Thanh Hóa kiến nghị có quy chuẩn cho xây nhà cao tầng nuôi lợn

Thu hút dự án chăn nuôi công nghệ cao đang được các địa phương lựa chọn là giải pháp ưu tiên, cần sớm ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư để tạo thuận lợi phát triển chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Khu chăn nuôi công nghệ cao của Tập đoàn Xuân Thiện tại Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Ảnh: Báo Xây dựng.

Khu chăn nuôi công nghệ cao của Tập đoàn Xuân Thiện tại Ngọc Lặc, Thanh Hóa. Ảnh: Báo Xây dựng.

Tại hội nghị “Triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới” ngày 27/7, ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, với tổng đàn lợn 1,3 triệu con, Thanh Hóa đứng tốp đầu cả nước về chăn nuôi lợn hiện nay.

Đặc biệt, tỉnh có 582 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, chiếm 45% tổng số đàn lợn. Đây là tỷ lệ cao so với trung bình cả nước, hiện khoảng 35%.

Cùng với nguồn lực vốn có của tỉnh, Thanh Hóa cũng thu hút được 31 dự án đầu tư chăn nuôi lợn, với quy mô hơn 90.000 lợn nái, hơn 1 triệu lợn thịt, cùng tổng mức đầu tư trên 17.000 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả tích cực, ông Chọn cho biết, tỉnh vẫn gặp khó khăn về số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ còn khá lớn, chưa đẩy mạnh được liên kết theo chuỗi, tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường.

Từ phân tích tình hình địa phương, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, tỉnh đang ưu tiên các dự án đầu tư trang trại quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao trong xử lý chất thải, các dự án đầu tư gắn với sơ chế, chế biến sản phẩm.

"Hiện Tập Đoàn Xuân Thiện đang nghiên cứu, đầu tư vào dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao trên địa bàn Thanh Hóa. Doanh nghiệp đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án từ mô hình chăn nuôi lợn truyền thống sang phương án chăn nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng”.

"Hiện Tập Đoàn Xuân Thiện đang nghiên cứu, đầu tư vào dự án chăn nuôi lợn công nghệ cao trên địa bàn Thanh Hóa. Doanh nghiệp đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án từ mô hình chăn nuôi lợn truyền thống sang phương án chăn nuôi lợn công nghệ cao trong nhà cao tầng”.

Ông Hoàng Viết Chọn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa

Tuy nhiên, ông Hoàng Viết Chọn cho biết, đây là phương án chăn nuôi mới, chưa có các hướng dẫn cụ thể của Trung ương về các quy chuẩn. Do đó, Sở NN&PTNT Thanh Hóa kiến nghị Bộ NN&PTNT quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn để địa phương triển khai theo quy định.

Để ngành chăn nuôi lợn của Thanh Hóa tiếp tục đạt được những kết quả khởi sắc, ông Chọn cũng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư về tỉnh để phát triển chăn nuôi quy mô lớn.

Kiến nghị chính sách hỗ trợ đầu tư

Chiến lược thu hút các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi lợn công nghệ cao cũng được Nghệ An lựa chọn. Ông Trần Xuân Học, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, quy mô tổng đàn lợn của tỉnh xấp xỉ 1 triệu con chủ yếu phân bố ở quy mô vừa và nhỏ. Trong đó, chăn nuôi nông hộ chiếm khoảng 60% tổng đàn, còn lại chăn nuôi trang trại khoảng 40% với các tập đoàn lớn như Masan, Darby, CP, Thành Đô.

Hiện tỉnh có 438 trang trại chăn nuôi lợn và thu hút được 19 dự án chăn nuôi lợn tập trung, công nghiệp của các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi của tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn, giá bán giảm, giá nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và các loại vật tư khác tăng cao.

“Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở rất hạn chế trong việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi lợn, chưa có các cơ sở giết mổ công nghiệp, chế biến sâu. Các dự án đầu tư còn vướng mắc trong thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, phê duyệt đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng”, ông Học liệt kê.

Cùng chung kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư và phát triển chăn nuôi bền vững, sửa đổi một số quy định về quy mô hỗ trợ xây dựng các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung.

Theo báo cáo của Chứng khoán Vietcombank VCBS, cơ cấu nguồn cung thịt lợn năm 2022 cho thấy, doanh nghiệp nội chỉ chiếm 19%, hộ chăn nuôi chiếm 38%, doanh nghiệp FDI chiếm 43%.

Cục Chăn nuôi cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn trong nước và FDI đang tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, hiện đại, tiếp cận theo hướng liên kết chuỗi giá trị như Dabaco, Masan, Xuân Thiện, Tân Long, Thiên Thuận Trường, Mavin, Greenfeed, Trường Hải, Hòa Phát; CP, Japfa Comfeed, New Hope, CJ, Sunjin, Emivest.

Riêng năm 2022, cả nước có 81 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi với số vốn hơn 2,2 tỷ USD, chiếm hơn 12% tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

Phương Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thanh-hoa-kien-nghi-co-quy-chuan-cho-xay-nha-cao-tang-nuoi-lon-post24799.html