Mong muốn đưa 'đặc sản nhà làm' ra thế giới
Thịt chua Thanh Sơn - món đặc sản của đồng bào dân tộc Mường - đang dần được nhiều người tiêu dùng biết đến. Từ món ăn dân dã quê hương mình, chị Hà Thị Ngọc Điệp, Phó Giám đốc Hợp tác xã thịt chua Thanh Sơn (Phú Thọ), đã khởi nghiệp thành công.

Chị Hà Thị Ngọc Điệp (thứ 2 từ phải sang), Phó Giám đốc Hợp tác xã thịt chua Thanh Sơn (Phú Thọ)
Từ căn bếp truyền thống đến nhà xưởng hiện đại
Thịt chua vốn là "đặc sản nhà làm" trong các gia đình người Mường ở huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ). Thịt được ướp với thính và lên men tự nhiên, ăn kèm lá sung, lá đinh lăng… tạo nên một hương vị đặc trưng, chua thanh, thơm bùi.
"Trước đây, món ăn truyền thống này chỉ được sản xuất nhỏ lẻ, mang tính thủ công, phục vụ trong phạm vi làng xã, hoặc thông qua bạn bè giới thiệu ra các tỉnh lân cận. Sản lượng ít, mẫu mã bao bì đơn giản, đó là những lý do khiến thịt chua khó tiếp cận đến đông đảo người tiêu dùng.
Tôi từng trăn trở rất nhiều khi thấy thịt chua được ưa thích mà lại chỉ loanh quanh ở địa phương. Tôi nghĩ, tại sao đặc sản của dân tộc mình lại không thể đi xa hơn?", chị Hà Thị Ngọc Điệp nhớ lại.

Người lao động làm việc tại Hợp tác xã thịt chua Thanh Sơn phần lớn là phụ nữ dân tộc thiểu số ở địa phương
Chính câu hỏi ấy đã thôi thúc chị thành lập Hợp tác xã (HTX) thịt chua Thanh Sơn - Phú Thọ vào năm 2019, với quyết tâm nâng tầm sản phẩm địa phương.
Bí quyết khởi nghiệp của chị Hà Thị Ngọc Điệp:
-Đam mê và thực sự yêu mến sản phẩm.
-Chịu khó học hỏi người đi trước.
- Cạnh tranh bằng cách giữ uy tín thương hiệu, luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, thực hiện đúng quy trình sản xuất, trong đó an toàn thực phẩm là khâu then chốt nâng tầm chất lượng sản phẩm.
Ban đầu, HTX đối mặt với muôn vàn khó khăn: Thiếu vốn đầu tư, kinh nghiệm quản lý sản xuất còn hạn chế, máy móc thô sơ… Nhưng với sự quyết tâm và sự đồng lòng của các thành viên, đặc biệt là vai trò điều hành, kết nối của chị Điệp, HTX đã dần vượt qua thử thách.
Dưới sự điều hành của chị Điệp, HTX đã từng bước chuyên nghiệp hóa toàn bộ quy trình sản xuất. "Chúng tôi xác định, để đưa món ăn truyền thống ra thị trường lớn, điều đầu tiên phải là chất lượng và an toàn thực phẩm. Vì thế, khâu chọn nguyên liệu là thịt lợn sạch, rõ nguồn gốc và bí quyết pha chế thính, gia vị được thực hiện rất nghiêm ngặt", chị Điệp chia sẻ.
Tại HTX thịt chua Thanh Sơn, hiện có hơn 10 lao động làm việc thường xuyên, phần lớn là phụ nữ dân tộc thiểu số ở địa phương. Mỗi người tham gia một công đoạn: người sơ chế, người trộn thính, người đóng gói… với thu nhập ổn định từ 5 triệu đến 6 triệu đồng/tháng. "Chúng tôi không muốn chỉ làm giàu cho bản thân mà muốn cả cộng đồng cùng đi lên. Khi người dân, đặc biệt là phụ nữ vùng cao, được làm việc có thu nhập ổn định thì sẽ giảm phụ thuộc và tự tin hơn", chị Hà Thị Ngọc Điệp nói.
Trong khu vực nhà xưởng của HTX, từng khu vực chế biến, sản xuất đều được phân tách rõ ràng. Nhà xưởng khép kín, được đầu tư trang thiết bị hiện đại như máy trộn, máy thái, máy hút chân không, kho ủ lên men và kho lạnh bảo quản sản phẩm.
Bao bì sản phẩm cũng được chị Điệp cải tiến với đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc, hạn sử dụng, mã QR tiện lợi cho người tiêu dùng. Đặc biệt, sản phẩm được đa dạng hóa với nhiều loại: thịt chua truyền thống, thịt chua tỏi ớt... giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn phù hợp khẩu vị.

Sản phẩm của Hợp tác xã thịt chua Thanh Sơn
Không chỉ tập trung sản xuất, chị Hà Thị Ngọc Điệp còn xây dựng được hệ thống phân phối vững chắc. Từ chỗ chỉ bán quanh vùng, nay HTX đã có 15 nhà phân phối, 30 đại lý ở 15 tỉnh, thành phố. Sản phẩm của HTX hiện đã có mặt trên sàn thương mại điện tử, đến gần hơn với người tiêu dùng thành thị.
Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho phụ nữ địa phương
Từ một món ăn truyền thống, chị Hà Thị Ngọc Điệp đã không ngừng đổi mới, cải tiến từ chất lượng đến mẫu mã sản phẩm. Món thịt chua Thanh Sơn đã trở thành sản phẩm OCOP, góp phần giới thiệu nét ẩm thực của Phú Thọ đến với người yêu ẩm thực khắp nơi.
Không dừng lại ở những thành quả hiện tại, chị Hà Thị Ngọc Điệp và HTX đang ấp ủ nhiều kế hoạch trong tương lai: xây dựng vùng nguyên liệu sạch, mở rộng nhà xưởng đạt chuẩn xuất khẩu, tham gia các hội chợ quốc tế, đưa sản phẩm ra nước ngoài phục vụ kiều bào và người yêu ẩm thực Việt.
HTX thịt chua Thanh Sơn đã nhận được sự đồng hành của các cấp Hội phụ nữ và chính quyền địa phương, tham gia các hội nghị kết nối cung-cầu, các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đến nhiều tỉnh, thành.
"Chúng tôi đang học hỏi mô hình sản xuất hiện đại, đầu tư thêm cho khâu nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Tôi tin rằng, thịt chua nếu được giữ đúng hồn cốt truyền thống và cải tiến công nghệ phù hợp thì hoàn toàn có thể có chỗ đứng trên thị trường quốc tế", chị Điệp bày tỏ kỳ vọng.
Bằng tâm huyết và sự kiên trì, bền bỉ, chị Hà Thị Ngọc Điệp đang truyền cảm hứng cho những người phụ nữ vùng cao tự tin khởi nghiệp, góp phần làm giàu cho quê hương.
Năm 2019, đặc sản thịt chua của HTX thịt chua Thanh Sơn đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp chứng nhận và trao cúp là sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ. Từ năm 2020, sản phẩm đã được công nhận đạt OCOP 3 sao của tỉnh Phú Thọ, một bước ngoặt giúp sản phẩm tiếp cận các hệ thống siêu thị như Coopmart, Vinmart, Big C…
Địa chỉ HTX: Số nhà 70B, phố Hạ Sơn, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ. Điện thoại: 0974.701.180.