Thành Cổ Quảng Trị, hai chiều thời gian…

Kể từ năm 1558, khi Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng vào đóng dinh ở vùng Ái Tử để mưu cơ nghiệp lâu dài xứ Đàng Trong. Qua mấy đời Chúa Nguyễn, cả khi dời dinh vào Phú Xuân thì thủ phủ thành xưa vẫn lưu dấu ở làng Tiền Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Năm Gia Long thứ 8-1809, vua mới cho dời thành về làng Thạch Hãn, khởi thủy cho một hành trình đến nay hơn 200 năm của Thành Cổ Quảng Trị.

 Một chương trình nghệ thuật diễn ra tại Thành Cổ để tưởng niệm những người lính đã hy sinh -Ảnh: L.Đ.D

Một chương trình nghệ thuật diễn ra tại Thành Cổ để tưởng niệm những người lính đã hy sinh -Ảnh: L.Đ.D

Bể dâu hai thế kỷ…

Hơn 200 năm tuổi với một đô thị chưa thể gọi là già, nhưng những gì diễn ra ở Thành Cổ Quảng Trị này trong ngần ấy năm lại mang vác những biến cố lịch sử kỳ lạ mang tầm vóc thời đại và nhân loại.

Từ một thành lũy đắp bằng đất, năm 1827, vua Minh Mạng mới cho xây lại thành bằng gạch, với kiến trúc quân sự kiểu Vauban, có bốn góc thành xây nhô ra ngoài làm pháo đài để kiểm soát 4 cửa thành. Những viên gạch xây thành từ đầu thế kỷ 19 ấy đến năm 72 của thế kỷ XX đã thành chứng tích cho một cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam diễn ra trên một vùng đất chỉ vài cây số vuông diện tích này. Đi tìm dấu xưa của một đô thị bị san thành bình địa quả là điều khó khăn vô vàn khi mà những bức ảnh cổ xưa đã gần như tuyệt tích.

Một trong những bức ảnh xưa nhất về Thành Cổ mà tôi được nhìn thấy là trong một lần về thăm ngôi nhà của họa sĩ Lê Bá Đảng ở làng Bích La Đông. Bức ảnh chụp ông cùng với mẹ và chị gái của mình ở một công trình kiến trúc rất cổ kính. Sau này gặp lại họa sĩ khi ông từ Pháp về Việt Nam tôi có hỏi về bức ảnh và ông cho biết cái cổng ấy ở thị xã Quảng Trị, ngày ấy gọi là “chợ tỉnh”, được chụp vào năm ông chừng đâu 13-14 tuổi. Họa sĩ Lê Bá Đảng sinh năm 1921, như vậy bức ảnh được chụp vào khoảng năm 1934-1935.

Hình ảnh cái cổng cổ kính ấy có lẽ là bức ảnh xưa nhất về một kiến trúc nguyên vẹn của Thành Cổ Quảng Trị mà tôi được nhìn thấy. Cũng thật lạ kỳ, từ tấm hình đen trắng cách nay gần một thế kỷ, những họa tiết, hoa văn sau nước ảnh đen trắng đã ố mờ màu thời gian vậy mà đủ sức gợi lại cả một quá vãng văn hiến và thanh bình của miền đất lỵ sở này.

Thị xã với một ngày xưa đã từng đẹp như một bài cổ thi viết trên dải gấm màu ngọc bích là làn nước xanh lạ kỳ của dòng sông Thạch Hãn. Nếu tính năm 1809 là năm khởi thủy của miền đất này khi Vua Gia Long cho dời thành từ làng Tiền Kiên về đây thì cột mốc năm 1827 khi Vua Minh Mạng cho xây thành bằng gạch được coi là dấu mốc lịch sử “đô thị hóa” đến nay vừa tròn 195 năm.

Giữa hai bờ bình yên

Suốt mấy tháng nay, kỷ niệm 50 giải phóng Quảng Trị và sự kiện 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị được nhắc đến rất nhiều trên báo chí. Cũng phải thôi, bởi đây là trận chiến khốc liệt nhất trong giai đoạn 1954-1975. Nhưng sau những tầm vóc vĩ mô và chiến lược, sau những bi tráng và tự hào, tôi vẫn thấy có một điều rất đặc biệt của Thành Cổ Quảng Trị. Những người hy sinh ở đây có một thế hệ đi thẳng từ giảng đường đại học ra chiến trường.

Và hầu hết họ đã nằm lại đây, khi bơi vượt qua dòng Thạch Hãn hay bên bờ tường gạch vỡ đỏ màu máu ứa. Có người đã được về trong nghĩa trang cùng đồng đội nhưng cũng nhiều lắm những anh em đã hòa mình vào sóng nước dòng sông hay tan thành cát bụi trước lượng bom đạn khổng lồ trút xuống.

