Thanh Hóa làm tròn trách nhiệm 'hậu phương lớn'
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ 21 năm chống đế quốc Mỹ (1954-1975), quân và dân Thanh Hóa vừa làm tròn nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ quê hương, vừa làm tròn trách nhiệm của 'hậu phương lớn'.
Cầu Hàm Rồng nơi ghi dấu những chiến công anh dũng của quân và dân Thanh Hóa, góp phần cùng cả nước chống giặc Mỹ xâm lược.
Trong suốt những năm chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược, trên khắp các chiến trường, ở nơi đâu cũng có sự đóng góp công sức, máu xương, sự hy sinh quả cảm, ngoan cường của những người con Thanh Hóa. Sẵn sàng ứng phó với giặc Mỹ, Thanh Hóa đã nhanh chóng chuyển hướng hoạt động từ thời bình sang thời chiến; hưởng ứng lời kêu gọi của Bác “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, hàng chục phong trào thi đua đã được phát động liên tục ở tất cả các cấp, các ngành. Đó là các phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tiếng hát át tiếng bom”, “Hòn đá chống Mỹ”, “Ba giỏi”... Với vai trò là hậu phương lớn, Nhân dân Thanh Hóa từ miền ngược đến miền xuôi đã ra sức thi đua sản xuất, làm nhiệm vụ chi viện lương thực, hàng hóa cho chiến trường miền Nam. Thời kỳ này, nhiều mô hình, điển hình ở Thanh Hóa đã được nhân rộng trên toàn miền Bắc, tiêu biểu là các HTX: Ðông Phương Hồng, Xuân Thành, Yên Trường, Ðịnh Công, cơ khí Thành Công... được Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm, hoặc gửi thư khen ngợi.
Mặc cho bom đạn giặc ngày đêm tàn phá, người dân Thanh Hóa vẫn chắc tay cày, vững tay súng để tạo nên những cánh đồng “5 tấn thắng Mỹ”; người dân đã không ngần ngại dỡ nhà làm cầu, lấy đá lát đường, cứu chữa phương tiện, hàng hóa bị máy bay địch bắn phá. Công ty vận tải thuyền nan và đoàn vận tải Lam Sơn, Công ty xe đạp thồ và đoàn vận tải Điện Biên và các đoàn vận tải cơ giới trong gần 10 năm chống Mỹ phá hoại đã vận chuyển 15 triệu tấn hàng hóa đáp ứng chi viện cho chiến trường, phục vụ chiến đấu. Trong những năm chống Mỹ cứu nước, toàn tỉnh đã có hàng ngàn các gia đình cả ba thế hệ cùng chung một chiến hào diệt giặc, hàng vạn gia đình có từ 3 đến 5 con cùng tòng quân nhập ngũ. Toàn tỉnh có khoảng 250 ngàn thanh niên ưu tú lên đường nhập ngũ và gia nhập TNXP với ý chí, quyết tâm cùng quân, dân cả nước đánh Mỹ, thắng Mỹ, lật nhào chế độ Ngụy quyền để non sông liền một dải, Nam - Bắc vui sum họp một nhà. Thanh Hóa cũng xây dựng và huấn luyện 78 tiểu đoàn bộ đội bổ sung cho các chiến trường. Gần 57 nghìn người con Thanh Hóa hy sinh, hơn 32 nghìn người đã mất đi một phần thân thể...
Hiện nay, tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đang trưng bày 123 tài liệu, hiện vật tái hiện lại nhiệm vụ hậu phương lớn Thanh Hóa trong xây dựng, chiến đấu bảo vệ quê hương và chi viện các chiến trường trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trong đó tập trung vào các nhóm hiện vật nói lên tội ác của đế quốc Mỹ đối với Nhân dân Thanh Hóa, vũ khí trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, quân trang quân dụng của các chiến sĩ và những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng cho quân và dân Thanh Hóa. Đặc biệt là sưu tập đơn tình nguyện nhập ngũ và đơn tình nguyện ba sẵn sàng của thanh niên Thanh Hóa viết trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước được trưng bày trang trọng.
Ngoài ra còn có các hiện vật như áo sĩ quan, quân hàm, quân hiệu, Huân chương, Huy chương, Huy hiệu, Kỷ niệm chương của Thượng úy Đồng Xuân Chế, xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia - nguyên thuyền trưởng tàu 649, Đoàn tàu không số, ông đã ba lần hoàn thành tốt nhiệm vụ chở vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam... Mỗi hiện vật là một câu chuyện gắn với những cống hiến, hy sinh của quân và dân Thanh Hóa.
Cùng với cả nước, những đóng góp của quân và dân Thanh Hóa đã góp phần quan trọng làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975. Đây là trang sử hào hùng và chói lọi trên con đường dựng nước và giữ nước mấy nghìn năm của dân tộc, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.