Thanh Hóa: 'Địa chỉ tin cậy' may mắn vì... 'ế khách'

Thời gian qua, mô hình 'Địa chỉ tin cậy' trên địa bàn xã Lương Ngoại (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) đã và đang mang lại hiệu quả tích cực về bình đẳng giới, giảm thiểu tình trạng hậu quả của bạo lực gia đình.

 Bà Lê Thị Hải Lý - Chủ tịch Hội LHPN huyện Bá Thước (Thanh Hóa) - kiểm tra cơ sở vật chất tại nhà tạm lánh thuộc mô hình "Địa chỉ tin cậy" tại xã Lương Ngoại

Bà Lê Thị Hải Lý - Chủ tịch Hội LHPN huyện Bá Thước (Thanh Hóa) - kiểm tra cơ sở vật chất tại nhà tạm lánh thuộc mô hình "Địa chỉ tin cậy" tại xã Lương Ngoại

Phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Dần - Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban Điều hành mô hình "Địa chỉ tin cậy" xã Lương Ngoại - về những kinh nghiệm trong quá trình triển khai mô hình này.

- PV: Thưa ông, mô hình "Địa chỉ tin cậy" xã Lương Ngoại được thành lập như thế nào?

- Ông Trương Văn Dần: Mô hình "Địa chỉ tin cậy" xã Lương Ngoại được thành lập từ tháng 4/2023, có ban Điều hành gồm 10 thành viên là các cán bộ đại diện cho Đảng ủy, Chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội LHPN, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân, Công an, Tư pháp, Chính sách, Trạm y tế… Trong đó tôi hiện là Trưởng ban Điều hành.

Nội dung hoạt động của mô hình "Địa chỉ tin cậy" là trợ giúp pháp lý cho chị em phụ nữ; tiếp nhận, hỗ trợ và thông báo kịp thời cho nạn nhân bị bạo lực. Trong đó, chúng tôi có trang bị "nhà tạm lánh" là nơi ở tạm thời để đảm bảo an toàn cho nạn nhân và người báo tin… Đây cũng là nơi để các hội viên phụ nữ gặp gỡ, chia sẻ, tháo gỡ những mối bất hòa trong cuộc sống gia đình, đặc biệt là quan hệ vợ chồng.

- PV: Trong hơn 1 năm kể từ khi thành lập, các hoạt động của mô hình này đã được triển khai như thế nào?

- Ông Trương Văn Dần: Dưới sự hướng dẫn của Ban Điều hành, các thành viên tham gia mô hình này là các các bộ thôn, trưởng khu, các Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ kết hợp với tổ truyền thông cộng đồng làm công tác tuyên truyền cho người dân về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó, chúng tôi đặc biệt lưu ý tuyên truyền để chị em biết nhà tạm lánh tại trụ sở trạm y tế xã, vừa là nơi tư vấn pháp lý, đồng thời có trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết (từ chăn, gối, giường, tủ, đồ nấu ăn, thuốc, thực phẩm…) để làm nơi ở tạm thời cho các nạn nhân nếu họ không thể tự hòa giải, buộc phải tìm đến khi bị bạo lực. Bất cứ lúc nào trong ngày, 24/24h đều có người đón tiếp đầy đủ.

Rất may mắn là tính đến thời điểm này, chúng tôi chưa phải tiếp đón nạn nhân nào.

Ông Trương Văn Dần (bìa phải) - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Ngoại - cùng lãnh đạo Hội LHPN huyện Bá Thước và các thành viên Ban điều hành mô hình Địa chỉ tin cậy xã Lương Ngoại tiếp nhận các trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ nạn nhân bị bạo lực gia đình tại nhà tạm lánh

Ông Trương Văn Dần (bìa phải) - Phó Chủ tịch UBND xã Lương Ngoại - cùng lãnh đạo Hội LHPN huyện Bá Thước và các thành viên Ban điều hành mô hình Địa chỉ tin cậy xã Lương Ngoại tiếp nhận các trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ nạn nhân bị bạo lực gia đình tại nhà tạm lánh

- PV: Trong quá trình thực hiện, ông nhận thấy có khó khăn và thuận lợi nào?

