Thành cổ Quảng Trị

Tôi ghé thăm thành cổ Quảng Trị vào một sáng mùa hè, làn gió nhè nhẹ thổi, trời trong xanh, mặt đất phủ đầy những ngọn cỏ xanh. Chúng tôi dâng hương tri ân các anh hùng liệt sỹ. Trước và sau chúng tôi, có nhiều đoàn đến thăm, tất cả đều trang nghiêm, kính cẩn.

Cuộc chiến 81 ngày đêm hào hùng, bi tráng được tái hiện qua những hình ảnh trưng bày, những thước phim quý giá trình chiếu và đặc biệt qua diễn thuyết vô cùng hấp dẫn của hướng dẫn viên. Tất cả im lặng lắng nghe như nuốt lấy từng lời của cô hướng dẫn viên và khi cô ngừng nói, tôi cũng như tất cả mọi người, nhạt nhòa nước mắt trong niềm xúc động nghẹn ngào.

Ảnh do tác giả cung cấp.

Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương chính thức được ký kết. Theo Hiệp định, Việt Nam lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới chia cắt tạm thời. Một phần của Quảng Trị từ Sông Bến Hải trở ra được giải phóng, các huyện từ Gio Linh trở vào Hải Lăng trở thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Thị xã Quảng Trị, trong đó có Thành Cổ Quảng Trị đã trở thành trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế - xã hội, Mỹ - Ngụy đã biến Thành Cổ thành khu quân sự, làm kho tàng quân đội và trung tâm chỉ huy chiến dịch toàn tỉnh, đồng thời mở thêm nhà giam để đàn áp các phong trào cách mạng của ta.

Mỹ - Ngụy luôn coi tuyến phòng thủ Quảng Trị là “con đê ngăn chặn” vững chắc nhất ở miền Nam Việt Nam.

Với tinh thần : “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn:” vẫn phải dành cho được độc lập. Quân dân chúng ta một lòng với ý chí sắt đá chiến đấu chống kẻ thù, giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. Mùa hè năm 1972, quân giải phóng Miền Nam mở chiến dịch “Xuân hè” tấn công mãnh liệt vào thành cổ quảng trị. Từ ngày 30/3 đến 1/5/1972), quân và dân ta đã hợp đồng chặt chẽ tấn công và nổi dậy, quét sạch hệ thống phòng ngự kiên cố nhất và đập tan bộ máy kìm kẹp tàn bạo của Mỹ - ngụy từ sông Bến Hải đến Mỹ Chánh, từ Khe Sanh đến Cửa Việt, một vùng đất rộng lớn của quê hương được hoàn toàn giải phóng, “con đê ngăn chặn” mà Mỹ xây dựng cũng bị quân giải phóng chọc thủng, toàn tỉnh Quảng Trị được giải phóng.

Để mất Quảng Trị, địch lên kế hoạch phản kích tái chiếm lại thị xã Quảng Trị và toàn tỉnh Quảng Trị vì vậy, chúng điên cuồng tập trung vào đây một lực lượng quân đội khổng lồ với nhiều binh chủng, nhiều sư đoàn mạnh nhất, trong đó có cả những sư đoàn thuộc lực lượng tổng dự bị Quốc gia.

Cuộc chiến diễn ra tàn khốc đến khủng khiếp. Mỗi ngày, hàng chục cuộc tấn công cả hai phía đã nổ ra, thương vong nhiều vô kể.

