Thành công của Ròm: Thời điểm vàng của phim Việt Nam?

Doanh thu 30 tỷ đồng sau ba ngày công chiếu đã khiến 'Ròm' trở thành phim có doanh thu mở màn cao nhất phòng vé tại Việt Nam năm 2020 và để lại nhiều suy ngẫm về bài toán ra rạp cho phim Việt sau thời gian dài khủng hoảng vì dịch Covid-19.

Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy đang truyền cảm hứng cho khát khao ra rạp của phim Việt Nam.

Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy đang truyền cảm hứng cho khát khao ra rạp của phim Việt Nam.

Phim Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy được nhận định là một ẩn số phòng vé khi thu được nhiều giải thưởng uy tín từ quốc tế như Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc), Liên hoan phim Fantasia (Canada). Dù lận đận trong khâu sản xuất và phát hành tại quê nhà, nhưng bộ phim lại thu hút sự tò mò của khán giả Việt khi có một hành trình “thai nghén” tới tám năm đầy thú vị để có thể chinh phục khán giả...

Sức hấp dẫn từ “khu ổ chuột” Việt

Trước ngày công chiếu 25/9, Ròm chứng minh được sức hút siêu khủng khi cán mốc vé bán ra là 16.000 chỉ sau bốn ngày, phá kỷ lục 10.000 vé đặt sớm của siêu bom tấn Peninsula (Train To Busan 2). Là tác phẩm dài đầu tay của đạo diễn Trần Thanh Huy, bộ phim xoay quanh kiếp mưu sinh của Ròm - một cậu bé bán vé dò số đề sống ở một “khu ổ chuột” của Sài Gòn, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ dàn sao nổi tiếng cùng vô số lời khen của cả khán giả lẫn giới chuyên môn.

MC Trấn Thành đã phải dùng cụm từ “kính nể đoàn phim” khi bị bộ phim chinh phục ngay từ cảnh mở màn đầu tiên với những cảm xúc: “Nếu bạn cần gì đó nghệ thuật, sâu sắc, mới lạ, đột phá, táo bạo hơn từ phim Việt với những góc máy siêu đẹp, những cảnh quay siêu khó, những thước phim siêu đời với những cách diễn siêu thực.... thì hãy đến với Ròm. Phim cũng sẽ cho bạn một trải nghiệm thực tế và đời nhất về cuộc sống và sự khốn khó của những người nghèo. Một trải nghiệm rất Sài Gòn và đầy tình người”.

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn cũng chia sẻ: “Rất nhiều xúc cảm khi xem Ròm. Cần thời gian để ngẫm nghĩ mới có thể viết. Một bộ phim thực sự là phim, không phải mớ soap opera ta thường thấy, mà một bản rap đích thực về những người cùng khổ”.

Nói về Ròm, ông Nguyễn Quốc Khánh - đại diện truyền thông rạp CGV phải nhận định: “Ròm là minh chứng cho việc khán giả sẽ ra rạp xem phim Việt khi sản phẩm có nội dung hay và thu hút. Đây là tiền đề cho các phim Việt khác tự tin ra rạp hơn trong bối cảnh hầu hết phim bom tấn nước ngoài đã dời lịch chiếu đến cuối năm 2020, thậm chí sang năm 2021”.

Theo đạo diễn Trần Thanh Huy, khác với chủ trương “làm phim cho chính mình, không cần có khán giả’ như một số nhà làm phim, anh lại rất chú ý tới phản ứng của người khác và để có thể ra rạp. Bởi vậy, việc có tới 27 bản dựng cùng nhiều phân cảnh quay lại, phát triển thêm, cắt cúp… đã thể hiện vị đạo diễn trẻ này rất lắng nghe, có tinh thần cầu thị và tập trung vào việc làm Ròm thật hay và có nhiều người xem.

Thời điểm vàng của phim nội địa?

Có thể nhận thấy, thành công của Ròm đang truyền cảm hứng cho khát khao ra rạp của phim Việt Nam. Mới đây, tại cuộc hội thảo Thúc đẩy điện ảnh Việt hậu Covid-19 do Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức, các nhà rạp đã quyết tâm cùng ưu tiên phim Việt về số suất chiếu, tăng tỉ lệ ăn chia lên cao hơn và tăng cường quảng bá đến khán giả...

Nhìn qua các nước, các phòng vé Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã phục hồi sau dịch cũng nhờ các phim nội địa như The Eight Hundred (Trung Quốc), hay bom tấn Peninsula (Hàn Quốc)... PGS. TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cho rằng, trong bối cảnh vắng bóng các bom tấn Hollywood như hiện tại chính là thời điểm vàng để phim Việt ra rạp.

Về thị trường phim Việt, ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Nội dung CGV Việt Nam đã đưa ra nhiều số liệu khá thuyết phục như độ tuổi vàng của khán giả xem phim hiện đang chiếm 70% trong cơ cấu dân số; doanh thu toàn thị trường năm 2019 cán mốc hơn 4.100 tỷ đồng với hơn 57 triệu vé xem phim đã bán ra; tốc độ phát triển cụm rạp chiếu phim nhanh, hiện đã có hơn 200 cụm rạp với hơn 1.000 phòng chiếu…

Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Giám đốc khối vận hành cụm rạp Galaxy cũng cho biết, phim Việt đang có sự tăng trưởng cả về doanh thu cũng như tỷ lệ so với phim ngoại nhập. Trong năm 2019, doanh thu phim Việt đã chiếm đến gần 30% tổng doanh thu toàn thị trường, dù số lượng phim giảm. Mặt khác, trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, doanh thu phim nội địa đã vượt mốc 1.000 tỷ đồng trong năm 2019.

Tuy nhiên, theo nhà sản xuất, diễn viên Trương Ngọc Ánh vẫn còn nhiều thách thức cho bài toán ra rạp của phim Việt và các cụm rạp cần đi thẳng vấn đề hỗ trợ nhà sản xuất để giảm chi phí phát hành. Bàn đến vấn đề này, ông Lương Công Hiếu - Tổng Giám đốc Galaxy đồng ý với việc các rạp đưa ra tỷ lệ chia sẻ doanh thu giảm xuống và sẽ kích cầu được một lượng phim lớn ra rạp. Bên cạnh đó, các cụm rạp có thể tổ chức Tuần phim Việt, Tháng phim Việt…với những cam kết về giờ vàng cũng như suất chiếu.

Đương nhiên, ngoài bản thân phim Việt, thì vấn đề quan trọng của bài toán ra rạp lại là khán giả. Không quá bi quan về lượng khán giả, đại diện các cụm rạp BHD và cụm rạp Lotte đều cho rằng khán giả Việt luôn yêu điện ảnh và khát khao được thưởng thức không khí tại các rạp chiếu. Thế nhưng, nói như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh thì bên cạnh các chiến dịch kêu gọi khán giả ra rạp ủng hộ, thì để cứu điện ảnh Việt, “chỉ có cách duy nhất làm phim hay hơn, tốt hơn”. Và Ròm của đạo diễn Trần Thanh Huy chính là một ví dụ sinh động và mới mẻ nhất cho câu chuyện làm phim Việt đầy thử thách và sáng tạo ấy.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thanh-cong-cua-rom-thoi-diem-vang-cua-phim-viet-nam-125780.html