Thanh Hóa phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại

Hơn 3 năm qua, hạ tầng thương mại của Thanh Hóa phát triển và mở rộng với 27 siêu thị, 2 trung tâm thương mại được công nhận theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Công Thương, trong đó siêu thị hạng III chiếm 60%, tăng 2 siêu thị so với năm 2020 và hơn 350 chợ đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm..

Thanh Hóa có 2 trung tâm thương mại được công nhận theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Công Thương

Thanh Hóa có 2 trung tâm thương mại được công nhận theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Công Thương

Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 388 chợ đang hoạt động, dự kiến hết năm 2023 có thêm 2 chợ đi vào hoạt động là chợ Nam Ngạn (thành phố Thanh Hóa) và chợ đầu mối phía Tây (huyện Đông Sơn) trong đó có hơn 350 chợ đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm.

Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại tại tỉnh này trong hơn 3 năm qua tiếp tục phát triển, mở rộng, đến nay Thanh Hóa có 27 siêu thị, 2 trung tâm thương mại được công nhận theo tiêu chuẩn quy định của Bộ Công Thương. Trong đó siêu thị hạng III chiếm 60%, tăng 2 siêu thị so với năm 2020. Ngoài ra trên địa tỉnh này có tới hơn 140 cửa hàng tiện lợi, cùng với hàng chục nghìn cơ sở bán lẻ.

Việc phát triển hệ thống hạ tầng thương mại của tỉnh Thanh Hóa thông qua thu hút các doanh nghiệp đầu tư đã hình thành hệ thống các cửa hàng phân phối, bán lẻ như: siêu thị Winmart, điện máy MediaMart, thế giới di động, điện máy xanh và nhiều kênh phân phối, bán lẻ văn minh, tích hợp nhiều tiện ích khác; hay một số trung tâm thương mại, siêu thị còn kết hợp dịch vụ giải trí, ăn uống, mua sắm, như Trung tâm thương mại Vincom Plaza, BigC, Siêu thị Co.op Mart, Nhà sách Fahasa...

Tới đây, Tập đoàn AEON MALL Nhật Bản có dự kiến triển khai đầu tư dự án Trung tâm thương mại AEON MALL tại Thanh Hóa với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 170 triệu USD. Nếu dự án đi vào hoạt động, các sản phẩm của Thanh Hóa, đặc biệt là các sản phẩm nông sản, OCOP sẽ có cơ hội lên kệ ở siêu thị bán lẻ hàng đầu thế giới.

Đồng thời thông qua Aeon Mall Thanh Hóa, các sản phẩm địa phương sẽ mở được cánh cửa để đến với thị trường Nhật Bản và các quốc gia có sự đầu tư của Aeon Mall. Vì thế đây là một sự hợp tác mang tính chiến lược giữa Thanh Hóa và đối tác Nhật Bản, kết nối với thị trường rộng lớn nhưng khó tính của nước bạn.

Ngoài hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hệ thống chợ truyền thống của Thanh Hóa hơn 3 năm qua cũng được đầu tư, phát triển theo hướng xã hội hóa. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có hơn 140 chợ hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác, gần 240 chợ công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm và dẫn đầu cả nước về chuyển đổi và xây dựng chợ hợp chuẩn, chợ kinh doanh thực phẩm. Ước tính, tổng nguồn vốn các dự án đầu tư chợ theo hình thức xã hội hóa đã được chấp thuận chủ trương đầu tư đạt 1.500 tỷ đồng.

Với sự phát triển nhanh chóng về số lượng, quy mô hoạt động của các cửa hàng tiện ích, hệ thống cửa hàng tự chọn, siêu thị, chợ truyền thống... đã góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa, nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cho địa phương, góp phần phục vụ sản xuất và nhu cầu tiêu dùng của người dân. 5 tháng đầu năm 2023, doanh thu bán lẻ của tỉnh Thanh Hóa ước đạt gần 53.700 tỳ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước.

Hạ tầng kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng của tỉnh Thanh Hóa những năm gần đây ngày càng hoàn thiện. Đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 6 kho xăng dầu với tổng sức chứa 212.250m3, có 576 cửa hàng xăng dầu, 15 tàu dầu, khoảng 1.000 cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏn và 8 cơ sở chiết nạp xăng dầu, khí hóa lỏng đang hoạt động. Hệ thống cửa hàng xăng dầu tại Thanh Hóa tăng nhanh so với năm 2020 tăng thêm khoảng 60 cửa hàng và phân bố rộng khắp theo các trục đường giao thông, góp phần bảo đảm nguồn cung nhiên liệu ổn định, phục vụ tốt đời sống, sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trung tâm thương mại, các siêu thị, cửa hàng tiện ích tại Thanh Hóa phân bố không đều, tập trung chủ yếu tại thành phố, thị xã và các thị trấn. Nhiều chợ sau khi đi vào hoạt động chưa thu hút các tiểu thương vào kinh doanh, buôn bán.

Với mục tiêu phát triển thương mại theo hướng hiện đại, các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương tại Thanh Hóa đang tiếp tục triển khai các giải pháp, kế hoạch để phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết hợp hài hòa giữa thương mại truyền thống với thương mại điện tử; đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của thị trường trên từng địa bàn, khu vực.

Thanh Hóa cũng đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại trong hoạt động kinh doanh, triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển thương mại, quan tâm phát triển hạ tầng thương mại tại các vùng nông thôn, miền núi để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu đạt mục tiêu nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 tăng 17,6%/năm, đến năm 2025 đạt 265.000 tỷ đồng.

Nguyễn Thuấn

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thanh-hoa-phat-trien-he-thong-ban-le-hien-dai.htm