Thăng trầm nghề in mộc bản Liễu Tràng
Nhắc đến làng Liễu Tràng, phường Tân Hưng (TP Hải Dương), nhiều người sẽ nhớ ngay đến quê hương của người được mệnh danh là ông tổ nghề in - Thám hoa Lương Như Hộc.
Ông có công rất lớn trong việc truyền kỹ thuật in khuôn bản gỗ cho người dân.
Hiện nghề in mộc bản đã mai một nhưng kỹ thuật nghề vẫn được lớp hậu duệ của làng vận dụng với nghề khắc con dấu.
Thời vàng son
Bây giờ nếu ở làng Liễu Tràng thì không có người làm nghề bởi những ai làm nghề và thạo nghề thì đều đã mang nghề đi khắp nơi lập nghiệp, mưu sinh. Những gương mặt ấy tề tựu trở về quê hương đông đủ nhất vào ngày giỗ tổ nghề vào 13 tháng giêng âm lịch hằng năm.
Theo “Dư địa chí TP Hải Dương”, ông tổ nghề in Lương Như Hộc có tên tự là Tường Phủ, sinh năm Canh Tý 1420, người làng Hồng Liễu, trước thuộc tổng Thạch Khôi, huyện Trường Tân, sau đổi thành làng Thanh Liễu, xã Tân Hưng (Gia Lộc). Năm 2008, xã Tân Hưng sáp nhập vào TP Hải Dương và nay là phường Tân Hưng.
Qua hai lần Lương Như Hộc phụng mệnh đi sứ Trung Quốc, ông đã học lỏm nghề khắc ván in của người phương Bắc rồi về truyền dạy cho người dân quê hương. Từ hai học trò đầu tiên là Phạm Niên (Phạm Trên) và Phạm Đới (Phạm Dưới), dần dần nghề khắc ván in hình thành ở thôn Hồng Lục, rồi chuyển sang Liễu Tràng và Khuê Liễu.
Ba thôn này tạo nên trung tâm khắc in bản mộc của cả nước suốt thế kỷ XV đến thế kỷ XIX. Thời ấy, người nam khỏe mạnh thì xẻ gỗ, khắc mộc bản, phụ nữ và trẻ em thì ngồi in, xén cắt giấy. Nghề khắc ván in sách đã đem lại cuộc sống khá giả cho cả ba làng nên thời đó có câu: “Đình Sinh, quán Sếu, chùa Tràng. Trong ba làng ấy không làm cũng có ăn”.
Lương Như Hộc mất năm Tân Dậu, niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (năm 1501), thọ 82 tuổi. Nhân dân các làng Hồng Lục, Liễu Tràng, Khuê Liễu tôn ông làm thành hoàng, tạc tượng thờ tại đình làng. Từ đây, nhiều thế hệ người dân đã mang nghề in mộc bản đi khắp cả nước. Về sau, máy in du nhập vào nước ta, thay thế nghề in mộc bản. Công việc khắc bản mộc ít dần, phần lớn thợ khắc ván in chuyển sang khắc dấu đồng, dấu gỗ… cho các cơ quan, đơn vị, xí nghiệp và khắc các loại phụ bản cho nhà in. Đến giờ, hầu hết thợ khắc dấu lành nghề trên cả nước, đa phần có xuất thân từ Liễu Tràng.
Tìm về Liễu Tràng, gặp cụ Phạm Văn Khôi (82 tuổi), người được tín nhiệm trông coi đình làng thì được biết Liễu Tràng hiện có 6 dòng họ. Dòng họ nào cũng có người trẻ nối tiếp làm nghề. Họ đã mang nghề đi muôn nơi, sinh cơ lập nghiệp như ở TP Hải Dương, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên... “Tôi có 4 người con thì 3 người làm nghề, xa nhất có 2 cậu con trai đang sống bằng nghề khắc dấu ở Hà Giang. Hằng năm, cứ vào hội làng, cùng với hằng trăm người con của Liễu Tràng đang lập nghiệp ở khắp nơi, chúng sẽ cùng về báo công với cụ tổ”, cụ Khôi nói.
