Thành công từ dám nghĩ, dám làm

Thực hiện mục tiêu 'Hỗ trợ chị em phát triển kinh tế gia đình-Giảm nghèo bền vững', những năm qua, Hội Phụ nữ Công ty TNHH MTV Cà phê 15 đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình sáng tạo: 'Tổ phụ nữ giúp nhau bằng một ngày công', 'Tổ phụ nữ góp vốn xoay vòng', 'Hũ gạo tiết kiệm', 'Nuôi heo đất', 'Tiết kiệm của bản thân để phần người khó'… đồng thời chủ động tiếp cận, khai thác các nguồn vốn của Bộ Quốc phòng và công ty để hỗ trợ, khuyến khích hội viên phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Quá trình triển khai thực hiện đã xuất hiện những điển hình làm kinh tế giỏi, tiêu biểu là chị Nguyễn Thị Trung, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ Đội sản xuất số 5. Chị là người đi đầu trong việc cải tạo, phục hồi vườn cây nhận khoán lâu năm đang bước vào thời kỳ già cỗi, tốc độ tăng trưởng chậm, năng suất kém. Chia sẻ kinh nghiệm, chị Trung cho biết: "Bình quân với một héc-ta, mỗi năm gia đình chỉ thu được hơn một tấn cà phê nhân, số tiền bán được không đủ chi phí đầu tư chăm sóc. Năm 2015, khi được tiếp cận nguồn vốn vay không tính lãi từ Chương trình “Hỗ trợ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” của công ty với số tiền 50 triệu đồng, tôi bàn với chồng mạnh dạn cưa ghép toàn bộ số gốc cà phê già cỗi của gia đình. Thời gian đầu ghép chồi, khi tán cây cà phê còn nhỏ, gia đình tận dụng đất trống trồng xen canh đậu xanh, đậu phộng, ngô lai... lấy ngắn nuôi dài để có thêm thu nhập".

 Chị Trần Thị Hương chăm sóc đàn lợn của gia đình.

Chị Trần Thị Hương chăm sóc đàn lợn của gia đình.

Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cà phê cải tạo ngày càng phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại, năng suất bình quân đạt gần 3 tấn nhân/ha, tăng gần 3 lần so với trước. Hơn nữa, cà phê chín đồng loạt, giảm công hái bói. Thấy rõ hiệu quả kinh tế mang lại, chị Trung mạnh dạn đề xuất với đơn vị được thực hiện trên lô cà phê nhận khoán. Đến nay, vườn cây nhận khoán của chị luôn xanh tốt, cho năng suất cao, hằng năm đều vượt khoán 4-5 tấn quả tươi. Doanh nghiệp tín nhiệm đưa vợ chồng chị vào Đội Dịch vụ tư vấn kỹ thuật cưa ghép cải tạo vườn cà phê kinh doanh kém hiệu quả, đi phổ biến kinh nghiệm đến các đội sản xuất.

Một cách đầu tư khác, có tính khả thi cao là của chị Trần Thị Hương, công nhân Đội sản xuất số 6. Bên cạnh nguồn vốn vay không tính lãi, năm 2017, gia đình chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng 100 triệu đồng đầu tư vào trang trại nuôi lợn. Từ 2 con lợn nái, chị đã nhân dần đàn lợn giống của mình. Năm 2019, trang trại của chị đã có 10 con lợn nái và 60-70 con lợn thịt. Mỗi lần lợn nái sinh sản, ngoài bán giống cho người dân, số còn lại chị nuôi làm lợn thịt, mỗi năm xuất chuồng khoảng 3,5 tấn lợn, cho thu nhập 140-160 triệu đồng. Thêm vào đó, chị đầu tư nuôi dê, gà, hươu và trồng 500 cây cà phê. Trừ hết chi phí, gia đình chị thu lợi khoảng 180-200 triệu đồng/năm, trả được số nợ vay và đang vươn lên làm giàu.

Những cách thức làm giàu chính đáng của chị Trung, chị Hương đã và đang được nhiều hộ công nhân của Công ty TNHH MTV Cà phê 15 học tập, làm theo.

Bài và ảnh: BẮC HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/thanh-cong-tu-dam-nghi-dam-lam-611637