Tháng tư, năm tôi mười chín tuổi

- Năm 1975, tôi tròn mười chín tuổi. Binh nhất, lính thuộc Binh đoàn Trường Sơn đóng ở thượng nguồn Bến Hải. Sông Bến Hải không dài lắm, chỉ khoảng 100 cây số khởi nguồn từ trùng điệp Trường Sơn chảy theo hướng Tây-Đông đổ ra biển Việt mênh mang qua Cửa Tùng (Quảng Trị). Dòng chảy ấy men theo vĩ tuyến 17, sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 bỗng trở thành con sông “giới tuyến tạm thời” phân chia Tổ quốc ra hai miền Bắc và Nam. Giá như… hiệp định được thực thi đúng thì năm 1956, năm tôi cất tiếng khóc chào đời ở cuối dòng sông Gianh, Việt Nam sẽ có cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Và đương nhiên rồi, dân tộc ta sau chín năm chống thực dân Pháp xâm lược không phải bước vào cuộc kháng chiến kéo dài hơn hai thập kỷ nữa để “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” (thơ Hồ Chí Minh).

Khúc sông nơi đơn vị tôi đóng quân là chỗ hẹp của Bến Hải, chỉ rộng vài chục mét, về mùa hạ nước trong xanh in rõ bầu trời Quảng Trị. Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị, khi xuống sông tôi thường hay nhẩm đọc câu thơ nổi tiếng ấy của thi sĩ Tế Hanh. Lúc ông viết thi phẩm có câu thơ này thì đất nước còn chia đôi, bờ Bắc cờ đỏ sao vàng phấp phới, bờ Nam cờ vàng ba sọc đỏ bay; cầu Hiền Lương có hai màu sơn và “cuộc chiến âm thanh” bằng dàn loa cực đại vẫn diễn ra hàng ngày.

Năm tôi bước xuống khỏa nước Bến Hải thì Quảng Trị đã giải phóng (1972) được hai năm và con sông huyền thoại này không còn mang trên mình nỗi đau chia cắt non sông nữa. Tuy vậy, nửa đất nước phía Nam chưa hoàn toàn được giải phóng và Bến Hải vẫn là biểu tượng về khát vọng hòa bình, thống nhất non sông của dân tộc ta.

Tháng 3/1975, chúng tôi nghe vọng về tiếng sấm Tây Nguyên với đòn đánh bất ngờ của quân ta ở Buôn Ma Thuột và sau đó là cuộc “tùy nghi di tản” hoảng loạn của đối phương. Tiếp theo là những cuộc hành binh dũng mãnh của quân ta vào Huế, Đà Nẵng, Nha Trang và các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ…

Theo dấu chân người lính cách mạng, vùng giải phóng được mở ra từng ngày. Tôi lấy một chiếc bản đồ Việt Nam treo lên và dùng bút màu tô đỏ vùng giải phóng. Màu cờ lan dần, lan dần mau chóng cùng với niềm vui không giấu nỗi của các chàng lính trẻ.

Trưa 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập-cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn khi đó-đánh dấu sự kiện lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trưa 30/4/1975, xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc lập-cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn khi đó-đánh dấu sự kiện lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đấy là những ngày khó quên; những người Việt Nam yêu nước và bạn bè của chúng ta trên thế giới trông theo từng bước tiến công của Quân giải phóng. Âm hưởng chiến thắng lan tỏa sáng bừng trên mỗi ngọn núi, dòng sông, những làng mạc, phố xá xa gần. Hân hoan. Hy vọng. Hồi hộp mong chờ điều kỳ diệu nhất sẽ tới. Cái điều dẫu không nói ra nhưng ai cũng đợi; đó là đoàn quân chính nghĩa sớm Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù…như lời một bài hát quen thuộc thời đó. Chiến dịch Hồ Chí Minh. Mệnh lệnh Thần tốc, thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo, táo bạo hơn nữa... của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thời cơ trở thành lực lượng. Cả dân tộc dốc sức cho trận đánh cuối cùng. Cuồn cuộn cơn sóng thần lịch sử. Ngày cuối cùng của tháng tư năm 1975. Tin toàn thắng đến với chúng tôi vào đúng giờ ăn trưa. Sau giây phút sững sờ, tất cả hô ầm lên: “Giải phóng Sài Gòn rồi! Sài Gòn giải phóng rồi!”. Ai đó cất lên Sài Gòn ơi, ta đã về đây, ta đã về đây… Tất cả hát theo, dàn đồng ca ngẫu hứng của lính tráng vang dội một vùng đồi. Vừa hát vừa dùng đũa, dùng muôi gõ vào bát đĩa làm nhịp. Men say chiến thắng dâng đầy trong chúng tôi, những người ở phía sau chiến dịch lịch sử.

