Thanh Hóa hủy thầu dự án 57.000 tỷ do không có hồ sơ tham gia

Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn đã hủy thầu quốc tế dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Nghi Sơn trị giá hơn 57.000 tỷ đồng sau hai lần mời thầu và hai lần gia hạn, do không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Tiến Hiệu, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã ký ban hành Quyết định về việc hủy thầu gói thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG Nghi Sơn. Quyết định được ban hành theo điểm b khoản 1 Điều 59 Nghị định số 115/2024/NĐ-CP do đến hết thời hạn phát hành hồ sơ mời thầu không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ.

Dự án LNG Nghi Sơn có tổng mức đầu tư hơn 57.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 1.500 MW, được bố trí tại xã Hải Hà, thị xã Nghi Sơn với diện tích gần 68 ha. Các hạng mục bao gồm tổ hợp tua-bin khí hỗn hợp chu trình kết hợp, trạm tái hóa khí LNG công suất 1,2 triệu tấn/năm, kho chứa LNG và cảng nhập LNG. Dự án được xác định thuộc quy hoạch điện quốc gia, dự kiến vận hành trước năm 2030.

Lần mời thầu đầu tiên được tổ chức vào tháng 7/2024, nhưng phải tạm dừng để cập nhật quy định theo Luật Đấu thầu năm 2023 và Nghị định số 115/2024/NĐ-CP.

Lần mời thầu thứ hai được phát hành từ tháng 4/2025, thời hạn đóng thầu là ngày 10/6/2025. Không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ nên thời hạn được gia hạn hai lần, lần lượt tới ngày 19/6/2025 và 17/7/2025.

Trong hai lần gia hạn, hồ sơ mời thầu được điều chỉnh một số tiêu chí. Cụ thể, bảo đảm dự thầu giảm từ hơn 580 tỷ đồng xuống còn 275 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu tối thiểu từ hơn 12.000 tỷ đồng xuống còn 8.260 tỷ đồng. Một số yêu cầu khác được điều chỉnh tăng như giá điện tối đa nâng lên 3.303,88 đồng/kWh và tiêu chí kinh nghiệm được cập nhật theo tổng mức đầu tư mới.

Trước đó, danh sách sơ tuyển đã có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. 5 liên danh vượt qua sơ tuyển gồm: JERA – Sovico (Nhật Bản), PV Power – T&T Group, liên danh KOGAS – KOSPO – Daewoo – Anh Phát (Hàn Quốc), Gulf Energy (Thái Lan), và SK E&S (Hàn Quốc). Tuy nhiên, đến thời điểm kết thúc hai lần gia hạn, không có nhà đầu tư nào nộp hồ sơ dự thầu.

Việc không có hồ sơ nộp được đánh giá là do nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ. Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu hợp đồng mua bán điện (PPA) mẫu và cơ chế giá điện rõ ràng. Trong khi chi phí đầu tư cao, giá LNG biến động mạnh, tỷ giá ngoại tệ tiềm ẩn rủi ro, nhà đầu tư không thể tự xây dựng phương án tài chính hiệu quả nếu thiếu thông tin cốt lõi về PPA.

Ngoài ra, cơ chế sử dụng đất sau đấu thầu chưa được hướng dẫn chi tiết theo Luật Đất đai mới, gây lo ngại về tiến độ giao đất và giải phóng mặt bằng. Một số liên danh đã vượt qua sơ tuyển cũng cho biết còn khó khăn khi tiếp cận tín dụng quốc tế cho dự án LNG trong bối cảnh thiếu cơ chế chia sẻ rủi ro.

Dự án LNG Nghi Sơn được xác định là nguồn điện chiến lược trong Quy hoạch điện VIII, với mục tiêu bổ sung khoảng 27.000 – 30.000 MW điện khí LNG đến năm 2030. Việc chưa thể lựa chọn được nhà đầu tư cho dự án sau hai lần mời thầu và hai lần gia hạn cho thấy nhu cầu điều chỉnh cơ chế rõ ràng hơn để thu hút đầu tư vào lĩnh vực năng lượng lớn và phức tạp như LNG.

Sau khi ban hành quyết định hủy thầu, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn đang tiến hành rà soát toàn bộ hồ sơ và các bước tổ chức mời thầu. Các phương án tiếp theo có thể bao gồm: tiếp tục điều chỉnh và tổ chức mời thầu lại; hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư trong trường hợp đáp ứng đủ điều kiện đặc biệt theo Nghị định 115 năm 2024 của Chính phủ.

Việc hoàn thiện khung pháp lý về PPA, cơ chế chia sẻ rủi ro, và đất đai đang là điều kiện tiên quyết để dự án có thể thu hút lại các nhà đầu tư từng quan tâm. Khi những điểm nghẽn lớn được tháo gỡ, dự án LNG Nghi Sơn sẽ có cơ hội tái khởi động theo hướng thực tiễn và hiệu quả hơn.

Thiên Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thanh-hoa-huy-thau-du-an-57-000-ty-do-khong-co-ho-so-tham-gia.htm