Thành đoàn Lạng Sơn: Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệpTin khácGia đình nhiều thế hệ: Lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thốngChương trình 'Tiếp sức mùa thi': Nhân lên những hành động đẹp

Tư vấn hướng nghiệp, định hướng cách làm hay, hướng đi mới phù hợp với điều kiện thực tế trên địa bàn thành phố và năng lực của đoàn viên thanh niên (ĐVTN), Thành đoàn Lạng Sơn đã và đang nỗ lực đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp.

Theo thống kê của Thành đoàn Lạng Sơn, toàn thành phố hiện có 23 mô hình thanh niên làm kinh tế cho thu nhập từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho gần 60 lao động địa phương với thu nhập 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Các mô hình kinh tế chủ yếu tập chung vào lĩnh vực như: kinh doanh dịch vụ in ấn và quảng cáo, đồ ăn uống, trồng nho, dâu tây thương phẩm kết hợp với du lịch trải nghiệm, kinh doanh và chăm sóc chó cảnh, giặt là, trồng rau mầm, chăm sóc sắc đẹp…

Mô hình trồng nho của đoàn viên Hoàng Hải Phòng, thôn Khòn Pát, xã Mai Pha tạo viên làm cho 3 lao động

Mô hình trồng nho của đoàn viên Hoàng Hải Phòng, thôn Khòn Pát, xã Mai Pha tạo viên làm cho 3 lao động

Điển hình như mô hình trồng nho, dâu tây của anh Hoàng Hải Phòng, thôn Khòn Pát, xã Mai Pha, anh Phòng cho biết: Gia đình tôi phát triển mô hình trồng nho và dâu tây kết hợp với du lịch sinh thái từ năm 2019 với quy mô hơn 1 ha, bên cạnh kinh doanh thành phẩm quả nho và quả dâu tây tôi còn kết hợp cung cấp cây giống cho người dân trong và ngoài tỉnh. Mô hình này giúp tôi có thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 3 lao động với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Trong quá trình triển khai mô hình, Thành đoàn đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc quảng bá mô hình, nhờ đó, tôi có nhiều khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sản phẩm.

Anh Lương Thành Trung, Phó Bí thư Thành đoàn Lạng Sơn cho biết: Trong phát triển kinh tế, bên cạnh những khó khăn chung như: vốn, kinh nghiệm khởi nghiệp thì thanh niên trên địa bàn thành phố còn gặp những khó khăn riêng như: với mô hình gắn với nông nghiệp thì thiếu quỹ đất, mô hình kinh doanh dịch vụ, du lịch thì trên địa bàn tỉnh chưa có các điểm du lịch có thể giữ chân khách lâu. Thời gian khách đến tham quan, du lịch chỉ từ 1 buổi đến 1 ngày nên việc tập trung phát triển các dịch vụ phục vụ đối tượng này chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, Thành đoàn đã tuyên truyền, định hướng cho đoàn viên phát triển mô hình kinh tế phù hợp với tình hình thực tế và năng lực của đoàn viên.

Từ năm 2020 đến nay, Thành đoàn đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên các phường, xã phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung chỉ đạo, đôn đốc các đoàn cơ sở xã, phường quản lý hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 13,276 tỷ đồng với 324 hộ vay. Thành đoàn Lạng Sơn đã phối hợp tổ chức tập huấn nghiệp vụ nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, nâng cao năng lực hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho 25 lượt bí thư, phó bí thư đoàn phường, xã cử 30 lượt ĐVTN tham gia hội nghị tập huấn trực tuyến trang bị kiến thức về phát triển kinh tế do Trung ương Đoàn tổ chức. Cùng đó, thành đoàn duy trì 8 câu lạc bộ, tổ hợp tác thanh niên phát triển kinh tế tại các xã, phường với hơn 50 đoàn viên thanh gia.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, thành đoàn tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho hơn 5.600 ĐVTN trên địa bàn; giới thiệu việc làm cho gần 600 lượt ĐVTN; tổ chức 2 lớp dạy nghề chăn nuôi cho 70 học viên, hỗ trợ 26 đoàn viên tiếp cận nguồn vốn giải quyết việc làm, nhận học bổng đào tạo nghề, triển khai dự án khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức 5 hoạt động tham quan, học tập mô hình hình kinh tế cho thu nhập cao trên địa bàn tỉnh với hơn 100 ĐVTN tham gia; chọn gửi 6 dự án chất lượng tham gia Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” tỉnh Lạng Sơn.

Đoàn viên Hoàng Thu Trà, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Năm 2020, thông qua tổ chức Đoàn, tôi được tạo điều kiện vay gần 50 triệu đồng để phát triển dự án trồng dâu tây thương phẩm kết hợp với du lịch sinh thái. Bên cạnh hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, tôi còn được Thành đoàn hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, từ đó, mô hình kinh tế của tôi được nhiều người biết đến hơn. Thu nhập của tôi đạt 300 triệu đồng/năm.

Thời gian tới, Thành đoàn Lạng Sơn tiếp tục triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế, đây cũng là cách “giữ chân” thanh niên trên địa bàn tham gia các hoạt động tình nguyện của tổ chức Đoàn, Hội trên địa bàn.

HOÀNG VƯƠNG

TUYẾT MAI - DƯƠNG DUYÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/tin-tuc-kinh-te/435130-thanh-doan-lang-son-dong-hanh-voi-thanh-nien-khoi-nghiep-lap-nghiep.html