Thanh Hóa: Nỗ lực đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, số lượng nhà ở xã hội (NOXH) được hoàn thành từ năm 2021 cuối tháng 8/2024 là khoảng 40.600 căn, trong đó, Thanh Hóa xếp thứ 5 cả nước với 2.197 căn đã hoàn thành.
Nhu cầu lớn
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 1 khu kinh tế, 8 khu công nghiệp (KCN) và 45 cụm công nghiệp (CCN) với tổng số hơn 200.000 người lao động, trong đó, có trên 12.000 người có nhu cầu về NOXH. Đến năm 2030, theo quy hoạch được duyệt, tỉnh sẽ có thêm 9 KCN với tổng diện tích 2.281ha, 115 CCN với diện tích 5.267ha. Do vậy, nhu cầu về NOXH cho công nhân là rất lớn.
Theo báo cáo từ Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa: Giai đoạn 2014-2021, tỉnh đã chỉ đạo và tổ chức triển khai, hoàn thành xây dựng 14 dự án xây dựng nhà ở xã hội (NOXH), nhà ở công nhân với tổng diện tích sàn là 525.821m2, tương ứng khoảng 5.478 căn hộ. Điều này đồng nghĩa, tỉnh đã đi trước trong việc thực hiện đề án ‘Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân KCN giai đoạn 2021 – 2030’ của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đề án trên, tỉnh Thanh Hóa được Chính phủ giao hoàn thành ít nhất 13.787 căn hộ NOXH. Để triển khai thực hiện, ngày 20/9/2023, tỉnh đã ban hành kế hoạch 228, phần kỳ đầu tư với lộ trình từ 2021 - 2025, sẽ hoàn thành 6.287 căn hộ, giai đoạn 2026 - 2030 sẽ hoàn thành 7.500 căn hộ. Trên thực tế, tính từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 dự án đã hoàn thành với khoảng 2.200 căn hộ và đến năm 2025, dự kiến sẽ có thêm khoảng 4.200 căn hộ. Như vậy, so với chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025 thì Thanh Hóa có cơ sở đảm bảo thực hiện, khi mà hiện có có 10 dự án với khoảng 8.748 căn hộ đang được chỉ đạo tích cực triển khai.
Anh Lương Văn Sơn (32 tuổi) công nhân KCN Hoàng Long cho biết: Gia đình có 4 nhân khẩu, vừa được mua 1 căn NOXH 59m2, 2 phòng ngủ. Theo anh Long, việc có nơi ở ổn định giúp gia đình xua tan nỗi lo phải liên tục chuyển trọ, thuê nhà khi thay đổi noi làm việc. Về thủ tục để mua NOXH, anh Long đánh giá là khá phức tạp, trong đó, có nhiều loại giấy tờ và phải chứng minh được cả vợ lẫn chồng đều chưa có đất, nhà ở quê, chứng minh thu nhập…
Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, số lượng NOXH được hoàn thành từ năm 2021 cuối tháng 8/2024 là khoảng 40.600 căn, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề án xây dựng 1 triệu căn NOXH của Chính phủ (hoàn thành 428.000 căn) trong giai đoạn 2021 - 2025. Trong số 5 địa phương dẫn đầu, có tỉnh Bắc Ninh (hoàn thành 6.000 căn); Hà Nội (5.200 căn); Bắc Giang (3.778 căn); Khánh Hòa (3.364 căn); Thanh Hóa (2.197 căn).
Theo Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, để tăng tốc trong xây dựng NOXH, tỉnh đã bố trí ngân sách để khuyến khích, ưu đãi theo quy định nhằm thu hút, kêu gọi các nhà đầu tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị xây dựng NOXH trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được duyệt. Trường hợp các chủ đầu tư không thực hiện các dự án NOXH theo tiến độ, Sở sẽ tham mưu báo cáo UBND tỉnh thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn, giao cho đơn vị khác thực hiện.
Nhiều khó khăn
Theo tiến độ xây dựng NOXH như hiện nay, giai đoạn 2021 – 2025, Thanh Hóa nhiều khả năng sẽ hoàn thành số căn hộ theo kế hoạch dự kiến. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2026 - 2030, việc thực hiện mục tiêu theo đề án sẽ không thuận lợi như giai đoạn trước trước bởi việc triển khai các thủ tục để thực hiện 14 dự án NOXH, nhà ở công nhân theo kế hoạch đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, thuộc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa cho biết: Về mặt thủ tục pháp lý, các bước từ khi được chấp thuận chủ trương đầu tư đến triển khai xây dựng của dự án NOXH, nhà ở công nhân cũng không khác các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị, lên tới từ từ 1 - 2 năm. Thậm chí, nếu vướng mắc các điều kiện khác như sự phù hợp về cấp độ quy hoạch, kế hoạch, thời gian đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật xung quanh (đối với các dự án NOXH trong dự án nhà ở thương mại), giải phóng mặt bằng... thì quy trình, thủ tục từ khi có kế hoạch đến khi lựa chọn được chủ đầu tư của một số dự án có thể lên đến 5 năm.
Trong khi đó, tuy được miễn tiền sử dụng đất và vốn vay ưu đãi với mức giảm từ 1,5% đến 2% lãi suất cho vay, nhưng theo quy định dự án NOXH, nhà ở công nhân vẫn phải tiến hành các bước thủ tục và trình tự thẩm định giá đất khiến thời gian thực hiện các bước thủ tục đầu tư thêm kéo dài. Còn thực tế, khi triển khai các bước thủ tục đầu tư, nhiều dự án đang gặp khó khăn do vị trí triển khai chưa được phê duyệt quy hoạch phân khu. Đây là lý do khách quan, bởi quy hoạch chung xây dựng đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 mới được Thủ tướng phê duyệt vào đầu năm nay, sẽ phải cần thời gian để xây dựng, phê duyệt quy hoạch phân khu. Điều này đồng nghĩa, những dự án NOXH này sẽ phải ‘nằm chờ’ để được phê duyệt chủ trương đầu tư.
Theo ông Tuấn, ngoài những lý do trên, quá trình thẩm định có một số dự án NOXH còn vướng mắc do thay đổi về quy định của pháp luật có liên quan. Cụ thể là các điều kiện về mật độ xây dựng, năng lực của chủ đầu tư... nên chưa đủ điều kiện để chấp thuận chủ trương, tổ chức lựa chọn chủ đầu tư và triển khai thực hiện dự án. Bên cạnh đó, việc thu hồi 20% quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư xây dựng NOXH còn gặp khó khăn, do chủ đầu tư chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật...
Ông Tuấn cho biết: Thực hiện Chỉ thị 34 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NOXH trong tình hình mới ra đời, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch, yêu cầu việc triển khai, tổ chức thực hiện phải nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành địa phương, đơn vị và các tầng lớp nhân dân; thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phát triển NOXH và thực hiện các chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách.