Thánh hồ Tây Tạng Yamdrok - Báu vật thiên nhiên với trữ lượng cá khổng lồ

Tây Tạng nổi tiếng là vùng đất huyền bí linh thiêng với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, ấn tượng bậc nhất thế giới. Ở đây còn nổi tiếng về lòng hồ trong vắt và đẹp nhất của xứ Mật Tông, nơi chứa trữ lượng cá thơm ngon nhưng không một ai dám đánh bắt.

Đối với người dân Tây Tạng (Trung Quốc), Yamdrok Yongcuo, Namtso và Manasarovar là ba hồ thánh linh thiêng chứa đựng nhiều điều huyền bí. Người ta cho rằng, những hồ này đã sinh ra sự sống của Tây Tạng. Một trong những hồ đó là Yamdrok Yongcuo - báu vật được thiên nhiên ban tặng có màu ngọc bích nằm trên cao nguyên Shannan.

Hồ Yamdrok cách Gyantse 90 km về phía Tây, cách thủ phủ Lhasa của Tây Tạng khoảng hơn 100 km về phía Đông Bắc. Theo thần thoại địa phương, hồ Yamdok là do một nữ thần biến thành. Nằm ở độ cao 4.441 m, hồ Yamdrok là lòng hồ xanh nhất đẹp nhất tại xứ sở Mật Tông này.

Hồ Yamdrok Yongcuo còn được gọi là Dương Hồ. Theo thông tin công bố, có một số lượng lớn cá sinh trưởng trong hồ Yamdrok, đặc biệt là loài cá chép cao nguyên, chạch và một số loài quý hiếm khác.

Trữ lượng cá ở đây lên đến triệu tấn, đối với người dân đây không phải là báu vật trời ban hay sao? Nhưng với người dân bản địa, chẳng ai "mặn mà" với những loại cá quý này, không đánh bắt, không ăn, thậm chí còn tôn kính và chăm sóc chúng.

Cảnh đẹp hữu tình tựa chốn bồng lai

Hồ Yamdrok giống như một xứ sở thần tiên, bầu trời xanh ngắt tương phản với nước hồ, cỏ cây thấp chen nhau đôi bờ. Thỉnh thoảng, có mấy con bò yak và cừu đi qua đi lại.

Yamdrok trong tiếng Tạng mang nghĩa "hồ lam ngọc", cái tên này gắn liền với màu xanh ngọc ấn tượng của mặt hồ phẳng lặng này. Có lẽ màu sắc này là gắn liền với sự kiên xảy ra vài triệu năm về trước, khi trận tuyết lở kết hợp bùn đá lấp đi cửa sông thông với hồ, làm nơi đây trở thành một hồ nước tù tự nhiên.

"Mảng màu" làm ngọc này che phủ 638 km vuông một vùng cao nguyên khô cằn, lạnh lẽo. Bên cạnh hồ là thiền viện Samding nổi tiếng (đây là thiền viện duy nhất có sư trụ trì là nữ).

Đến với nơi đây, mọi người có thể trút bỏ muộn phiền và mệt mỏi, tất cả sẽ được gió cuốn đi, chỉ còn lại sự tĩnh lặng cùng mặt hồ yên ả. Nhìn lên là bầu trời xanh thẳm, cúi xuống là những đám sỏi, tảng đá phủ đầy rêu ven hồ. Hồ Yamdrok rất rộng tựa như thiên đường trên Trái đất.

Dương Hồ kết nối sâu sắc với cuộc sống của người dân Tây Tạng. Hồ Yamdrok đi vào những bài ca dân gian của người Tạng. Hiện tại, vẫn còn rất nhiều đống mani bên hồ. Đây là một nghi lễ cổ xưa được những người chăn gia súc dùng để cầu phúc và xua đuổi tà ma.

So với nơi khác, Tây Tạng là một trong ít những thánh địa không bị ảnh hưởng bởi quá trình công nghiệp hóa, nhờ vậy mà hồ Yamdrok vẫn giữ được sự nguyên sơ thành kính nhất.

Hồ Yamdrok có diện tích rất lớn khoảng hơn 670 km2 và độ sâu từ 30 đến 60 m. Hồ Yamrock có hình con bọ cạp. Nhìn từ xa nước hồ xanh ngắt, ma mị dưới ánh nắng và bầu trời trong xanh. Nhưng khi đi xuống phía dưới, nước hồ dần chuyển màu xanh lục, và khi ngang mặt hồ thì có vẻ màu chính xác lại là xanh lục.

