Thanh Hóa dẫn đầu chương trình '1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19'

Chương trình '1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19' (sau đây gọi là Chương trình 1 triệu sáng kiến) do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động được các cấp công đoàn, cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trong tỉnh tích cực hưởng ứng. Qua đó khơi dậy sự sáng tạo, tinh thần thi đua lao động của CNVCLĐ để có những sáng kiến mang tính ứng dụng cao, đem lại giá trị thiết thực, đóng góp vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Các tập thể, cá nhân điển hình có sáng kiến tiêu biểu và có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai, thực hiện Chương trình 1 triệu sáng kiến được tặng Bằng khen của Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa.

Anh Nguyễn Mạnh Tường, nhân viên phòng kỹ thuật, Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức là một trong 20 cá nhân được Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen vì có sáng kiến tiêu biểu, xuất sắc tham gia Chương trình 1 triệu sáng kiến. Xuất phát từ thực tiễn hiện nay hầu hết các sản phẩm bảng trượt thông minh cung cấp trên thị trường khung bảng trượt dài, chiếm nhiều diện tích của phòng học; gây bất cập cho giáo viên, thậm chí có nguy cơ bị khung bảng chèn vào hông gây mất an toàn, tốn nhiều thao tác của giáo viên khi giảng bài... nên anh Tường đã thực hiện sáng kiến “Cải tiến hệ thống bảng trượt thông minh Hồng Đức”.

Anh Tường cho biết: "Tôi đã nghiên cứu hàng tháng trời để nghĩ ra bảng trượt ứng dụng, được ban lãnh đạo công ty, kỹ thuật giúp đỡ để sản xuất ra sản phẩm tốt nhất. Sau khi có sáng kiến thì mỗi năm công ty bán ra thị trường số lượng bảng trượt thông minh tăng 1.000 cái so với những năm trước, tổng số tiền làm lợi 200 triệu đồng/năm".

Gần 15 năm công tác và gắn bó với Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa cũng là từng ấy thời gian thầy giáo Nguyễn Hữu Thắng, giảng viên Khoa Điện - Điện tử, điện lạnh miệt mài nghiên cứu khoa học, không ngừng tìm tòi sáng tạo trong giảng dạy, có giá trị thực tiễn cao. Những đề tài, sáng kiến, mô hình thiết bị tự làm do thầy dày công nghiên cứu, đều phát huy tốt hiệu quả trong giảng dạy và ứng dụng thực tiễn, giúp người học dễ hiểu, dễ nhớ, tiết kiệm thời gian và chi phí. Tiêu biểu là sáng kiến: “Mô hình cánh tay robot phân loại sản phẩm điều khiển, giám sát, thu thập dữ liệu bằng Smartphone”.

Thầy Thắng cho biết: Đề tài "Mô hình cánh tay robot phân loại sản phẩm điều khiển, giám sát, thu thập dữ liệu bằng Smartphone” được thiết kế chế tạo để tích hợp giữa các module, bài tập theo hệ thống tự động hóa của các dây chuyền sản xuất nhằm giúp người học có thể tổng hợp được các kiến thức và kỹ năng mang tính hệ thống nhằm đáp ứng được các nhu cầu sử dụng tại các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp. Khi dạy và học tập trên mô hình này có thể tiếp cận được với công nghệ mới và có thể điều khiển, giám sát bằng điện thoại thông minh. Trong quá trình dạy và học được tiếp cận với sự chuyển động của các cơ cấu chấp hành, giúp người học dễ hiểu, sinh động và tạo hứng thú trong quá trình dạy và học.

Tính đến ngày 31-8-2023, hệ thống công đoàn các cấp tỉnh Thanh Hóa có 3.655 công đoàn cơ sở với 308.598 đoàn viên công đoàn tham gia cuộc thi trực tuyến Chương trình 1 triệu sáng kiến. Tổng số lượt nộp sáng kiến trên cổng thông tin trực tuyến là 600.175 sáng kiến, vượt chỉ tiêu 514,6% về số lượng sáng kiến hợp lệ và đứng đầu cả nước.

Để thực hiện hiệu quả chương trình 1 triệu sáng kiến, LĐLĐ tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các cấp công đoàn đẩy mạnh thực hiện; đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn các công đoàn cơ sở, CNVCLĐ tích cực hưởng ứng đăng ký sáng kiến tham gia trên phần mềm trực tuyến; gắn vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, các cá nhân là cán bộ công đoàn được phân công trong triển khai, thực hiện chương trình. LĐLĐ tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo, giao các cụm thi đua đôn đốc thực hiện; phân công cử 1 chuyên viên làm công tác quản trị, phụ trách, theo dõi, thường xuyên tổng hợp, báo cáo các sáng kiến, kết quả được thường xuyên cập nhật, đôn đốc nhắc nhở, hỗ trợ các đơn vị tham gia chương trình.

Tính đến ngày 31-8-2023, hệ thống công đoàn các cấp tỉnh Thanh Hóa có 3.655 công đoàn cơ sở với 308.598 đoàn viên công đoàn tham gia cuộc thi trực tuyến Chương trình 1 triệu sáng kiến. Tổng số lượt nộp sáng kiến trên cổng thông tin trực tuyến là 600.175 sáng kiến, vượt chỉ tiêu 514,6% về số lượng sáng kiến hợp lệ và đứng đầu cả nước. Các sáng kiến của đoàn viên, CNVCLĐ tham gia đều có giá trị cao về mặt kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy công tác quản lý, cải cách hành chính, giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp được khôi phục và phát triển với tổng giá trị làm lợi trên 584 tỷ đồng.

Kết quả Chương trình 1 triệu sáng kiến với vị trí đứng đầu toàn quốc của LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa cả 2 giai đoạn cho thấy trí tuệ, sức sáng tạo, ý thức cải thiện, nâng cao năng lực làm việc của người lao động và tinh thần yêu lao động của đội ngũ CNVCLĐ Thanh Hóa. Từ đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực vượt bậc của hệ thống công đoàn, của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trong việc hưởng ứng, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bài và ảnh: Phương Nga

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/thanh-hoa-dan-dau-chuong-trinh-1-trieu-sang-kien-no-luc-vuot-kho-nbsp-sang-tao-quyet-tam-chien-thang-dai-dich-covid-19/196772.htm