Thành công với mô hình 'cá sông trong ao'
Không lùi bước trước khó khăn, quyết tâm phát triển kinh tế, làm giàu trên đồng đất quê hương, lão nông Kim Đình Úp, 65 tuổi, thôn Yên Lạc I, xã Đồng Văn (Yên Lạc) - người tiên phong dám nghĩ, dám làm, thành công với mô hình phát triển kinh tế V.A.C, nhất là mô hình “cá sông trong ao”. Nhiều năm ông được tôn vinh “nông dân xuất sắc” cấp tỉnh và quốc gia.

Mô hình "cá sông trong ao" của gia đình ông Kim Đình Úp, xã Đồng Văn (Yên Lạc) đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến xã Đồng Văn hỏi thăm lão nông Kim Đình Úp, ai cũng biết và khâm phục tinh thần vượt khó làm V.A.C hiệu quả của ông, nhất là mô hình “cá sông trong ao” những năm vừa qua.
Ông Úp cho biết, ba mươi năm trước, gia đình ông nhận thầu khu Đầm Răm rộng gần 10 ha là đất 5% của HTX nông nghiệp để khoanh vùng thả cá kết hợp cấy lúa 1 vụ và trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ trên bờ.
Vốn được đào tạo kỹ sư nông nghiệp chính quy, lại có đức tính chịu khó học hỏi kinh nghiệm cộng với sự hỗ trợ kỹ thuật, giống của Trung tâm Khuyến nông tỉnh theo từng thời kỳ, trang trại của gia đình ông Úp nhanh chóng phát triển thành khu V.A.C có quy mô lớn nhất so với các trang trại trong xã, đảm bảo kỹ thuật để thả cá.
Với cách đầu tư khép kín kết hợp giữa chăn nuôi gà, lợn với thả cá, mỗi năm, trang trại cho thu hoạch 2 lứa cá và lợn, sau khi trừ chi phí thức ăn, công chăn nuôi, lãi vài chục triệu đồng.
Góp gió thành bão, thời điểm trước năm 2020, trang trại gia đình ông Úp luôn có hàng chục lao động làm việc với mức thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhất là giá trứng và thực phẩm gia cầm xuống thấp, ông ngừng chăn nuôi gia cầm và chỉ tập trung nuôi trồng thủy sản.
Năm 2019, được hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật của Trung tâm Thủy sản Vĩnh Phúc (nay là Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Úp triển khai mô hình nuôi “cá sông trong ao” đầu tiên tại xã.
Quy mô khu đầm rộng gần 8 ha thả cá thương phẩm, được thiết kế bài bản, khoa học, xung quanh bờ ao được kiên cố hóa và trồng cây. Trong đó, ông Úp ngăn các ao theo từng loại cá, trong ao lắp đặt hệ thống tạo oxy, cấp và thoát nước điều khiển hoàn toàn tự động như máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy... hoạt động 24/24 giờ, tạo thành trục sông có tường bê tông ngăn nước, tạo sóng và dòng chảy tuần hoàn, nước luôn lưu chuyển khắp ao, bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá nên ít mắc bệnh và năng suất tăng hơn thông thường.
Cá lồng vẫn trong ao nuôi truyền thống, nhưng cá được nuôi trong bể hình chữ nhật, đáy bằng bê tông, tường xây gạch, xung quanh quây lưới, chiều rộng mỗi bể 5m, chiều dài 20 m và sâu 2m. Một đầu bể lắp hệ thống bơm nước, kết hợp sục không khí. Đầu còn lại lắp lưới ngăn cá và hệ thống lắng phân của cá cùng các chất thải khác, được hút ra ngoài theo định kỳ, mỗi lồng quy mô 100 m2 với chi phí đầu tư gần 1 tỷ đồng. Trong bể nuôi chủ yếu là cá đặc sản, giá trị kinh tế cao như cá nheo, cá bò, cá trắm đen... với mật độ nuôi trong bể gấp 10 lần so với mức thông thường, cá vẫn phát triển nhanh và “hoàn toàn sạch”.
Theo ông Úp, nuôi cá lồng ưu điểm là quản lý được đầu vào và đầu ra, quản lý được nguồn thức ăn, dịch bệnh, thậm chí cả thời tiết bất lợi khi mưa to, gió lớn vẫn không lo bị vỡ lồng, mất cá. Mô hình “cá sông trong ao” cho thu hoạch từ 1 - 2 lứa/năm, thời điểm thu hoạch chủ yếu vào tháng Giêng âm lịch, khi đó các ao hồ đã thu hoạch xong nên giá trị cá thương phẩm cao hơn từ 10 - 15% giá bán thông thường. Bình quân mỗi năm, 2 bể cho thu từ 70 - 80 tấn, với giá bán từ 120 - 150 nghìn đồng/kg cá nheo thương phẩm. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi mỗi năm từ 200 - 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, hiện nay ông Úp chỉ duy trì 2 lồng và hơn 7 ha nuôi cá đầm với sản lượng khoảng 80 tấn cá thương phẩm/năm mà chưa thể mở rộng vì tuổi đã cao, con cháu đều đi làm các ngành nghề khác. Ông Úp mong muốn tiếp tục được hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật, thuốc phòng dịch bệnh để duy trì và phát triển mô hình V.A.C hiệu quả hơn, nhất là mô hình nuôi cá đặc sản “cá sông trong ao”, tiến tới phát triển mô hình du lịch trải nghiệm nhà nông.