Thị xã Quảng Trị máu và hoa

Nằm cạnh đường thiên lý Bắc-Nam theo Quốc lộ 1, có con sông Thạch Hãn chảy qua, Thành Cổ Quảng Trị được cả thế giới biết đến như một địa chỉ của chiến tranh khốc liệt vào bậc nhất của loài người từ xưa đến nay. Khốc liệt đến nỗi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã gọi nơi này là thành phố tuẫn đạo trong lịch sử Việt Nam và thế giới, thức tỉnh lương tâm nhân loại, lưu vào hậu thế một nơi chốn tâm linh hành hương, một cõi thiêng bi tráng.

Thành Cổ Quảng Trị, hai chiều thời gian…

Kể từ năm 1558, khi Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng vào đóng dinh ở vùng Ái Tử để mưu cơ nghiệp lâu dài xứ Đàng Trong. Qua mấy đời Chúa Nguyễn, cả khi dời dinh vào Phú Xuân thì thủ phủ thành xưa vẫn lưu dấu ở làng Tiền Kiên, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong. Năm Gia Long thứ 8-1809, vua mới cho dời thành về làng Thạch Hãn, khởi thủy cho một hành trình đến nay hơn 200 năm của Thành Cổ Quảng Trị.

Chiêm cảm từ Thành Cổ Quảng Trị

Khi thị xã Quảng Trị có con đường nối từ ngã ba Hải Thượng về Trí Bưu, men theo bờ tường phía đông của Thành Cổ rồi băng qua sông Thạch Hãn bằng cây cầu Thành Cổ duyên dáng và nhập vào quốc lộ 1 ngay trước Nghĩa trang liệt sĩ huyện Triệu Phong thì mỗi lần có công chuyện đi Huế hay Hải Lăng, tôi thường chạy xe theo tuyến đường mới này thay vì chạy theo quốc lộ 1 như trước. Không phải vì tuyến đường này vắng xe cộ hay chạy nhanh hơn mà vì một lẽ giản đơn, đi qua cung đường này, dễ cho tôi một liên tưởng về tương lai của thị xã. Những đô thị mới đã mọc lên ở hai bên tuyến đường này phía gần Trí Bưu, một không gian đô thị mới, thoáng đãng và bay bổng. Và không xa là cánh đồng lúa mênh mông nối mùa đổi sắc, xanh con gái khi vừa gieo sạ rồi ửng vàng khi đơm bông và vàng rực lên khi mùa lúa chín.