Thanh Hóa: Nhiều tuyến đê chưa đạt cao trình quy hoạch

Hiện các tuyến đê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cơ bản đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn hàng trăm km đê, kè chưa đạt cao trình quy hoạch phòng chống lũ cần được nâng cấp xây dựng trong thời gian tới.

Tuyến đê tả sông Lèn, đoạn qua xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung - Một trong những tuyến đê có cao trình thấp hơn quy hoạch.

Tuyến đê tả sông Lèn, đoạn qua xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung - Một trong những tuyến đê có cao trình thấp hơn quy hoạch.

Đê xuống cấp - Mùa mưa lũ đến gần

Đi thực tế tại tuyến đê tả sông Lèn, đoạn qua xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung (một trong những tuyến đê có cao trình thấp hơn quy hoạch tại Thanh Hóa), qua quan sát, bề mặt đê đã được bê tông hóa nhưng hiện nay có nhiều vị trí bị nứt, lớp mặt bê tông bong tróc nhiều chỗ. Mặt trạch, mặt đê tả sông Lèn hiện tại thấp hơn cao trình đê thiết kế từ 0,28m đến 1,25m nên chưa đảm bảo việc chống lũ.

Bà L. T. Ng (sinh năm 1985) ở thôn Độ Thôn xã Lĩnh Toại chia sẻ: “Thời điểm này là mùa mưa bão, hàng vạn nhân khẩu được bảo vệ bởi dải đê chính này đang thấp thỏm trước cảnh đê xuống cấp và chiều cao thấp hơn nhiều so với các tuyến đê khác. Hơn nữa, cũng tại tuyến này, rất nhiều hộ dân chúng tôi nuôi cá lồng, cá lăng như nhà tôi có 5 ô, khoảng 2,5 vạn con (loại nhỏ), loại cá này có giá trị kinh tế cao nên mùa mưa lũ đến gần, gia đình rất lo vì toàn bộ kinh tế tập trung vào đây cả. Chúng tôi mong muốn được Nhà nước sửa chữa, cải tạo, nâng cấp chiều cao đê để người dân chúng tôi yên tâm phát triển kinh tế - xã hội”.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Trịnh Văn Thọ - Phó Chủ tịch UBND xã Lĩnh Toại cho biết: “Thực trạng đê tả sông Lèn hiện nay thấp hơn cao trình nước lũ quy hoạch, đê từng bị tràn và bị vỡ. Năm 2007-2008, Nhà nước đã đầu tư kè lại nhiều đoạn xung yếu. Đê tả sông Lèn hiện là đê cấp III, vừa qua gói thầu số 7 nhằm nâng cấp hơn 600m đê xung yếu đã được phê duyệt. Nếu đê gặp sự cố, nước lũ sẽ ảnh hưởng tới 5 xã xung quanh, nên việc đầu tư nâng cấp đê là rất cần thiết”.

Theo ông Nguyễn Thành Lâm - Hạt trưởng Hạt Quản lý đê huyện Hà Trung, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay nhiều đoạn đê, kè chưa đạt cao trình thiết kế: “Tuyến đê tả sông Lèn qua xã Lĩnh Toại ngày xưa có sạt lở, năm 2007 nước lũ lên cao tràn mặt đê nhưng đã được kè bảo vệ. Toàn bộ đê qua xã vẫn ổn định, riêng cao trình đỉnh đê thì nhiều vị trí thiếu so với quy hoạch. Việc thiếu cao trình đỉnh đê không chỉ ở đê tả sông Lèn, mà tồn tại ở rất nhiều tuyến đê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Về phía hạt, chúng tôi luôn có phương án hộ đê để ứng phó với tình huống lũ lớn, sạt lở”.

Rất nhiều hộ dân xã Lĩnh Toại hiện đang nuôi cá lồng tại tuyến đê này.

Rất nhiều hộ dân xã Lĩnh Toại hiện đang nuôi cá lồng tại tuyến đê này.

Thiên tai ngày một thất thường, khắc nghiệt và cực đoan. Bão to, lũ lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không còn giữ đúng quy luật tự nhiên. Đó là những khó khăn rất lớn đối với công tác dự báo, cảnh báo thiên tai cũng như công tác chủ động đối phó của các cấp, các ngành, các địa phương.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, các loại hình thiên tai cực đoan, nhất là mưa lớn vượt tần suất, bão và lũ ngày càng xuất hiện với tần suất nhiều hơn, khó dự báo hơn, việc đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống thiên tai càng giữ vai trò quan trọng. Cần phải có giải pháp trước mắt và lâu dài để ngăn ngừa những tình huống đáng tiếc xảy ra liên quan đến mất an toàn đê điều.

Hàng trăm km đê tại Thanh Hóa chưa đạt cao trình

Mới đây, thông tin từ Tỉnh ủy Thanh Hóa cho thấy, địa phương này hiện có 1.008km đê sông và đê biển. Trrong đó: có 64,7km đê cấp I; 183,6km đê cấp II; 66,7km đê cấp III; 693km đê dưới cấp III. Trên các tuyến đê có 1.121 công trình cống, âu và 433 công trình kè bảo vệ với tổng chiều dài 253,76km.

Đối với các tuyến đê từ cấp I đến cấp III, cao trình cơ bản đáp ứng yêu cầu chống lũ lịch sử đã xảy ra. Tuy nhiên, so với cao trình thiết kế trong quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, vẫn còn 131,5km đê có cao trình thấp hơn quy hoạch; 63,07km mặt đê còn hẹp, chưa đảm bảo chiều rộng tối thiểu; 123,91km đê cao trên 5m nhưng chưa có cơ đê. Một số đoạn đê sát sông, đang có diễn biến sạt lở cần theo dõi, như: Đê hữu đông Mã (đoạn qua thị trấn Hậu Hiền, huyện Thiệu Hóa); đê tả sông Lèn (đoạn qua xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung); đê hữu sông Lèn (đoạn qua xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc)… Ngoài ra, có 22 công trình đê từ cấp I đến cấp III đang được đầu tư nâng cấp, tu bổ, tổng chiều dài 14,6km, tỷ lệ khối lượng thực hiện ước đạt từ 20% - 90%.

Bề mặt đê đã được bê tông hóa nhưng hiện nay có nhiều vị trí bị nứt, lớp mặt bê tông bong tróc nhiều chỗ.

Bề mặt đê đã được bê tông hóa nhưng hiện nay có nhiều vị trí bị nứt, lớp mặt bê tông bong tróc nhiều chỗ.

Đối với đê dưới cấp III, cao trình các tuyến đê cơ bản đáp ứng yêu cầu chống lũ. Tuy nhiên, so với cao trình thiết kế theo quy hoạch tỉnh, vẫn còn 228,36km đê chưa đảm bảo; 57,31km đê chưa đủ chiều rộng mặt đê tối thiểu; 28,53km đê cao trên 5m nhưng chưa có cơ đê. Nhiều đoạn đê đang có diễn biến sạt lở, như: Đê tả sông Hoạt (đoạn qua thị xã Bỉm Sơn và huyện Hà Trung); đê tả sông Càn (đoạn qua huyện Nga Sơn); đê tả sông Yên (đoạn qua huyện Nông Cống)...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã phối hợp với các địa phương xây dựng 34 phương án bảo vệ trọng điểm đê năm 2024, gồm: 2 trọng điểm đê cấp tỉnh loại I; 32 trọng điểm đê cấp huyện. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến công trình, đặc biệt là các vị trí đang có diễn biến hư hỏng để sẵn sàng xử lý ngay từ giờ đầu. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình tu bổ, nâng cấp đê điều, đảm bảo chất lượng, tiến độ, kịp thời đưa công trình vào hoạt động phục vụ phòng, chống lũ lụt năm 2024…

Tiến Anh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thanh-hoa-nhieu-tuyen-de-chua-dat-cao-trinh-quy-hoach-376327.html