Thanh Hóa: Dự án di dân bằng...'niềm tin'

Sau 5 năm triển khai thực hiện, dự án tái định cư và di dân lòng hồ Yên Mỹ, cơ bản quyền lợi của 922 hộ dân bị ảnh hưởng vẫn đang nằm trên giấy để đợi chờ một niềm tin, lợi ích thiết thực từ dự án mà tỉnh Thanh Hóa đã 'vẽ ra' ở 5 năm về trước.

Sống khổ với dự án

Mục tiêu của dự án là nhằm nâng dung tích chứa của hồ Yên Mỹ thêm khoảng 20 triệu m3 nước, nâng cao năng lực chứa và cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nước phục vụ Khu kinh tế Nghi Sơn.

Dự án thực hiện sẽ ổn định đời sống, sản xuất của người dân bị ảnh hưởng khi tích nước lòng hồ Yên Mỹ ; bảo đảm các hộ dân sau tái định cư sẽ có cuộc sống ổn định bền vững, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội.

Quyết định 4515/QĐ-UBND ngày 24/11/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ từ cao trình (+18.50)m đến (+20.36)m cho thấy, tổng mức đầu tư của dự án lên đến 290 tỷ đồng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.

Người dân trong vùng bị ảnh hưởng đã sống khổ gần nửa thập kỷ ở lòng hồ Yên Mỹ

Theo đó, dự án được triển khai thực hiện trên địa bàn 4 xã: Thanh Kỳ, Thanh Tân, huyện Như Thanh; xã Phú Sơn thị xã Nghi Sơn; xã Yên Mỹ huyện Nông Cống. Số hộ dân bị ảnh hưởng là 922 hộ.

UBND tỉnh Thanh Hóa cũng nêu rõ, thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 đến năm 2021. Tuy nhiên, sau gần 5 năm triển khai thực hiện, dự án đang gây bức xúc đối với người đang sinh sống hoặc bị ảnh hưởng bởi dự án và cũng chỉ sống trong sự chờ đợi...

Cuộc sống người dân đi cũng dở, ở cũng không yên.

Theo tìm hiểu của phóng viên Nhà báo & Công luận, ở thời điểm hiện tại, dự án mới chỉ hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng được 16 tuyến đường giao thông nông thôn, với chiều dài hơn 16km, có giá trị 47 tỷ đồng.

Dù dự án với tên gọi và mục tiêu là hỗ trợ, di dân lòng hồ bị ngập nước. Nhưng đã gần 5 năm qua, công tác phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, di dân vẫn chưa được thực hiện, gây khó khăn cho các hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng về nơi ở, đầu tư các phương án canh tác, sản xuất tại địa phương.

Ghi nhận thực tế của phóng viên tại các địa phương thuộc dự án, các tuyến đường liên thôn được hoàn thiện với chất lượng ổn định, đường xá rộng rãi với bề mặt hơn 3m, được đổ bê tông. Tuy nhiên, đi sâu vào những tuyến đường là hàng trăm hộ dân đang sống rất vất vả với đủ nỗi lo âu. Trong đó những nếp nhà cũ, dột nát, xuống cấp trầm trọng.

"Vì thuộc dự án nên người dân không thể sửa sang, làm mới căn nhà hiện trạng. Thêm phần gia đình nhiều thế hệ, con cái lớn nhưng không có chỗ ở ổn định, ảnh hưởng tới việc làm ăn, sinh sống của người dân. Chúng tôi đang thụ hưởng một niềm tin đúng hơn là sự hỗ trợ"- một người dân chia sẻ.

Đời sống những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án lay lắt

Chia sẻ với phóng viên, bà Lê Thị Hưng (52 tuổi, thôn Hợp Nhất, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh, Thanh Hóa) bức xúc: " Dự án thì lâu lắm rồi nhưng mãi người dân chúng tôi không thấy lợi gì chỉ thấy cuộc sống cứ khổ mỗi ngày".

Tìm gặp chính quyền địa phương các xã ảnh hưởng bởi dự án, những cán bộ nơi đây cũng lắc đầu ngao ngán vì dự án lâu triển khai ảnh hưởng tới đời sống người dân. Có nhiều lần bức xúc dâng cao, người dân có biểu hiện tiêu cực thì chính quyền địa phương chỉ biết trấn an rồi lại chờ đợi.

Không dấu những chia sẻ, chính quyền địa phương các xã này chỉ hy vọng dự án nhanh được thực hiện để người dân an cư lập nghiệp, ổn định kinh tế - xã hội địa phương.

Dự án nâng lên rồi... đặt xuống

Trao đổi với phóng viên, chủ đầu tư dự án là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho biết, nguyên nhân dự án chậm tiến độ do nguồn kinh phí được giao để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng năm 2017 thấp, chỉ đạt 1,7% so với dự toán được giao, nên không thể thực hiện chi trả toàn bộ cho các hộ dân vùng ảnh hưởng.

Những con em những hộ dân thuộc dự án cũng sống khổ theo dự án

Theo báo cáo tháng 12/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cho thấy, tổng mức đầu tư của dự án hiện đã tăng thêm 278 tỉ đồng (từ 216 tỉ đồng lên 495 tỉ đồng). Trong đó, huyện Nông Cống tăng từ 16,8 tỉ đồng lên gần 42 tỉ đồng, huyện Như Thanh tăng từ 80 tỉ đồng lên hơn 302 tỉ đồng; thị xã Nghi Sơn từ 118 tỉ đồng lên 150 tỉ đồng.

Trước việc dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của nhân dân, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị, bàn giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án di dân tái định cư để nâng cao trình lòng hồ Yên Mỹ.

Các căn nhà cũ, dột nát, có thời hạn hàng chục năm xuống cấp người dân không thể sửa sang, làm mới

Trong đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện dự án sẽ phát huy hiệu quả nhiệm vụ thiết kế của hồ Yên Mỹ, tăng thêm khả năng tích nước của hồ, cắt giảm lũ và tránh gây ngập lụt cho vùng hạ du hồ Yên Mỹ.

Đồng thời, bảo đảm an ninh nguồn nước, chủ động trong việc cung cấp ổn định nguồn nước cho Khu Kinh tế Nghi Sơn và diện tích đất canh tác nông nghiệp và giải quyết được những bức xúc của các hộ dân nằm trong vùng dự án. Do đó, cần khẩn trương xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng các phương án, tổ chức lấy ý kiến các ngành, địa phương, đơn vị liên quan để thống nhất phương án và tiếp tục triển khai dự án.

Tuy nhiên, sau nhiều thời gian, dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ vẫn là dự án dang dở và trong số 922 hộ dân bị ảnh hưởng hoặc được thu hưởng từ dự án vẫn cố đợi dự án triển khai như đợi một..."niềm tin".

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thanh-hoa-du-an-di-dan-bangniem-tin-post193322.html