- Ông Trương Văn Dần: Tôi cho rằng thuận lợi lớn nhất là việc thực hiện mô hình này nhận được sự đồng thuận rất lớn của tất cả các cơ quan đoàn thể. Việc chống lại bạo lực không phải là chuyện riêng của Hội LHPN mà là vấn đề cần quan tâm chung của toàn xã hội và Hội phụ nữ đang làm rất tích cực việc này. Thông qua các buổi tuyên truyền vận động, UBND xã cũng đồng thời rà soát, nắm tình hình bạo lực gia đình để kịp thời triển khai các phương án hỗ trợ. Trong quá trình hoạt động, kinh phí

Về khó khăn thì tôi cho là không có khó khăn gì đáng kể. Công việc này chủ yếu là công tác tuyên truyền vận động nên tôi cũng như các thành viên đều phải kiên trì và tìm cách chia sẻ như thế nào cho thật gần gũi, chân thật để bà con dễ tiếp thu các kiến thức.

- PV: Là một nam giới trực tiếp tham gia Ban điều hành của mô hình "Địa chỉ tin cậy", ông đánh giá mô hình này có ý nghĩa như thế nào trong việc thay đổi nhận thức của người dân?

- Ông Trương Văn Dần: Bản thân tôi được cung cấp thêm rất nhiều kiến thức trong quá trình tìm hiểu tài liệu, đứng lớp giảng dạy và quá trình đi cơ sở trực tiếp. Tôi nghĩ rằng giải quyết các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em gái mà cứ để phụ nữ tự nói, tự làm thì có vẻ một chiều quá. Vì vậy, tôi tiếp tục đề xuất các đồng chí nam giới là lãnh đạo các đơn vị khác tham gia thuyết trình, tư vấn, giải đáp cho bà con, đặc biệt là các công dân nam để họ có cái nhìn khách quan về những kiến thức mà mình cung cấp. Khi chúng ta thực hiện bình đẳng giới ngay từ khâu tập huấn, tuyên truyền thì chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả tốt trong việc thay đổi nhận thức của người dân.

- PV: Vậy sự thay đổi đó được trả lời cụ thể ra sao?

- Ông Trương Văn Dần: Kể từ khi thực hiện mô hình này, kết hợp với hoạt động của tổ truyền thông cộng đồng, tình trạng bạo lực gia đình gần như không còn xuất hiện ở địa bàn xã Lương Ngoại. Tỷ lệ tảo hôn là 0% và như tôi đã nói ở trên, rất may mắn là chưa có một ai phải đến ở nhà tạm lánh. Có những công việc đòi hỏi phải trải qua thực tiễn nhưng ngược lại, những người làm việc hỗ trợ nạn nhân ở nhà tạm lánh tôi luôn mong họ sẽ "thất nghiệp".

- PV: Đó quả là tín hiệu đáng mừng. Vậy trong thời gian tới, chính quyền xã Lương Ngoại cũng như Ban Điều hành "Địa chỉ tin cậy" sẽ có những kế hoạch gì để làm tốt hơn nữa những kết quả đã đạt được?

- Ông Trương Văn Dần: Đảng ủy, Chính quyền sẽ tiếp tục làm việc Hội LHPN xã vận động thêm thành viên mới, nhân rộng thêm nhiều mô hình nhằm giúp cho hội viên phụ nữ dễ dàng tiếp cận khi có nhu cầu tư vấn về hôn nhân gia đình, bạo lực gia đình hoặc các vấn đề mà chị em phụ nữ thường gặp trong cuộc sống. Qua đó, góp phần cùng với địa phương thực hiện tốt hơn, công tác về bình đẳng giới.

- PV: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!

An Nhi (thực hiện)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/thanh-hoa-dia-chi-tin-cay-may-man-vi-e-khach-20240718163125256.htm