Thanh Hóa cần chính sách thu hút các trường Đại học lớn
Dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện NQ 29-NQ/TW, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị Thanh Hóa cần thu hút các trường ĐH lớn, mở phân hiệu.
Chiều 1/8, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cùng đoàn công tác Bộ GD&ĐT.
Nhiều thành tựu nổi bật
Tại Hội nghị, ông Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa trình bày báo cáo tóm tắt thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW với nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.
Cụ thể, quy mô mạng lưới trường, lớp các cấp học trên địa bàn tỉnh được rà soát, sắp xếp hợp lý, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Tỷ lệ phòng học kiên cố, trường đạt chuẩn quốc gia tăng qua từng năm học. Hiện, toàn tỉnh Thanh Hóa có 25.037/28.202 phòng học kiên cố, đạt tỷ lệ 89%; có 1.688/2.012 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 83,89%.
Cùng với cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tăng cường về cả số lượng và chất lượng với cơ cấu ngày càng hợp lý, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.
Đặc biệt, toàn ngành đã tập trung thực hiện đổi mới đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD&ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá đồng bộ với đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học.
Đồng thời, thực thi nhiều giải pháp triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Qua đó góp phần quan trọng vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn.
Qua thống kê, tỷ lệ HS khá, giỏi ngày càng tăng, tỷ lệ HS yếu kém giảm qua từng năm học; tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT bình quân hàng năm đạt 98% trở lên. Thứ hạng điểm trung bình Kỳ thi tốt nghiệp THPT toàn tỉnh tăng từ 52 lên thứ 21 trong số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đặc biệt, tỷ lệ HS Thanh Hóa đoạt giải HS giỏi quốc gia luôn nằm trong top 10 đơn vị dẫn đầu trên toàn quốc. Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29/NQ-TW, Thanh Hóa có 717 HS đoạt giải HS giỏi quốc gia (39 giải Nhất, 203 giải Nhì, 267 giải Ba, 208 giải Khuyến khích); có 20 HS đoạt giải quốc tế, trong đó có 7 HCV, 8 HCB, 4 HCĐ và 1 bằng khen; có 8 HS đoạt giải quốc tế, khu vực, gồm 2 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ và 1 Bằng khen.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Văn Thức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau 10 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, mặc dù còn nhiều khó khăn thách thức về tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, cơ sở vật chất, tổ chức thực hiện chương trình giáo dục 2018,... nhưng ngành Giáo dục Thanh Hóa đã có những chuyển biến quan trọng.
“Quy mô và mạng lưới trường, lớp các cấp học, bậc học phát triển đều khắp trên các địa bàn. Đặc biệt, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng lên rõ rệt. Khoảng cách chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa nông thôn và thành thị được thu hẹp.
Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được củng cố, kiện toàn, cơ bản đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đáp ứng được yêu cầu đổi mới công tác quản lý, đổi mới công tác dạy và học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới”, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức nhấn mạnh.
“Thanh Hóa cần thu hút các trường ĐH lớn”
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao những thành tựu mà Thanh Hóa đã đạt được trong thời gian qua.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, Giáo dục và Đào tạo của Thanh Hóa tương đối đầy đủ và toàn diện.
“Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, đặc thù là đồng bào dân tộc thiểu số đông, tỉ lệ học sinh khu vực miền núi cao đặt ra thách thức cho giáo dục tỉnh nhà. Tuy nhiên, tỉ lệ đi học đúng độ tuổi tiểu học và Trung học cơ sở rất cao, tỉ lệ kiên cố hóa trường lớp như vậy là một nỗ lực rất lớn của tỉnh”, Thứ trưởng đánh giá.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cũng cho rằng, tỉ lệ trường chuẩn quốc gia THPT của Thanh Hóa thấp; tỉ lệ phòng học tin học, ngoại ngữ, trang thiết bị; tỉ lệ trường tư thục của Thanh Hóa còn thấp, chưa có trường có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị Thanh Hóa nên tính toán xem nên thu hút các trường ĐH lớn ở Hà Nội mở phân hiệu ở Thanh Hóa…
"Tỉnh không tốn ngân sách mà chỉ hỗ trợ mặt bằng. Thực tế nhiều trường ĐH lớn đã mở phân hiệu một số tỉnh. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nên suy nghĩ về vấn đề này, nhất là các ngành gắn với kinh tế của tỉnh như ngành công nghiệp”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nêu quan điểm.
Tại Hội nghị, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết, giáo dục miền núi trên địa bàn Thanh Hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý là từ năm 2021 đến nay, thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, khu vực miền núi tỉnh ta có 74 xã không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn, dẫn đến dừng hưởng một số chính sách, làm cho khó khăn hơn...
“Hiện nay, Thanh Hóa đang vận động chương trình “Bữa cơm cho em” và một số chương trình khác, tuy nhiên đây chỉ là những hoạt động cục bộ, không toàn diện. Vừa qua nghe đề xuất của Hội đồng dân tộc, Quốc hội, ý kiến các địa phương, Thủ tướng cũng đã ghi nhận và đang giao cho Bộ GD&ĐT, Ủy ban dân tộc phải khẩn trương triển khai Quyết định 378 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát của Hội đồng dân tộc quốc hội, tháo gỡ các vấn đề trên, rất mong Thứ trưởng quan tâm”, Bí thư Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh.