Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh: Nhìn lại một năm ký kết bản ghi nhớ hợp tác

Thời gian qua, Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh luôn hướng tới mục tiêu tập trung đẩy mạnh liên kết phát triển, xây dựng khu vực trở thành trung tâm lớn về công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo của vùng và cả nước, Chính vì vậy 3 tỉnh đã luôn bổ trợ cho nhau, cùng nhau phát triển..

 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh luôn hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm lớn về công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo của vùng và cả nước.

3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh luôn hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm lớn về công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo của vùng và cả nước.

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, bên cạnh việc phát huy những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế so sánh, với tinh thần “tự lực, tự cường”, sau 1 năm thực hiện ký kết bản ghi nhớ hợp tác phát triển, 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã tạo được nhiều dấu ấn.

“Muốn đi xa thì đi cùng nhau”

Đầu tiên phải kể đến 3 tỉnh đều có bề dày truyền thống văn hóa với nhiều di sản vật thể, phi vật thể. Hàng ngàn di tích dày đặc về mật độ, phong phú về loại hình, đa dạng về nội dung và quy mô; gắn với lịch sử, văn hóa của đất nước, văn hóa cư dân vùng biển, (tiêu biểu như Thành Nhà Hồ, cầu Hàm Rồng, thành cổ Vinh, ngã ba Đồng Lộc, chùa Hương Tích, đền Cờn, đền Củi...).

Sau 1 năm thực hiện hợp tác, 3 tỉnh thực hiện nhiều chương trình hợp tác, kết nối, hình thành các tour du lịch trải nghiệm, với điểm nhấn là Thành nhà Hồ (Thanh Hóa) - Khu di tích Kim Liên (Nghệ An) - Khu du lịch biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh); tour du lịch về nguồn kết hợp khám phá du lịch sinh thái, cộng đồng, mạo hiểm Pù Luông - đỉnh Pu Xai Lai Leng - Khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông; tour du lịch tự lái xe theo đường Hồ Chí Minh nhánh Đông và nhánh Tây qua các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh.

Tiếp đến là việc phát triển hạ tầng, kết nối giao thông, thu hút đầu tư, liên kết phát triển du lịch… được xem là điểm nhấn trong hợp tác, phát triển. Đáng chú ý là, phối hợp trong quá trình triển khai các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, có tính chất liên vùng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu kinh tế ven biển trọng điểm được ưu tiên đầu tư, gắn với phát triển cảng nước sâu trong khu vực như Khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa), Khu kinh tế Đông Nam (Nghệ An) và Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh)...

Sở Giao thông 3 tỉnh đã cùng phối hợp như kiến trúc về quy hoạch cảng biển khu vực Bắc Trung Bộ; đều tạo điều kiện hướng dẫn các thủ tục liên quan, khi có các nhà đầu tư Thanh Hóa, Nghệ An vào tìm hiểu tại Hà Tĩnh và từ Hà Tĩnh sang Thanh Hóa và Nghệ An. 3 tỉnh có sự thuận lợi là đều có tuyến Quốc lộ 1A, cao tốc, đường Hồ Chí Minh và đặc biệt đường ven biển là tiền đề tạo điều kiện cho việc giao thương hàng hóa giữa 3 tỉnh bằng đường ven biển, đồng thời cũng mở ra cơ hội để phát triển không gian vùng ven biển của cả 3 địa phương.

Liên kết vùng gắn liền với liên kết phát triển cơ sở hạ tầng

Để đẩy mạnh thu hút FDI dưới góc độ liên kết 3 tỉnh, liên kết vùng, cần liên kết phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH. Nâng cấp hệ thống cảng biển, cảng hàng không, hệ thống logistics đáp ứng nhu cầu vận chuyển quốc tế để tối ưu hóa vận tải, lưu thông hàng hóa, dịch vụ, nhằm giảm chi phí sản xuất, tạo sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư FDI.

Đặc biệt, 3 tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh liên kết phát triển, xây dựng khu vực Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh trở thành trung tâm lớn về công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo của vùng và cả nước. Tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghiệp lớn, có công nghệ đứng đầu các chuỗi giá trị, sản xuất, các đối tác có công nghệ cao, công nghệ mới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia Châu Âu...

Tăng cường phối hợp thu hút đầu tư, từng bước hình thành các cụm liên kết ngành, nhóm sản phẩm chuyên môn hóa và tạo thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn, tập trung vào thu hút đầu tư các dự án sau lọc hóa dầu, hình thành cụm liên kết các ngành sản phẩm sau lọc hóa dầu; cụm liên kết ngành kinh tế biển với hai đầu cầu là Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu kinh tế Vũng Áng gắn với cảng nước sâu của Thanh Hóa và Hà Tĩnh.

Thời gian tới, 3 tỉnh chủ động đề xuất với Trung ương có các cơ chế, chính sách đột phá nhằm thu hút nguồn lực đầu tư. Trước mắt cần phải phối hợp tốt để góp ý Trung ương trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải Trung Bộ phù hợp với Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và phù hợp với yêu cầu phát triển của mỗi tỉnh.

Ba tỉnh liên kết với nhau không chỉ phát triển kinh tế mà còn giao thoa văn hóa, chia sẻ khó khăn với nhau, gặp gỡ, trao đổi giao lưu. Vì vậy cùng với phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh thì các hoạt động đều phải được tăng cường với tâm thế luôn sẵn sàng hợp tác.

Lan Anh

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thanh-hoa--nghe-an--ha-tinh-nhin-lai-mot-nam-ky-ket-ban-ghi-nho-hop-tac-d46091.html