 2); Nguyễn Thị Liền, Phạm Thị Hằng (tấn công); Phạm Thị Thúy, Lê Thị Tính (phụ công). Đội tích cực, bền bỉ, kiên trì tập luyện thể lực, kỹ chiến thuật nên chỉ 4 năm sau (năm 1976) đội được tuyển lên hạng A.

Giai đoạn này lứa VĐV bóng chuyền nữ Hải Dương đang ở độ sung mãn. Bằng kỹ thuật phòng thủ hàng sau chắc chắn, phát huy 2 mũi tấn công là Nguyễn Thị Liền, Phạm Thị Hằng, lại được nữ chuyền 2 lanh lợi, linh hoạt, khéo léo Nguyễn Thị Thắm, đội đã vô địch toàn quốc năm 1978 và vô địch lần thứ hai vào năm 1980.

Qua hai mùa giải vô địch toàn quốc, thầy trò huấn luyện viên và các VĐV được UBND tỉnh tặng bằng khen và mỗi người được thưởng 1 chiếc xe đạp Thống Nhất. Sau năm 1980, lứa VĐV bóng chuyền nữ Hải Dương đã đến tuổi trưởng thành, một số VĐV xây dựng gia đình rồi sinh con. Lớp VĐV trẻ kế cận chưa đảm đương được nhiệm vụ thi đấu quốc gia, đội duy trì hạng A toàn quốc đến năm 1984 thì xuống hạng A1.

Vốn là môn thể thao trọng điểm, toàn ngành tập trung chỉ đạo, lại được Liên hiệp Xí nghiệp Dược của tỉnh đỡ đầu, đội tiếp tục tập luyện và duy trì thành tích là 1 trong 8 đội mạnh toàn quốc đến năm 1990. Đầu năm 1991, Sở TDTT hợp nhất với Sở Văn hóa-Thông tin thành Sở Văn hóa, Thể thao. Đội tuyển bóng chuyền nữ lại chuyển về Sở Văn hóa, Thể thao quản lý, đội vẫn duy trì là 1 trong 8 đội mạnh toàn quốc. Tháng 9.1995, tại Nhà thi đấu 19 Hoàng Diệu (Hà Nội), đội tuyển bóng chuyền nữ Hải Dương giành huy chương đồng Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ III.

Tương lai ảm đạm

Tháng 7.1994, Sở TDTT được tái lập, cán bộ, công nhân viên, nam, nữ VĐV tiếp tục quyết tâm xây dựng đội tuyển. Khi đó, đội tuyển nằm trong tốp 12 đội mạnh toàn quốc. Năm 1997 tái lập 2 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, một số VĐV chuyển về tỉnh Hưng Yên. Đội Hải Dương thiếu vắng VĐV Nguyễn Thị Thúy chủ công. Cuối năm 1999 đội tuyển xuống hạng A1. Tháng 12.2006, đội vô địch hạng A1 và lên hạng đội mạnh, duy trì hạng này đến năm 2012.

Lúc này đội tuyển mang tên Công ty CP Lilama 69-3. Hằng năm, công ty này tài trợ đội tuyển từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Từ năm 2013 cho đến nay, đội đã qua 3 lần chuyển đổi đơn vị tài trợ: DUDICO, Công ty CP Bất động sản Thành Đông, Công ty TNHH Quốc Anh Hải Dương. Nguồn kinh phí hạn hẹp cộng với chính sách, chế độ đãi ngộ thấp, lực lượng VĐV có tố chất, năng khiếu tốt đã đầu quân cho các đội mạnh toàn quốc. 9 năm thi đấu hạng đội mạnh, 4 năm xuống hạng A1 (2013, 2019, 2021, 2022), hiện nay đội vẫn chưa có nhà tài trợ.

Ngày 24.12.2020, HĐND tỉnh có Nghị quyết số 16/2020/NQ-HĐND quy định một số chế độ, chính sách đối với huấn luyện viên, VĐV và chi tiêu tài chính đối với các giải thể thao. Nghị quyết đã đáp ứng được chế độ dinh dưỡng (tiền ăn hằng ngày), tiền thưởng các giải thể thao, góp phần thiết thực động viên các VĐV. Nhưng ở môn bóng chuyền nữ, tỉnh xóa bỏ chế độ phụ cấp lương đối với VĐV cấp I và kiện tướng quốc gia. 3 trong tổng số 36 VĐV hưởng chế độ từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng. 33 VĐV chỉ có tiền ăn trong ngày. Hằng tháng lại cắt chế độ dinh dưỡng (tiền ăn ở ngày lễ, Tết, chủ nhật), ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tập luyện và tham gia thi đấu của VĐV. Vì vậy, nhiều VĐV được đào tạo cơ bản, có năng khiếu, tố chất lần lượt bỏ đội tuyển đầu quần cho đội bóng chuyền ngoại hạng như: Quân đội, Hóa chất Đức Giang, Than Quảng Ninh... Các VĐV này đang được hưởng lương và phụ cấp từ 20-40 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, tại đội tuyển hiện nay, những VĐV đẳng cấp (cấpI, kiện tướng quốc gia) không được đóng bảo hiểm. Vì thế, việc tuyển chọn VĐV rất khó khăn. Các VĐV có chiều cao, năng khiếu cũng không đến với thể thao Hải Dương. Số VĐV đội tuyển hạng A1 và VĐV luân huấn tại Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao nảy sinh tư tưởng "chân trong, chân ngoài"...

Hơn lúc nào hết, tỉnh và các sở, ban, ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách để đội bóng chuyền của tỉnh sớm tìm được những doanh nghiệp lớn, có đủ khả năng, điều kiện tài trợ và sớm trở lại hạng đội mạnh quốc gia.

TRỊNH CÔNG QUYỀN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/trong-tinh/thang-tram-doi-tuyen-bong-chuyen-nu-hai-duong-219009