Thanh Hóa nỗ lực xây dựng nền dịch vụ công trực tuyến hiệu quả
Một trong những mục tiêu quan trọng để Thanh Hóa nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử là tăng cường triển khai dịch vụ công (DVC) trực tuyến.
Thanh Hóa đã và đang nỗ lực ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai DVC trực tuyến đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nhất là trong thời gian ngăn chặn, phòng, chống lây lan dịch bệnh COVID-19 thì việc sử dụng DVC trực tuyến nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp, giảm tập trung đông người là rất cần thiết.
Việc cung cấp DVC trực tuyến được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, xem đây là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện cải cách hành chính. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1223/QĐ-UBND ngày ngày 07/4/2020 về ban hành danh mục thủ tục hành chính DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các cơ quan Nhà nước tỉnh Thanh Hóa năm 2020, trong đó đã giao chỉ tiêu cụ thể chi tiết đối với từng thủ tục hành chính thực hiện DVC trực tuyến; Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 01/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo thực hiện DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngoài danh mục bắt buộc trên, các Sở, ngành, địa phương tùy theo điều kiện thực tế, lựa chọn các thủ tục có phát sinh hồ sơ nhiều, có thể cung cấp triển khai trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân.
Cổng Dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa được xây dựng và cung cấp cho người dân, doanh nghiệp từ ngày 16/9/2019, tại địa chỉ http://dichvucong.thanhhoa.gov.vn/ đã cung cấp 100% DVC trực tuyến mức độ 1, mức độ 2 và cung cấp 457 TTHC thực hiện trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4; là 1 trong 8 tỉnh, thành tích hợp, kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công Quốc gia; đã tích hợp 188 DVC trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia (xếp thứ 2 toàn quốc). Hiện có 17.200 tài khoản của công dân đăng ký sử dụng DVC trực tuyến, trung bình hàng ngày có hàng trăm tài khoản online để sử dụng các dịch vụ trên Cổng.
Nhằm đẩy mạnh cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4, trong đó phải cho phép tổ chức, công dân thanh toán phí, lệ phí (nếu có) qua phương thức trực tuyến, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các đơn vị để tích hợp các hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt.
Hệ thống một của điện tử cấp tỉnh, cấp huyện và Hệ thống một cửa điện tử tại 559/559 UBND cấp xã được đầu tư xây dựng đồng bộ, liên thông từ tỉnh đến xã, đang phát huy hiệu quả, đây là công cụ quan trọng giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan quản lý nhà nước cho người dân, doanh nghiệp, cho phép người dân tham gia giám sát thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước.
Dịch vụ công trực tuyến ngày càng phát huy hiệu quả, gia tăng sử dụng
Qua công tác thống kê theo dõi cho thấy, tỷ lệ người dân và doanh nghiệp tham gia sử dụng DVC trực tuyến tăng mạnh, từ 2,74% năm 2019 tăng lên 44,5% trong 8 tháng đầu năm 2020.
Số liệu thống kê số lượng hồ sơ thực hiện trực tuyến trong 8 đầu năm 2020, đã tiếp nhận và giải quyết tổng 152.627 hồ sơ, trong đó hồ sơ DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 22.379 hồ sơ, đạt tỷ lệ là 44,5% (Riêng trong tháng 8/2020, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, xử lý trực tuyến mức độ 3 đạt 95.63%; mức độ 4 đạt 51.08%);
Việc triển khai Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử thống nhất trên toàn tỉnh đã mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính, như: Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, thành phần hồ sơ, giúp người dân không phải đi lại nhiều lần, tiết kiệm chi phí và có thể nộp hồ sơ bất kỳ lúc nào, không phụ thuộc vào thời gian hành chính. Thông qua đó người dân có thể giám sát quá trình giải quyết công việc của cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Từ khi áp dụng hệ thống một cửa điện tử, thời gian giải quyết thủ tục hành chính đã được rút ngắn.
Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ
Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định nhưng việc triển khai dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn, vướng mắc như:
Thành phần hồ sơ của các thủ tục hành chính còn phức tạp, do vậy rất khó để triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Trình độ về công nghệ thông tin, kỹ năng sử dụng các thiết bị của một bộ phận cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ cấp xã còn nhiều hạn chế.
Trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của người dân còn hạn chế nên khó tiếp cận dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Bên cạnh đó, việc tuyên tuyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, người sử dụng còn thiếu tin tưởng liên quan đến bảo mật thông tin. Trong khi đó, thói quen sử dụng hồ sơ giấy, đến nộp hồ sơ trực tiếp vẫn còn phổ biến.
Việc chia sẻ, kết nối hệ thống dùng chung giữa Trung ương với địa phương, giữa các bộ, ngành với các sở, ngành vẫn còn nhiều trường hợp vừa phải xử lý, giải quyết trên hệ thống cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành Trung ương và vừa phải xử lý, giải quyết trên hệ thống dịch vụ công của tỉnh.
Để đẩy mạnh việc sử dụng hiệu quả DVC trực tuyến, thực hiện được chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025 ; trong đó đến năm 2025 toàn bộ thủ tục hành chính phải được cung cấp ở mức độ 3, mức độ 4. Như vậy, cần có giải pháp tổng thể, tinh giản thủ tục hành chính và tiến hành chỉnh lý, số hóa tài liệu để dễ dàng triển khai trên môi trường mạng trực tuyến.
Trong đó, kiến nghị Trung ương cần phải khẩn trương hoàn thiện các nền tảng hệ thống CSDL dùng chung về dân cư, hộ tịch, đất đai, … ; đồng thời đưa vào nền tảng chia sẻ dùng chung giữa các Bộ ngành Trung ương và các địa phương, giữa các sở, ngành với các huyện, thị, thành phố. Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục hoàn thiện các tính năng của Cổng dịch vụ công của tỉnh, hệ thống phần mềm "Một cửa điện tử" theo hướng đơn giản, thuận tiện cho người sử dụng; nâng cấp, hoàn thiện giao diện dễ dàng sử dụng để cung cấp các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 trên điện thoại smart phone.
Áp dụng đồng bộ chữ ký số đối với dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo an toàn, bảo mật, thuận lợi trong việc ký duyệt hồ sơ và tránh việc lợi dung thông tin cá nhân của người này để làm hồ sơ cho người khác.
Cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp tại địa bàn dân cư, nhất là phát huy vai trò tư vấn DVC trực tuyến tại Trung tâm phục vụ hành chính công và Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, cấp xã. Công tác tổ chức tập huấn cần hướng theo kiểu cầm tay chỉ việc.
Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 01/4/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường chỉ đạo thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; Quyết định số 1223/QĐ-UBND ngày ngày 07/4/2020 về ban hành danh mục TTHC dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của các cơ quan Nhà nước tỉnh Thanh Hóa năm 2020.
Các chỉ tiêu thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 cần được thể hiện rõ trong báo cáo phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời việc thực hiện các chỉ tiêu này phải nghiêm túc đánh giá, nhận xét trong bộ chỉ tiêu đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các Sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố.