Thanh Hóa đầu tư hơn 6.600 tỷ đồng vào khu du lịch Am Tiên

UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Cáp treo Thanh Hóa thực hiện dự án khu dịch vụ du lịch và trục cảnh quan văn hóa tại xã Tân Ninh với tổng vốn đầu tư 6.634 tỷ đồng.

Đường lên đỉnh núi Ngàn Nưa, thuộc quần thể khu du lịch Am Tiên

Đường lên đỉnh núi Ngàn Nưa, thuộc quần thể khu du lịch Am Tiên

UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án khu dịch vụ du lịch và trục cảnh quan văn hóa thuộc quần thể khu du lịch Am Tiên tại xã Tân Ninh, tỉnh Thanh Hóa. Dự án do Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Cáp treo Thanh Hóa làm chủ đầu tư, với tổng vốn hơn 6.634 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm.

CHẤP THUẬN DỰ ÁN LỚN TẠI KHÔNG GIAN DI TÍCH QUỐC GIA

Tổng diện tích đất sử dụng của dự án gần 60ha, nằm trong không gian đã được quy hoạch bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị khu di tích lịch sử khởi nghĩa Bà Triệu giai đoạn 2025 – 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Các hạng mục đầu tư bao gồm công viên chủ đề, khu dịch vụ ẩm thực, khu bán lẻ tổng hợp và các công trình văn hóa cảnh quan hài hòa với địa hình tự nhiên.

Dự án được triển khai theo hai giai đoạn. Phần khu dịch vụ du lịch dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong quý II năm 2028. Phần trục cảnh quan văn hóa sẽ hoàn tất vào quý II năm 2030. Chủ đầu tư cam kết đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường và tuân thủ đầy đủ các điều kiện về quy hoạch, đất đai, bảo vệ di sản và phòng cháy chữa cháy.

Tổng vốn đầu tư 6.634 tỷ đồng được cơ cấu gồm 995,1 tỷ đồng vốn góp của doanh nghiệp và 5.638,9 tỷ đồng vốn huy động. Toàn bộ dự án phải thực hiện đúng tiến độ đã cam kết và chỉ được phép khởi công sau khi hoàn tất các thủ tục thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng và đánh giá tác động môi trường theo quy định.

Dự án được triển khai trên khu vực có rừng tự nhiên và rừng trồng nên UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án. Diện tích rừng bị chuyển đổi là 44,3ha, trong đó có 21,91ha rừng sản xuất và 22,39ha rừng phòng hộ. Về nguồn gốc, gồm 30,24ha rừng trồng và 14,06ha rừng tự nhiên, chủ yếu là rừng keo và rừng nứa.

NỘP TIỀN TRỒNG RỪNG THAY THẾ TRÊN DIỆN TÍCH HƠN 70HA

Căn cứ quy định của Luật Lâm nghiệp, diện tích rừng tự nhiên chuyển đổi được tính hệ số ba, tương đương 42,18ha. Như vậy, tổng diện tích phải nộp tiền trồng rừng thay thế là 72,42ha. Mức đơn giá theo quyết định của UBND tỉnh là 230,15 triệu đồng/ha. Tổng số tiền Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Cáp treo Thanh Hóa phải nộp là 16.667.463.000 đồng.

Thời hạn nộp tiền là 8 ngày kể từ khi quyết định được ban hành. Khoản tiền trên sẽ được chuyển vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, Môi trường và Phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa để ủy thác trồng rừng thay thế đúng diện tích và chủng loại cây theo quy định.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nhà đầu tư sẽ lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. Chỉ sau khi hoàn tất toàn bộ thủ tục liên quan đến đất đai và môi trường, doanh nghiệp mới được phép triển khai xây dựng các hạng mục công trình trên thực địa.

Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ trì kiểm tra, giám sát tiến độ và chất lượng thực hiện các nội dung cam kết. UBND xã Tân Ninh phối hợp quản lý chặt chẽ hiện trạng đất rừng, ngăn chặn mọi hành vi tác động đến khu vực chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi.

DỰ ÁN CÁP TREO VÀ TƯỢNG PHẬT HƠN 3.000 TỶ ĐỒNG ĐÃ KHỞI CÔNG

Trước khi được chấp thuận dự án khu dịch vụ du lịch và trục cảnh quan văn hóa, Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Cáp treo Thanh Hóa đã tổ chức khởi công tuyến cáp treo và tượng Phật A Di Đà tại khu vực Am Tiên, xã Tân Ninh. Đây là hai hạng mục thuộc phần đầu tư tâm linh của quần thể du lịch văn hóa Am Tiên, có tổng mức đầu tư xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.

Tuyến cáp treo dài khoảng 1,2km nối từ chân núi Nưa lên đỉnh Am Tiên, khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận tiện cho du khách tiếp cận khu vực di tích, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em. Song hành với đó, pho tượng Phật A Di Đà cao 36m, được đúc từ đá nguyên khối, đang được dựng trên đỉnh núi. Theo thông tin từ nhà đầu tư, đây là tượng Phật bằng đá nguyên khối cao nhất thế giới hiện nay.

Hai hạng mục trên là điểm nhấn quan trọng trong chiến lược phát triển không gian văn hóa – tâm linh gắn với danh thắng cấp quốc gia tại vùng núi Nưa. Việc đầu tư được thực hiện theo hướng đồng bộ, gắn kết giữa du lịch tâm linh, trải nghiệm sinh thái và bảo tồn di tích lịch sử.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu toàn bộ hoạt động thi công, khai thác và vận hành dự án phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định hiện hành về bảo tồn di tích, bảo vệ rừng, tài nguyên và môi trường. Việc triển khai không được làm ảnh hưởng đến khu vực bảo vệ di tích, không tác động tiêu cực đến sinh trưởng tự nhiên của thực vật, động vật rừng và không thay đổi diện tích rừng hiện có.

UBND xã Tân Ninh và các sở, ngành chức năng có trách nhiệm phối hợp giám sát tiến độ triển khai, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh trong quá trình thực hiện dự án. Trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo đúng tiến độ, không hoàn thành các điều kiện pháp lý theo quy định, quyền triển khai sẽ không còn hiệu lực và không được hoàn trả chi phí đã đầu tư.

Song Khánh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thanh-hoa-dau-tu-hon-6-600-ty-dong-vao-khu-du-lich-am-tien.htm