81 ngày đêm, hàng trăm tấn bom, đạn đã nã xuống mảnh đất chỉ vẻn vẹn 3Km vuông của Quảng Trị. Hàng ngàn chiến sỹ khắp cả nước có mặt nơi đây và người dân Quảng Trị đã hy sinh. Cuộc chiến diễn ra vô cùng tàn khốc, lớp chiến sỹ này ngã xuống lại có lớp chiến sỹ kia xông lên, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Anh rể tôi là người cựu chiến binh thành cổ Quảng Trị. Anh kể rằng, phần lớn đồng đội của anh còn trẻ, chưa mấy ai có gia đình hay người yêu. Chia tay gia đình nhập ngũ, người nào cũng hứa với mẹ, chúng con chiến đấu chống kẻ thù, giải phóng xong đất nước, sẽ về cưới vợ sinh con, tiếp tục nối dài dòng giống như là sự tri ân sâu sắc đến tổ tiên gia tộc. Thế rồi, bom đạn kẻ thù đã vĩnh viễn cướp mất họ. 81 ngày đêm kinh hoàng ấy, đã có hơn 4000 chiến sỹ hy sinh. Đau thương hơn là có nhiều người, khi rút quân ra khỏi thành cổ, con sông Thạch Hãn không rộng, nhưng các chiến sỹ đã kiệt quệ sức lực nên đã không còn đủ sức bơi qua sông để qua bờ bên kia an toàn mà chìm dần xuống. Có nhiều người lính, cố dìu bạn mình bơi cùng nhưng rồi cả hai đã không thể vượt qua con sông vốn đã đỏ ngầu màu máu. Nếu lúc đó, buông tay, họ có thể bơi qua được một mình, nhưng người lính đã không chọn cách đó, họ đã quyết tâm cứu đồng đội dù phải đánh đổi cả mạng sống của mình.

Chưa có cuộc chiến nào tàn khốc như mùa hè đỏ lửa năm 1972, chưa có cuộc chiến nào, chúng ta bị đau thương như thế. Sau này, có nhiều ý kiến đặt giả thiết về điều đó, rằng có thể chúng ta sẽ không bị tổn thất nhiều đến thế nếu mệnh lệnh phía trên đưa ra không quyết liệt như thế. Nhưng chiến tranh mà, chúng ta phải chớp lấy cơ hội tấn công khi có thể. Nếu như không có 81 ngày đêm bi tráng đó, Hiệp định Paris có thể được ký chậm hơn, chúng ta sẽ bị đau đớn hơn, mất mát nhiều hơn.

Sau này anh Hoàng Nam Tiến, con trai của tướng Hoàng Đan kể rằng:

“Hồi đó, Sư 304 liên tục được yêu cầu tấn công ra đường 1, lần nào đánh ra là quân lính hi sinh lần đó. Nhưng lệnh tấn công vẫn tiếp tục đưa tới. Ba tôi nói với các cấp chỉ huy: "Quân lệnh như sơn! Nhưng tôi vẫn phải nói hai điều: Là Sư đoàn trưởng chỉ ở cấp chiến dịch, tôi muốn chống lệnh này. Nhưng tôi sẽ đánh, vì ở vị trí của tôi, có thể tôi không có cái nhìn bao quát, nên không thể quyết định được việc có nên đánh hay không".

Mãi sau này ba tôi mới hiểu rằng, việc đàm phán ở Hiệp định Paris đẩy mình vào tình thế bắt buộc Việt Nam phải có vị thế trên chiến trường. Đó là lý do ta phải đánh, dù biết là khó tránh tổn thất.”

Bằng tính kỷ luật tuyệt vời của người lính, ý chí ngoan cường và sự hi sinh vô bờ bến, các chiến sĩ đã kiên quyết giữ vững trận địa trong suốt 81 ngày đêm. Đó là 81 ngày đêm lịch sử đầy hi sinh mà mãi mãi bất tử.

Ý chí kiên cường quyết tâm giữ vững thành cổ trong suốt 81 ngày đêm của quân dân ta cùng những thắng lợi lớn trên nhiều mặt trận khác đã buộc đế quốc Mỹ phải ký vào Hiệp định Paris vào ngày 27/01/1973, với nội dung: “Hoa kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận” ( điều 1). Hoa kỳ rút toàn bộ quân và vũ khí khỏi Việt Nam.

Những người chưa trải qua chiến tranh, sẽ không thể hình dung nổi nó tàn khốc thế nào. Bản thân tôi, chỉ chứng kiến chiến tranh ở Miền Trung, khi giặc Mỹ mang bom ra đánh phá vào năm 1972 đã thấy kinh hoàng.

Tôi bước đi nhè nhẹ trong khuôn viên bảo tàng thành Cổ Quảng Trị, hình dung xương thịt của hàng vạn người lính và người dân Quảng trị đã hòa vào vào lòng đất, nằm dưới đáy sông để cho chúng ta có cuộc sống bình yên hôm nay mà bồi hồi xúc động.