 Những buổi lễ ở đây luôn có hàng ghế trống để dành phía trước như một nghi thức tâm linh thiêng liêng dành cho các anh hùng liệt sĩ -Ảnh: L.Đ.D

Những buổi lễ ở đây luôn có hàng ghế trống để dành phía trước như một nghi thức tâm linh thiêng liêng dành cho các anh hùng liệt sĩ -Ảnh: L.Đ.D

Thành Cổ bây giờ có Đài tưởng niệm, có vườn tượng, có nhà trưng bày, và sắp tới sẽ có một bảo tàng quy mô...Nhưng vào đây, ở góc phía Đông của khu di tích còn có một tượng đài nho nhỏ mang tên “Đài chứng tích sinh viên-chiến sĩ Thành Cổ Quảng Trị mùa hè 1972” trên đó có 11 tấm phù điêu chạm khắc hình ảnh ga Hàng Cỏ với chuyến tàu chở lính, lớp học ở giảng đường đại học, cảnh chia ly đưa tiễn, giấc mơ hòa bình với nhà máy, đồng lúa, trang sách…

Mấy năm trước, trong một lần vào đây, tôi bất ngờ khi gặp những cựu binh sinh viên ngày xưa ngồi dưới chân tượng đài say sưa hát một ca khúc bằng tiếng Nga của Ian Frenkel trong một tác phẩm điện ảnh Xô viết nổi tiếng ngày trước: “Khi đàn sếu bay qua…dựa trên bài thơ Đàn sếu nổi tiếng của nhà thơ Raxun Gamzatov: Những người lính không về sau trận đánh/ Chiến trường xưa đẫm máu bao ngày/ Tưởng như họ không nằm trong đất lạnh/ Mà hóa thành muôn vạn sếu trắng bay…”.

Nước mắt giàn dụa trên má những cựu binh, bởi thanh xuân của họ đã gửi lại cùng đạn bom và những bức thành gạch đổ nát, màu gạch đỏ như máu ứa từ trái tim người lính. Đó là cảm giác như hai mươi năm trước, lần đầu tiên tiếp cận với nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn, anh sinh viên đại học Thủy lợi, tôi đã bàng hoàng không hiểu vì sao giữa đạn bom mù trời, sống chết gang tấc như thế, anh vẫn viết trong nhật ký của mình:

“8-1972. Dứt tiếng máy bay, bầu trời như được vút lên cao. Cả bốn phương lồng lộng cái gió nam của tháng Bảy, cái rực vàng của những tia nắng đầu những ngày mưa. Cây lá hình như xanh hơn, thắm hơn nhờ được tắm sau trận mưa đêm qua hay muốn tranh thủ lớn thêm một tý trong phút giây ngắn ngủi thanh bình này? Bầu trời ở đây có khác gì bầu trời quê ta, bầu trời miền Bắc thanh bình có chim có bướm mà dưới khoảng xanh ấy có tuổi trẻ của ta, ước mơ của ta...

Ta yêu hòa bình, ta yêu màu xanh, cho ta sống mãi với màu xanh này, màu xanh tương lai, màu xanh mà ta phải tranh đấu. Trong bom đạn tưởng chừng như không bao giờ dứt, một phút như thế này có ý nghĩa biết bao nhiêu. Ta càng yêu quý cuộc sống đến bao nhiêu...”. Khoảng 10 ngày sau khi viết những dòng chữ ấy, Nguyễn Kỳ Sơn hy sinh ở xã Triệu Thành, sát cạnh Thành Cổ Quảng Trị.

Nếu 50 năm trước, những người lính sinh viên không hy sinh trong mùa hè 1972 ấy, họ sẽ là những nhà khoa học, những bác sĩ, kỹ sư, thi sĩ, họa sĩ…tài hoa. Đó là một niềm tin được xác tín khi đọc lại những trang nhật ký họ để lại sau khi hy sinh như Nguyễn Văn Thạc, Nguyễn Kỳ Sơn,..Và đồng đội của họ, những người lính trẻ may mắn sống qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ Thành Cổ ấy, ngày hòa bình nhiều người đã giữ những cương vị quan trọng ở tầm vóc lãnh đạo quốc gia. Nói như thế để biết rằng rất nhiều những người lính hy sinh ở Thành Cổ Quảng Trị là một thế hệ rất mực tài hoa.

Năm mươi năm đã qua, lịch sử mảnh đất này có thêm nhiều nhân chứng, nhiều kỷ vật, nhiều câu chuyện xúc động được mang đến, nhưng có lẽ, lớn hơn tất cả những câu chuyện hôm qua là những tâm nguyện của người lính đã gửi lại tuổi trẻ của mình trên mảnh đất này. Tôi nhớ mãi trong một lần giao lưu về mặt trận Thành Cổ, câu trả lời của cựu binh-anh hùng lực lượng vũ trang Mai Ngọc Thoảng khi một bạn trẻ hỏi ông nếu có một điều gì nhắn nhủ với đồng đội, ông đã trả lời: “Tôi muốn nói với những đồng đội rằng chúng ta đã rất yêu thương nhau. Và chính vì yêu thương nhau chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ”.

Có thể có người sẽ hỏi Mai Ngọc Thoảng là ai? Khi tham gia chiến dịch Thành Cổ, Mai Ngọc Thoảng là lính thông tin. Khi đường dây liên lạc bị đứt, anh đã lần theo đường dây xuống sông, dùng răng cắn chặt hai mối dây điện bị đứt, hai tay khoát nước để bơi vào bờ, mệnh lệnh được truyền đi ngay cái phút anh cắn răng nối chặt hai mối dây chính là mệnh lệnh của đại tướng Võ Nguyên Giáp truyền vào yêu cầu trung đoàn đảm bảo liên lạc với chỉ huy và phải quyết tâm đánh thắng.

Hành trình dặm dài của Tổ quốc từ mấy ngàn năm qua luôn được trả giá bằng máu xương của người lính. Và với Thành Cổ cũng thế, cho dù chỉ mới hơn hai thế kỷ nhưng không ở đâu máu xương đổ xuống như ở đây. Với một quá khứ bi tráng như đã có, Thành Cổ Quảng Trị xứng đáng được yêu thương và phát triển!

Lê Đức Dục

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=170403&title=thanh-co-quang-tri--hai-chieu-thoi-gian%E2%80%A6