Giữ nghề
Ở TP Hải Dương bây giờ có duy nhất một cửa hiệu khắc dấu “made in Liễu Tràng” còn dùng kỹ thuật khắc dấu thủ công đó là tiệm khắc dấu Thăng Long, nằm trên phố Phạm Ngũ Lão. Người cao tuổi nhất của tiệm khắc dấu này là cụ Phạm Văn Vĩ cũng đã “mắt mờ, chân chậm” nên truyền lại nghề cho con cháu.
Ông Phạm Thế Ngự, chủ tiệm khắc dấu Thăng Long bảo: "Tôi cũng không biết mình thuộc thế hệ thứ bao nhiêu trong dòng tộc đã theo nghề, chỉ biết rằng từ thời cụ tôi đã làm. Bản thân tôi lên 7 tuổi được học và làm nghề đến tận hôm nay".
Theo ông Ngự, những người thợ làng Liễu Tràng đến nay vẫn thường xuyên nhận được các đơn làm kinh Phật hay in sách chữ Nho mộc bản... bởi việc này rất kỳ công, chỉ có những tay thợ lành nghề của Liễu Tràng mới được tín nhiệm mời làm.
Để làm mộc bản phải cẩn thận từng khâu, từ khâu chọn gỗ đến khâu khắc chữ. Gỗ được chọn phải mềm như gỗ thừng mực, gỗ thị hay gỗ vàng tâm. Lấy gỗ về, người thợ bắt đầu xẻ gỗ thành từng miếng, dọc thớ với độ dày cần thiết rồi đem hong khô để giảm bớt đàn hồi. Sau đó, người thợ sẽ đem chữ cần in viết lại trên giấy mỏng, loại giấy được chọn thường là giấy dó, rồi dán ngược lên trên tấm ván gỗ. Căn cứ vào mỗi nét bút của chữ, bằng sự khéo léo của mình người thợ sẽ dùng dao khắc từng nét chữ nổi lên trên ván.
“Với những trang sách dài hàng trăm, hàng nghìn chữ, phải khắc mất cả tháng mới xong 1 trang. Kỳ công là thế nên đến giờ, dù vẫn có đơn đặt hàng nhưng thực sự nhiều người ngại làm, chủ yếu mưu sinh vẫn là nghề khắc con dấu”, ông Ngự nói.
Khác với kỹ thuật in mộc bản chưa có máy móc thay thế thì nghề khắc con dấu hiện nay hầu như được làm bằng máy. Vì thế, thợ khắc con dấu ngày nay không cần lành nghề chỉ cần biết một chút kỹ thuật trên máy tính và sử dụng máy là 15 phút có thể cho ra một con dấu đẹp. Bản thân gia đình ông Ngự, để theo kịp thị trường, năm 2000, ông cũng đầu tư cho hai cháu đi học tin học, đầu tư máy vi tính, máy khắc laser... để làm con dấu bằng máy, nhưng những khách khó tính vẫn chọn con dấu khắc tay.
Lúc rảnh rỗi, ông Ngự và anh trai vẫn thích tự tay khắc những con dấu thủ công, bởi theo ông Ngự đó là để giữ nghề, giữ dấu ấn riêng của Liễu Tràng. Những con dấu của nghệ nhân làng Liễu Tràng thấy rõ nét tinh tế trong từng nét chữ chạm trên gỗ, có những chữ chỉ bé bằng hạt gạo nếu không được học bài bản thì sẽ khó mà khắc được. Đó là lý do ông Ngự và anh trai vẫn dạy các cháu theo nghề cách khắc chữ thủ công để giữ nghề.
Anh Phạm Ngọc Phước thuộc lớp thế hệ trẻ của tiệm khắc dấu Thăng Long cho rằng: “Để kiếm tiền từ việc khắc dấu bây giờ không khó nhưng để giữ nghề cha ông, anh em chúng tôi vẫn thường xuyên tập luyện khắc dấu bằng tay. Đó là cách chúng tôi thể hiện niềm tự hào vì mình được sinh ra từ cái nôi của nghề in, làng in mộc bản Liễu Tràng”.