Thành công nhờ tư duy hiện đại, dám nghĩ, dám làm
Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi và làm giàu cho riêng mình, anh Trần Thiện Thanh Vân (41 tuổi, thôn Quảng Bằng, Phi Tô, Lâm Hà) còn hỗ trợ, giúp đỡ những hộ khó khăn phát triển kinh tế và tích cực đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Dám nghĩ, dám làm
Sinh ra và lớn lên tại Phi Tô, xã có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đa số và anh Vân là một trong số rất ít gia đình người Kinh sinh sống đầu tiên tại đây. “Hồi trước, gia đình tôi cũng như bao nhiêu gia đình khác chủ yếu trồng cà phê. Mặc dù gia đình có diện tích đất canh tác cà phê khá lớn nhưng không dư giả gì nên tôi luôn có khát vọng thay đổi cuộc sống bằng chính nghề nông trên mảnh đất quê hương. Từ đó, tôi rất ý thức để tìm tòi học hỏi kỹ thuật, nghiên cứu các loại giống cây trồng, vật nuôi nào phù hợp với thổ nhưỡng vùng Phi Tô”.
Sau khi bỏ ra không ít công sức đi khắp những nơi có trồng hồ tiêu ở các vùng miền để tìm hiểu và xem cách thức người ta trồng loại cây này ra sao, chi phí đầu tư, hiệu quả kinh tế và đầu ra như thế nào, nghiên cứu kỹ thuật làm trụ cho cây hồ tiêu sao cho hiệu quả nhất... anh quyết tâm phá bỏ 7 ha cà phê của gia đình để chuyển sang đầu tư trồng tiêu với 5 ngàn trụ và cây trồng khác để đa canh, lấy ngắn nuôi dài.
Ở thời điểm đó, việc chuyển đổi ngay một lúc 7 ha cà phê sang trồng các loại cây trồng khác là một việc làm táo bạo và liều lĩnh. Anh không chỉ gặp sự phản đối từ chính gia đình nhỏ của mình mà còn nhận được không ít những ánh mắt nghi ngại nhìn vào của người xung quanh. Sau khi phá bỏ 7 ha cà phê, anh dành diện tích 4 ha để trồng tiêu, số diện tích còn lại trồng các loại cây khác, đặc biệt là cây chanh không hạt và ghép thêm cà phê giống mới. Với mô hình kinh tế này, hiện gia đình anh Vân đã có cuộc sống khá ổn định, thu nhập hàng năm đạt trên 2 tỷ đồng và mặc dù cây hồ tiêu mới chỉ cho thu hoạch lứa đầu. Mỗi ngày, nông trại của gia đình anh tạo công ăn việc làm cho 8 đến 10 lao động địa phương.
Chỉ mới học hết lớp 8, vốn say mê nghề nông và mặc dù sinh ra và lớn lên ở vùng đất còn khá nghèo và thiếu thốn nhiều mặt, nhưng bằng nhiều cách, anh tìm tòi, tiếp cận thông tin về nông nghiệp ở rất nhiều kênh khác nhau, qua bạn bè khắp nơi, đọc sách báo, nghiên cứu trên mạng... nên tư duy sản xuất và kinh doanh nông nghiệp của anh đặc biệt khá hiện đại và luôn bắt kịp với xu hướng phát triển. Nông trang của anh hiện được xây dựng và định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, bền vững, sử dụng các sản phẩm và canh tác theo hướng hữu cơ, organik.
Thấu hiểu và chia sẻ với bà con trong vùng
Từng có cuộc sống cơ cực từ thủa ấu thơ nên hơn ai hết anh thấu hiểu những khó khăn của bà con trong vùng đang gặp phải. Có lẽ chính vì vậy mà ngoài việc quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, chăm lo chuyện học hành cho con cái, anh luôn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội nhân đạo và từ thiện ở địa phương.
Theo nhận xét, đánh giá của cán bộ xã Phi Tô và UBND huyện Lâm Hà, anh Vân là một trong những người dân điển hình ở địa phương, không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi mà còn rất tích cực tham gia đóng góp cho các hoạt động phong trào và xã hội của địa phương.
Trao đổi với anh về hoạt động này, anh chỉ gói gọn trong một câu đơn giản “việc gì cần làm thì phải làm thôi”. Với phương châm và suy nghĩ ấy, nhiều năm qua, anh Vân đã hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Ở Phi Tô, phần lớn bà con đều theo đạo, anh đã rộng lòng chia sẻ, đóng góp 500 triệu đồng, chung tay xây dựng nhà thờ Phi Tô để bà con có nơi sinh hoạt. Không chỉ vậy, anh còn giúp đỡ nhiều hộ gia đình, nhiều cá nhân phát triển kinh tế hộ gia đình, giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn hoặc bị thiên tai, hỏa hoạn; hỗ trợ xây nhà, sửa chữa nhà ở cho những hộ gia đình nghèo. Trong xã, gia đình nào có người ốm, người bệnh, hay có trường hợp xảy ra tai nạn, anh cũng chẳng ngại ngần, luôn sẵn lòng giúp đỡ tận tình chở họ đi bệnh viện.
Trò chuyện với tôi về những khó khăn hiện tại của người dân và vùng đất nơi anh sinh ra và đang sống, anh Vân tỏ ra khá trăn trở nhiều với câu chuyện về phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Anh bày tỏ mong muốn người dân, ngoài sự nỗ lực tự lực vươn lên cũng rất cần được sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là trong việc bồi dưỡng kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua các buổi hội thảo đầu bờ về các mô hình canh tác phù hợp để bà con được mở rộng kiến thức nông nghiệp trong thời đại mới, ứng dụng chúng hiệu quả vào phát triển sản xuất với điều kiện phù hợp của từng hộ gia đình.
Với tư duy và tính cách khá phóng khoáng và hiện đại trong hình dáng của người đàn ông mạnh mẽ, tự tin, sự thành công của anh Vân được nhắc đến như là sự thành công tất yếu của một người nông dân thời đại mới, dám nghĩ - dám làm, biết tự nghiên cứu, tìm tòi học hỏi để vượt khó vươn lên. Những thành tựu anh đạt được đã làm thay đổi rất lớn nhận thức của không ít người dân trong vùng trong quá trình tự vận động, vươn lên lập nghiệp bằng nghề nông chân chính trên chính mảnh đất quê hương vốn còn nhiều khó khăn, lạc hậu. Anh xứng đáng là gương điển hình thành công nhờ “tự học”, và “học không ngừng nghỉ”...