Thanh âm huyền bí của người S'tiêng

Sáo tên gọi chung của người S'tiêng là Pi, nhưng ở mỗi vùng lại có tên gọi khác nhau: sáo M'hom, sáo T'rơ muh, sáo T'rơ lết, sáo T'rê ru, là nhạc cụ lâu đời và độc đáo của người S'tiêng. Được làm từ các ống tre, ống nứa hoặc lồ ô, sáo không chỉ gắn bó với các nghi lễ tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người S'tiêng.

Sáo hiện diện trong các nghi lễ cầu mưa, trỉa lúa, mừng cơm mới, cùng với các sự kiện trọng đại như đám cưới, đám tang. Âm thanh của sáo không chỉ làm phong phú thêm các nghi lễ truyền thống mà còn tạo ra sợi dây kết nối bền chặt giữa các thành viên trong cộng đồng, giúp họ chia sẻ niềm vui, nỗi buồn và cùng trải qua mọi thử thách trong cuộc sống.

Các nghệ nhân thổi sáo, đánh trống pi M'hom và lập la trong lễ mừng cơm mới tại xã An Khương, huyện Hớn Quản (ảnh lớn) T’rơ lết của người S'tiêng (ảnh nhỏ)

Các nghệ nhân thổi sáo, đánh trống pi M'hom và lập la trong lễ mừng cơm mới tại xã An Khương, huyện Hớn Quản (ảnh lớn) T’rơ lết của người S'tiêng (ảnh nhỏ)

Sáo T’rơ muh hay còn gọi là sáo T’rê muh, có một vị trí đặc biệt trong đời sống của người S’tiêng Bù Lơ. Mỗi khi tiếng sáo vang lên, hòa quyện với âm thanh của núi rừng, mang lại sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên. Nghệ nhân Điểu Kiêu sinh ra và lớn lên tại vùng đất Bù Gia Mập, hiện đã ngoài 80 tuổi, là một trong số ít người S’tiêng trên mảnh đất này còn biết chế tác và biểu diễn sáo T’rê muh.

Theo lời kể của nghệ nhân Điểu Kiêu, chưa được 10 tuổi, ông đã bắt đầu học các loại nhạc cụ dân tộc S’tiêng từ cha mình. Tuy nhiên, việc học thổi sáo T’rê muh rất khó. Ông mất 1 năm kiên trì học hỏi dưới sự hướng dẫn của cha mới có thể thổi đúng âm thanh bài hát tiếng S’tiêng. Để có thể thổi tốt, điều quan trọng nhất là phải có niềm đam mê sâu sắc và hòa quyện tâm hồn mình vào nhạc cụ, từ đó âm thanh mới uyển chuyển và cuốn hút.

Sáo T’rê muh là nhạc khí hơi rung vang, có dăm (lưỡi gà) và thường được sử dụng vào dịp lễ hội, mùa xuân, mùa lúa, cũng như trong các hoạt động hằng ngày như làm rẫy hay tham dự lễ hội. Với số lỗ bấm là 6, sáo T’rê muh có thể tạo ra ít nhất 6 âm thanh, tương đương với tiếng của một dàn chinh (chiêng) 6 chiếc. Âm thanh của nhạc khí này như là tiếng của núi, của rừng, của gió và là những âm thanh tâm tình của mẹ đất và cha trời gửi gắm đến con cháu S’tiêng. Nhạc khí sáo T’rê muh không chỉ là biểu hiện của âm nhạc, mà còn là phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa và giá trị thẩm mỹ của người S’tiêng.

Dù tuổi đã cao, tình yêu và niềm đam mê ca hát, nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là sáo T’rê muh vẫn luôn cháy bỏng trong tâm hồn nghệ nhân Điểu Kiêu. Ông vẫn chế tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc, truyền dạy cho con cháu và sẵn sàng chia sẻ kiến thức của mình với thế hệ trẻ.

Sáo T’rơ lết hay còn gọi là sáo M’hom, còn được biết đến với cái tên sáo bà Bóng, là nhạc cụ chỉ được sử dụng trong các buổi cúng của bà Bóng, hòa quyện cùng tiếng trống nhỏ gọi là trống Pi. Đây là loại sáo thổi dọc, gần gũi với sáo T’rơ muh về hình thức và phương pháp diễn tấu.

Ông Điểu Nhim (70 tuổi) ở ấp Bù Dinh, xã Thanh An, huyện Hớn Quản chia sẻ, từ khi còn rất nhỏ, ông theo cha lên rẫy đã được nghe, được hướng dẫn học cách thổi cũng như chế tác sáo T’rơ lết. Âm thanh của sáo T’rơ lết hòa quyện với núi rừng đã làm ông say mê nhạc cụ này và yêu quý âm thanh của dân tộc mình, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của ông. Đến hôm nay, ông không chỉ thành thạo việc chế tác mà còn thổi rất hay những bài từ nhạc cụ này và là một trong số ít người S’tiêng tại Hớn Quản còn giữ gìn và phát huy truyền thống này.

Thông thường, người sử dụng sáo trong các lễ cúng bà Bóng sẽ tự chế tác sáo của mình. Tuy nhiên, số người biết chế tác và sử dụng sáo ngày nay không còn nhiều. Những nghệ nhân tự chế tác sáo thường được mời tham gia thổi hòa cùng trống Pi trong lễ cúng bà Bóng, cúng cầu bình an và các sự kiện quan trọng khác.

Sáo T’rơ lết thường được làm từ cây nứa, với thân tròn đều dài khoảng 40cm và có 7 lỗ. Dù chiếc sáo có vẻ ngoài đơn sơ, nhưng khi được thổi lên, nó tạo ra những âm thanh hòa quyện giữa đất trời và vạn vật, mang đến cảm giác khát vọng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Âm thanh của sáo T’rơ lết có thể làm cho tâm hồn con người thêm sáng tỏ và yêu đời hơn. Ngày xưa, với những chàng trai S’tiêng, cây sáo là người bạn thân thiết, còn với các cô gái S’tiêng, tiếng sáo giúp họ tìm được người trong mộng và thể hiện cảm xúc của người thổi, cho thấy họ đang vui hay buồn.

Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại mang đến nhiều đổi thay, âm vang của tiếng sáo vẫn sẽ tiếp tục ngân vang, gắn kết với người S’tiêng và giữ gìn những giá trị văn hóa quý báu trên vùng đất Bình Phước giàu bản sắc dân tộc. Nghệ thuật âm thanh, mặc dù có thể ẩn tàng trong trí nhớ nhưng khi có dịp, nó sẽ vang lên, nhắc nhở chúng ta về niềm tự hào dân tộc và giá trị thẩm mỹ vượt thời gian.

Điểu Lành

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/543/162855/thanh-am-huyen-bi-cua-nguoi-s-tieng