Xung quanh hồ là con đường uốn khúc mềm mại tựa như một chiếc khăn. Bên hồ là những đống đá nhỏ mà người mộ đạo xếp khi đi hành hương đến đây.

Hồ Yamdrok Yongcuo không chỉ được biết đến là hồ thiêng nơi các vị thần linh trong Phật giáo Tây Tạng ngự lãm, nơi đây là điểm đến của nhiều người hành hương mà còn là vựa cá chép cao nguyên dồi dào lên đến hàng chục tấn.

Trữ lượng cá khổng lồ

Hàng nghìn năm trôi qua, ngày càng có nhiều cá sinh sôi ở hồ Yamdrok. Người ta đã ước tính trữ lượng lên đến triệu tấn cá. Nghe có vẻ cường điệu nhưng các nhà khoa học sau khi khảo sát thực địa cũng cho rằng diện tích hồ có thể chứa được nhiều cá như vậy.

Cá chép, chạch nhiều vô kể, đặc biệt là loài cá chép cao nguyên có khả năng sinh sản mạnh mẽ. Số lượng trứng mỗi lần đẻ tối thiểu có thể lên tới vài nghìn con trong tổ.

Cá chép cao nguyên là loài cá mang lại giá trị kinh tế cao ở các hồ cao nguyên phía Nam Tây Tạng. Thịt cá dày, thơm ngon nên rất nhiều người tỏ ra ghen tị với nguồn thực phẩm đầy dinh dưỡng này của người Tây Tạng.

Loài cá không ai dám ăn

Trên thực tế, nhiều khi nước hồ lên có thể đánh bắt cá chép bất cứ lúc nào, nhưng dân địa phương không bao giờ thả lưới. Họ không ăn, cũng không bán cá ra bên ngoài.

Cá chép trong hồ được coi như linh vật của hồ Yamdrok vậy. Nhiều người cho rằng, chúng là vật sủng của thần linh, làm người phàm nên không dám chạm vào chúng.

Có nhiều lý do khiến người Tây Tạng không ăn cá trong hồ

Thói quen ăn uống của người dân bản địa: Cá là món ngon chẳng thể cưỡng lại được, nhưng với người dân Tây Tạng, với lịch sử lâu đời chăn nuôi bò yak và cừu, thịt bò yak khiến họ quan tâm nhiều hơn. Hầu hết, người dân ở Tây Tạng không ăn cá và cũng hiếm khi nhìn thấy cá trên bàn ăn của người Tạng.

Phong tục chôn cất đặc biệt - Thủy táng: Đối với những người sống trong đất liền thì địa táng hoặc hỏa táng là phương thức chôn cất chủ yếu. Cuộc sống hiện đại ngày càng tiến bộ, con người dần chuyển sang phương thức hỏa táng nhiều hơn.

Còn người dân Tây Tạng có nhiều cách chôn cất hơn, chẳng hạn như thiên táng và mộc táng (chôn cất trên cây). Nhưng thủy táng là phong tục được dùng nhiều nhất.

Yamdrok là hồ thánh trong lòng người dân, nghiễm nhiên đây là nơi thủy táng tốt nhất. Đừng vội nhìn những con cá bơi tung tăng trong hồ như vậy mà nghĩ chúng chỉ ăn rong rêu, phù du. Ngoài những thức ăn đó, chúng cũng có "thức ăn nhanh" khi con người thực hiện thủy táng.

Cá chứa chất độc: Đừng nghĩ mặt nước trong xanh, mát lành ở Yamdrok thân thiện như bề ngoài. Không giống với nhiều hồ khác, hồ Yamdrok là hồ chứa kiềm điển hình. Nhiệt độ thấp quanh năm, các sinh vật trong hồ khó có thể thực hiện quang hợp hiệu quả. Bởi vậy, cá trong hồ để sinh tồn tốt khó tránh khỏi nuốt phải những chất độc hại từ địa chất.

Thêm vào đó, một số dòng khí ô nhiễm theo gió mùa từ Thanh Hải thổi vào hồ, điều này cũng gây ra một số độc tố nhất định ảnh hưởng đến cá.

Minh Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thanh-ho-tay-tang-yamdrok--bau-vat-thien-nhien-voi-tru-luong-ca-khong-lo-5688404.html