Thạnh Hóa chuyển đổi cơ cấu cây trồng hướng tới phát triển bền vững

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó trọng tâm là chuyển đổi cây trồng phù hợp đang được Huyện ủy Thạnh Hóa, tỉnh Long An chỉ đạo thực hiện nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo sức bật để vượt khó vươn lên. Qua đó, không những góp phần tăng thu nhập mà còn làm thay đổi tư duy, kỹ thuật canh tác của người dân, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ông Đoàn Văn Tiến mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa

Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ông Đoàn Văn Tiến mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa

Mùa xuân mới, niềm vui mới

Về xã biên giới Tân Hiệp vào những ngày cận tết, chúng tôi thấy nhiều hộ dân trên địa bàn xã tất bật chuẩn bị thu hoạch nông sản để đón năm mới no đủ hơn. Sau hơn 2,5 năm chuyển đổi từ cây lúa sang trồng cây mít xen cây dừa với diện tích 12ha, ông Đoàn Văn Tiến (ấp 3, xã Tân Hiệp) vươn lên làm giàu chính đáng ngay tại mảnh đất của gia đình và xây dựng được cơ ngơi khang trang. Được biết, vườn mít của ông Tiến bắt đầu thu hoạch từ tháng 10-2020 đến nay, bình quân mỗi năm thu hoạch 2 đợt (mỗi đợt kéo dài khoảng 3 tháng). Theo tính toán của ông, cứ mỗi tuần thu hoạch như thế, gia đình thu lợi nhuận từ 70-100 triệu đồng, những lúc được mùa, được giá thì lợi nhuận lên đến 235 triệu đồng. Riêng cây dừa thì dự kiến bắt đầu thu hoạch vào đầu năm 2022.

Giờ đây, mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ông mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Gia đình ông yên tâm đón một cái tết no ấm hơn những năm trước. Ông Đoàn Văn Tiến chia sẻ: “Có được thành công này là do gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, tôi cũng nhận được sự quan tâm, khuyến khích, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương”.

Rời vườn mít và dừa của gia đình ông Tiến, chúng tôi đến thăm vườn bưởi da xanh của gia đình ông Hồ Văn Đực (ấp 2, xã Tân Hiệp). Ông Đực vừa đưa chúng tôi đi tham quan vườn bưởi đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu, vừa chia sẻ: “Gia đình tôi trồng lúa hơn 20 năm nhưng lợi nhuận thấp. Vì vậy, thấy người dân ở Bến Tre trồng bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi đầu tư chuyển đổi 3ha lúa nếp sang cây trồng này, trong đó 1,5ha đang chuẩn bị thu hoạch. Hy vọng, cây trồng này luôn có đầu ra ổn định, mang lại cuộc sống no ấm cho gia đình”.

Hướng đi tất yếu

Những năm gần đây, người dân xã Tân Hiệp nhận thấy trồng lúa chưa bảo đảm tính bền vững và phụ thuộc vào thương lái, thị trường nên quyết định chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Khởi đầu là một vài hộ mạnh dạn đầu tư, học hỏi những vùng lân cận chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây chanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, các hộ dân khác bắt đầu có xu hướng từ làm lúa đủ ăn, đủ mặc, mua sắm máy móc sản xuất bình thường sang mua sắm trang thiết bị hiện đại và chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đến nay, người dân chuyển từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái với gần 350ha bằng mô hình trồng hỗn hợp trên cùng một mảnh vườn với nhiều loại cây đan xen lẫn nhau. Trong đó, nhiều nhất là cây chanh gần 200ha, năng suất bình quân 20 tấn/ha cho một đợt lấy trái. Loại cây ăn trái khác hiện đã cho trái và hiệu quả cao là mô hình trồng cây dừa xen cây bưởi da xanh, bưởi da xanh xen với cây na Thái với gần 30ha; cây mít 40ha; cây sầu riêng gần 45ha được từ 2-5 năm tuổi. Ngoài ra, người dân còn trồng các loại cây ăn trái khác như thanh long, dưa hấu, bơ, vú sữa,... hiện đều phát triển tốt.

Áp dụng chăm sóc cây trồng bằng máy bơm nước tự chế giúp gia đình ông Hồ Văn Đực giảm chi phí lao động

Áp dụng chăm sóc cây trồng bằng máy bơm nước tự chế giúp gia đình ông Hồ Văn Đực giảm chi phí lao động

Theo Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp - Bùi Anh Văn, người dân trồng chanh chăm sóc theo quy trình cây trái sạch nên có hợp đồng với các đơn vị thu mua với giá cả ổn định (từ 8.000-18.000 đồng/kg). Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương vận động thực hiện mô hình kinh tế hợp tác vì lợi ích lâu dài. Đối với cây bưởi, dừa hiện cho năng suất và giá trị kinh tế khá cao, thị trường tiêu thụ rộng và không bị động trong mua bán. Riêng cây dừa thời gian cho trái liên tục trong năm nên người dân trồng loại cây này có kinh tế ổn định. Đối với cây mít, chi phí đầu tư tương đối ít, công chăm sóc nhàn hơn các loại cây trồng khác, diện tích mít được người dân xử lý lấy trái nghịch vụ cho năng suất tương đối khá, giá bán cao. Địa phương có Hợp tác xã Nông nghiệp ấp 4 với 2 điểm thu mua mít và cung cấp cây giống cho nông dân; đồng thời, bao tiêu sản phẩm, cung ứng vật tư, giúp người dân giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận.

Việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị sản xuất, phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện nói chung, Tân Hiệp nói riêng. Tuy nhiên, về chủng loại, cơ cấu cây trồng tại xã còn đa dạng, phân tán khắp địa bàn nên việc quản lý, hỗ trợ nhu cầu kỹ thuật và liên kết tiêu thụ sản phẩm còn khó khăn. Vì vậy, thời gian tới, xã rà soát lại loại cây trồng chủ lực phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất biên giới để quy hoạch và tiến tới phát triển thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã Tân Hiệp được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân

Hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã Tân Hiệp được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa của người dân

Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thực sự đạt đến mục tiêu tạo thành vùng sản xuất hàng hóa, giúp người dân an tâm đầu tư sản xuất, nâng cao thu nhập, ông Bùi Anh Văn đề nghị: “Ngành chức năng cần sớm quy hoạch những khu vực trồng cây ăn trái phù hợp và có những chính sách hỗ trợ để người dân khi chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Đi đôi đó, cần xây dựng hệ thống đê bao, giao thông đường bộ, khu dự trữ nước ngọt và tạo ra được mối liên kết sản xuất - tiêu thụ khép kín. Đặc biệt, cần quan tâm hỗ trợ địa phương mở các lớp tập huấn trồng cây ăn trái; đẩy mạnh công tác chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật nhằm thay đổi tư duy người dân trong trồng trọt, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước”.

Từ một vài diện tích nhỏ, lẻ, đến nay Làng nghề trồng mai vàng Tân Tây đầu tiên của tỉnh được nhiều người biết đến (Ảnh tư liệu)

Từ một vài diện tích nhỏ, lẻ, đến nay Làng nghề trồng mai vàng Tân Tây đầu tiên của tỉnh được nhiều người biết đến (Ảnh tư liệu)

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong huyện nói chung, Tân Hiệp nói riêng quyết tâm thực hiện. Đây là giải pháp nhằm tạo bức tranh nông nghiệp, nông dân và nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc, để mỗi mùa xuân về người dân nơi đây đón năm mới với niềm vui mới./.

Quang Nguyên

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thanh-hoa-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-huong-toi-phat-trien-ben-vung-a128439.html