Ký ức lấp lánh trong tôi. Chúng tôi rưng rưng hát Như có Bác trong ngày vui đại thắng. Khúc khải hoàn ca của dân tộc do nhạc sĩ Phạm Tuyên sáng tác thật kịp thời. Cả dân tộc hát. Sông núi hát. Biển trời hát. Dàn đồng ca vĩ đại nhất của thời đại Hồ Chí Minh được cất lên. Hào hùng và sảng khoái. Nói thật, lúc đó niềm vui dâng tràn như sóng cả, hình như nó khỏa lấp hết những nghĩ ngợi khác. Nỗi xót đau vì mất mát chỉ sau này mới khía chạm rất sâu vào tâm hồn. Khi mọi cái đã lắng lại và phải có một độ lùi về thời gian nào đó chúng ta mới thấm thía hết cái giá phải trả cho chiến thắng vĩ đại này. Đó cũng là giá của độc lập tự do dân tộc, của hòa bình thống nhất non sông. Cái giá để biến khát vọng thành hiện thực lộng lẫy.

Còn bấy giờ, những người lính trẻ chúng tôi mãi đắm say vào một mùa xuân nắng thật rực rỡ, bầu trời quá đỗi huy hoàng và gió cũng tưng bừng màu cờ Tổ quốc. Vẫn có cái gì đó thật ngỡ ngàng, cứ như mơ. Tuy rằng chúng tôi không có cái ngỡ ngàng, bâng khuâng của những người lính có mặt tại dinh Độc Lập trong chiều 30 tháng 4 năm 1975: Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện/Rau muống xanh như hái tự ao nhà/Trời còn đầy ắp hoa và pháo/Nhìn nhau chưa vội mở vung ra./Mâm xanh-sân cỏ xanh mải miết/Quây quần đồng đội đến vui chung/Hàng cây so đũa cùng ta đó /Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng.../Kìa gắp đi anh, ai nấy giục/Có gắp chi đâu, mải ngắm trời/Tự do xanh quá, mênh mông quá/Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi… (Thơ Hữu Thỉnh).

Hồ Chí Minh. Chiến dịch mang tên Bác. Thành phố mang tên Bác. Thời đại mang tên Bác. Việt Nam-Hồ Chí Minh, đó là âm hưởng vọng vang nhất trong những ngày lịch sử ấy. Sự vang vọng còn mãi đến bây giờ và tôi tin rằng mai sau niềm tự hào về đất nước Việt Nam, về Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên như thế. Khi khát vọng hòa bình, độc lập tự do, thống nhất đất nước thành hiện thực thì những ai đã góp phần làm nên những giá trị to lớn ấy chắc chắn phải được ghi nhớ, tri ân. Trong thế giới còn đầy chia rẽ, thù hận, xung đột; mầm mống chiến tranh rất dễ bị kích hoạt như hiện nay thì ta càng thấy rằng hạnh phúc của một dân tộc không gì lớn hơn là được độc lập tự do, toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình. Đương nhiên, hạnh phúc ấy sẽ được nối dài, bồi đắp bằng cuộc sống ấm no, tươi đẹp của nhân dân. Diễn đạt một cách giản dị như Bác Hồ từng nói là ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành.

Tầm kích ngày chiến thắng 30 tháng 4 không chỉ dừng lại ở quá khứ mà chắc chắn nó được nhân lên trong công cuộc dựng xây đất nước và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Nó sẽ được soi chiếu trong mỗi suy nghĩ, mỗi việc làm của từng cán bộ, đảng viên và người dân. Nó thấm sâu vào mỗi tri ân, đáp nghĩa của dân tộc.

Đến bây giờ, thỉnh thoảng trong giấc mơ tôi còn gặp lại bạn thời học trò của tôi. Họ còn nguyên nét thơ ngây trong trẻo dù các bạn đã ngã xuống trên chiến trường những năm đánh Mỹ. Đường Trường Sơn. Thành cổ Quảng Trị, Tây Nguyên, Xuân Lộc, cửa ngõ phía Bắc Sài Gòn và cả Trường Sa nữa… Hàng vạn người mẹ, người chị có chồng con là liệt sỹ, hàng vạn thương bệnh binh, hàng vạn trẻ mồ côi…

Tôi nghĩ, ký ức dẫu lấp lánh đến bao nhiêu chắc cũng không che hết những gập ghềnh thời cuộc với bao ngổn ngang, bề bộn thế sự hôm nay. Bao nhiêu xót xa tiếc nuối. Nhưng tôi tin, một dân tộc làm nên đỉnh cao Chiến thắng 30 tháng 4 sẽ mãi xứng đáng với tầm vóc của mình. Tầm vóc ấy không tự trên trời rơi xuống mà được làm nên bởi bản lĩnh tuyệt vời có tên gọi Việt Nam!

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202304/thang-tu-nam-toi-muoi-chin-tuoi-2208924/