Thanh Ba thực hiện hiệu quả các khâu đột phá
PTĐT - So với trước đây, Thanh Ba hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao. Có được đổi thay như vậy là do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Ba đã tích cực tìm tòi, sáng tạo, khơi dậy những tiềm năng, lợi thế của huyện, đồng thời tranh thủ phát huy các nguồn lực đầu tư, thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá, tạo được sự chuyển biến trên các lĩnh vực.
Đến Thanh Ba hôm nay chúng tôi dễ nhận thấy sự đổi mới về hệ thống kết cấu hạ tầng. Hàng loạt công trình lớn về giao thông, thủy lợi mới được hoàn thành, tạo điểm nhấn về hạ tầng kinh tế như: Tuyến đường vào Cụm công nghiệp Bãi Ba - Đông Thành; đường tránh thị trấn Thanh Ba; đường Khải Xuân - Chùa Tà; đường trục chính các xã: Đông Lĩnh, Sơn Cương, thị trấn Thanh Ba - Yên Nội - Thanh Xá, Đỗ Sơn; đường tỉnh 314 từ Đồng Xuân đi Yên Kỳ (Hạ Hòa).
Có được những đổi thay như vậy là nhờ huyện đã xác định và thực hiện hiệu quả khâu đột phá: Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt, từ đó phát huy nội lực, tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành; tập trung huy động, khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, đặc biệt là nguồn từ đấu giá quyền sử dụng đất và xã hội hóa để đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt với nhiều công trình, dự án trọng điểm, có tính đột phá không chỉ hệ thống đường giao thông mà còn cả hệ thống trường lớp học, bệnh viện, trạm y tế, hạ tầng các cụm công nghiệp, trung tâm hội nghị, trung tâm phục vụ hành chính công của huyện, hạ tầng các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015-2020 đạt 7.510 tỷ đồng (trong đó, vốn ngân sách Nhà nước: 1.152 tỷ đồng, vốn của nhân dân đóng góp và các nguồn khác: 6.358 tỷ đồng).
Xác định nông nghiệp vẫn là thế mạnh của huyện, cùng với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, huyện xác định khâu đột phá về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Theo đó, các địa phương đã tích cực dồn đổi ruộng đất (DĐRĐ), tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất hàng hóa, thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại các xã đủ điều kiện như: Lương Lỗ, Đỗ Xuyên, Đỗ Sơn, Thanh Hà… Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất canh tác và nuôi trồng thủy sản: 107,1 triệu đồng (mục tiêu Nghị quyết: 97,2 triệu đồng). Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 37,1 triệu đồng/năm (mục tiêu Nghị quyết là 36 triệu đồng/người/năm). Diện mạo nông thôn thay đổi nhanh chóng, tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt. Đồng chí Hà Văn Tuân- Bí thư Đảng ủy xã Thanh Hà thông tin với chúng tôi: “Thực hiện khâu đột phá của huyện về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tháng 1 năm 2017, Đảng ủy xã đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về DĐRĐ phù hợp với thực tế của địa phương. Việc DĐRĐ được hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập của nông dân. Cùng với đó, xã thực hiện tích cực khâu đột phá về đầu tư xây dựng kêt cấu hạ tầng, hoàn thành nhiều công trình điện, đường, trường, trạm. Nhờ vậy năm 2018 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới”.Bên cạnh đó, huyện đã tích cực chỉ đạo, thực hiện quy hoạch, phát triển công nghiệp theo hướng tập trung vào các cụm công nghiệp, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, kiểm soát tốt nguồn xả thải đạt tiêu chuẩn quy định. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như: Sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến chè, gỗ, hàng may mặc... Làm tốt công tác thu hút đầu tư, hoàn thiện cụm công nghiệp hiện có, triển khai quy hoạch khu công nghiệp mới trên địa bàn. Toàn huyện có 2 cụm công nghiệp, 148 doanh nghiệp, hợp tác xã và 506 hộ kinh doanh cá thể hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tăng thu ngân sách.
Đồng chí Nguyễn Văn Đức - TUV, Bí thư Huyện ủy Thanh Ba cho biết: Việc lựa chọn các khâu đột phá phù hợp với tình hình thực tế của địa phương để đạt được hiệu quả tốt nhất đối với các mục tiêu mà huyện đề ra là nhiệm vụ hết sức quan trọng và có ý nghĩa. Do vậy, Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ tập trung xác định các khâu đột phá phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nhằm khơi dậy và huy động tối đa nội lực; đồng thời tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển, tập trung phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, tạo ra bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng huyện Thanh Ba phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành huyện nông thôn mới.