Chính phủ đã làm nhiều việc để tri ân các anh hùng liệt sỹ, chăm lo gia đình các thương bệnh binh nhưng sẽ không bao giờ bù đắp hết nỗi đau của những người ở lại khi con mất cha, vợ mất chồng, cha mẹ mất con.

Có hàng triệu nỗi đau hiện hữu trên cơ thể những thương binh, nỗi xót xa, đớn đau của những gia đình có con hy sinh và còn có hàng ngàn người mẹ cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn day dứt trong lòng nỗi mong ngóng hài cốt đứa con liệt sỹ của mình.

Trong bảo tàng, có lá thư thiêng của chàng sinh viên trẻ, liệt sĩ Lê Văn Huỳnh (sinh viên năm 4, Khoa Hầm cầu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trú tại huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Trước khi hy sinh, anh đã để lại những dòng chữ như tiên tri gửi đến mẹ, vợ và người thân về linh cảm ngày mình sẽ mãi mãi nằm lại với vùng đất Quảng Trị anh hùng. Anh đã dặn dò gia đình tìm hài cốt mình như thế nào. Sau chiến tranh, gia đình anh đã theo sự chỉ dẫn của anh trong lá thư, tìm đúng được hài cốt của anh ở Thành Cổ Quảng Trị.

Sẽ có nhiều điều, khoa học chưa giải thích được, tôi vốn không mê tín nhưng tôi tin, tâm linh là có thật.

Tôi nghĩ rằng, những người được cất nhắc giữ những vai trò quan trọng trong đất nước, trước lúc nhậm chức, ngồi vào ghế lãnh đạo, hãy đến những nghĩa trang liệt sỹ, hay ít nhất cũng đến Thành cổ Quảng Trị để hiểu rằng, đất nước này được xây lên bởi máu xương của bao thế hệ. Hãy cống hiến, hãy làm việc tốt cho dân, nếu không, anh linh của các anh hùng liệt sỹ sẽ không bao giờ tha thứ cho những ai làm tổn hại đến dân tộc Việt Nam.

Cái quý giá nhất là mạng sống con người nhưng các anh, chị đã hiến dâng để Tổ quốc được trường tồn. Tri ân các anh hùng liệt sỹ là việc làm cần làm hàng ngày. Tượng đài liệt sỹ cần thiết phải xây để nhắc nhở muôn đời sau về lịch sử bi tráng của dân tộc nhưng thiết thực hơn là chăm lo cho gia đình các thân nhân liệt sỹ, các thương bệnh binh.

Nhân ngày thương binh liệt sỹ, các mạnh thường quân thuộc Câu lạc bộ doanh nhân Hà Tĩnh ở Tp. HCM và các tỉnh phía Nam đã ủng hộ xây nhà tình nghĩa cho nhiều gia đình ở Cẩm Xuyên, Hương Khê. Tôi thật tự hào vì tôi là thành viên của câu lạc bộ dù tôi chưa làm được những điều cao cả như họ.

Đến Thành Cổ, hầu như ai cũng thuộc lòng bài thơ của Lê Bá Dương.

Còn tôi, tôi nhẩm đọc bài thơ “Qua thành Cổ’ của Hoàng Nhạn trong nỗi niềm sâu lắng, rưng rưng:

Ai có qua thành cổ

Xin nhè nhẹ bước chân

Còn người nằm dưới cỏ

Mảnh đạn thù trong thân

Ai có qua thành cổ

Xin nhè nhẹ bước chân

Còn người không nấm mộ

Trải mưa nắng phong trần

Một lần qua thành cổ

Chợt thấy mình lớn hơn

Khóc người nằm dưới cỏ

Nước mắt vơi oán hờn

Thành cổ ơi thành cổ

Gió ngàn năm cháy khô

Cảm ơn người dưới cỏ

Quên thân giữ cơ đồ”.

Tôi sẽ trở lại Thành Cổ nhiều lần nữa, để thành kính dâng hương tri ân các anh hùng liệt sỹ và để thấy rằng, cuộc sống bình yên hôm nay quý giá biết nhường nào.

Quảng Trị, 25/07/2022

N.T.C

Trái tim người lính

Nguyễn Thị Cúc

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/thanh-co-quang-tri-a17614.html