Thành công từ triết lý 'nuôi dưỡng nguồn thu bền vững'

4 năm qua, việc miễn giảm thuế với tổng số tiền lên đến hơn 800 nghìn tỷ đồng là một minh chứng cho nỗ lực của ngành Tài chính, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu hơn 940 nghìn tỷ đồng, điều này khẳng định thêm rằng, triết lý 'nuôi dưỡng nguồn thu bền vững' thay vì 'siết thu' đã mang lại thành công đáng ghi nhận trong công tác quản lý thuế do cơ quan thuế được giao quản lý.

Chiều 18/12/2024, Hội thảo “Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững" do Bộ Tài chính chủ trì, Tổng cục Thuế phối hợp Báo Lao Động tổ chức diễn ra tại Trụ sở Báo Lao động - Hà Nội. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Tổng cục Thuế, lãnh đạo một số ban ngành liên quan, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp.

Đồng hành cùng doanh nghiệp tạo nguồn thu bền vững

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hiển - Tổng Biên tập Báo Lao động cho rằng, trong nhiều năm qua, chính sách thuế đã thể hiện rõ nét quan điểm kiến tạo và hỗ trợ phát triển kinh tế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T. Thế

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T. Thế

4 năm qua, việc miễn giảm thuế với tổng số tiền lên đến hơn 800 nghìn tỷ đồng là một minh chứng cho nỗ lực của ngành Tài chính, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình. Triết lý "nuôi dưỡng nguồn thu bền vững" thay vì "siết thu" đã mang lại thành công đáng ghi nhận: Tổng thu ngân sách nhà nước vượt chỉ tiêu hơn 940 nghìn tỷ đồng.

Điều này khẳng định vai trò của ngành Thuế vượt khỏi khuôn khổ đơn thuần là cơ quan thu ngân sách, đã đóng góp quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tinh thần cầu thị, lắng nghe và tiếp thu ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp, cá nhân được coi trọng, hướng đến việc không ngừng hoàn thiện hệ thống thuế, nâng cao hiệu quả thu và đảm bảo nguồn thu bền vững trong dài hạn.

Tổng Biên tập Báo Lao động Nguyễn Ngọc Hiển phát biểu tại họi thảo. Ảnh: T. Thế

Tổng Biên tập Báo Lao động Nguyễn Ngọc Hiển phát biểu tại họi thảo. Ảnh: T. Thế

Tổng Biên tập Báo Lao động cho biết, Hội thảo “Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững” mong muốn tạo diễn đàn để cơ quan quản lý, giới chuyên gia, doanh nghiệp…, cùng nhau thảo luận, phân tích và đề xuất các giải pháp nhằm tối ưu chính sách thuế, hướng tới một nền tài chính bền vững cho sự phát triển lâu dài của đất nước.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang trải qua những biến động mạnh mẽ, việc đảm bảo thu ngân sách bền vững là nhiệm vụ then chốt đối với mỗi quốc gia. Thu ngân sách không chỉ là nguồn lực chính để Nhà nước thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình, mà còn là nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế.

Trên cơ sở mục tiêu kế hoạch tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội, hàng năm Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ, Quốc hội giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) cho các địa phương và chỉ đạo cơ quan thuế tổ chức triển khai thực hiện hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho rằng, với tiến độ thực hiện thu NSNN như hiện nay, nếu tính cả dự toán năm 2025 mà Quốc hội, Chính phủ giao tại Nghị quyết 159/2024/QH15 ngày 13/11/2024, thu NSNN giai đoạn 2021-2025 cán đích trên 9 triệu tỷ đồng, đảm bảo hoàn thành mục tiêu kế hoạch tài chính ngân sách đề ra tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ huy động vào NSNN đạt khoảng 16% - 17% GDP, trong đó thu từ thuế, phí đạt trên 14% GDP, thu do cơ quan thuế quản lý tính đến cuối năm 2025 dự báo sẽ đạt trên 86% tổng thu NSNN.

Tổng thu NSNN năm 2024, do cơ quan thuế quản lý ước vượt 16,5% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023; đây là năm đầu tiên số thu ngành Thuế quản lý vượt mốc trên 1,7 triệu tỷ đồng.

Như vậy, tính từ năm 2021 đến hết năm 2024, tổng thu NSNN ước đạt khoảng 7,2 triệu tỷ đồng, đạt 86,5% so mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 là 8,3 triệu tỷ đồng, trong đó: tổng thu do cơ quan thuế quản lý lũy kế 2021 - 2024 ước đạt khoảng 6,1 triệu tỷ đồng, bằng 119% so với dự toán, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn khoảng 8,6%/năm.

Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận đánh giá cao

Lãnh đạo Tổng cục Thuế thông tin, năm 2025, là năm cuối cùng thực hiện kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn 2021-2025, để phấn đấu hoàn thành mục tiêu đề ra, ngành Thuế sẽ tiếp tục chủ động tham mưu cho Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội, Chính phủ ban hành các giải pháp điều hành, các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời, hiệu quả những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế từ đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn thu bền vững cho NSNN, hoàn thành toàn diện các mục tiêu ngành Tài chính đề ra.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: T. Thế

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: T. Thế

Đồng thời, tiếp tục tập trung xây dựng ngành thuế Việt Nam tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ công chức thuế ngày càng chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính, theo đúng tinh thần của Đảng, Nhà nước tại Nghị quyết số 18/NQ-TW và theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã giao cho ngành, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại và phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, năm 2024 tiếp tục là một năm có có nhiều khó khăn, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp vừa phải phản ứng với những biến động khó lường của thị trường thế giới; vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, nhất là ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ… Tính chung 11 tháng năm 2024, cả nước đã có tới 173,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước.

"Bộ Tài chính cũng đã chủ động thực hiện những bước tiến lớn trong công tác cải cách hiện đại hóa trên mọi lĩnh vực, được người dân, doanh nghiệp và tổ chức đánh giá cao, luôn là cơ quan liên tục đi đầu về đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" - ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đầy khó khăn này, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận các cơ quan Nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp trong khắc phục những khó khăn, củng cố niềm tin và giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi, ổn định và gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong đó, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản sửa đổi phù hợp về thuế, quy trình thủ tục, tham mưu ban hành các chính sách kịp thời về miễn, giảm, gia hạn về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất như báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước quốc hội vừa qua, tiếp tục đẩy mạnh cơ chế hợp tác doanh nghiệp với các cơ quan thuế, hải quan.

Nhiều năm liền, Bộ Tài chính liên tục nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu bảng xếp hạng về Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

“Đặc biệt, đối với công tác đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với VCCI tổ chức các chương trình đối thoại, giải đáp các khó khăn, vướng mắc phát sinh của cộng đồng doanh nghiệp từ năm 2005 đến này. Hàng chục ngàn lượt doanh nghiệp đã có cơ hội tiếp xúc, trao đổi, làm rõ các vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh” - ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh./.

Văn Tuấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thanh-cong-tu-triet-ly-nuoi-duong-nguon-thu-ben-vung-166657.html