Thanh Hóa: Tích cực quản lý chất thải trong hoạt động nông nghiệp, y tế và xây dựng

Kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, Thanh Hóa đã luôn tích cực và chủ động trong công tác quản lý chất thải từ hoạt động nông nghiệp, y tế, giao thông vận tải và xây dựng.

Báo cáo gửi Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực cho thấy, Thanh Hóa đã luôn tích cực, chủ động trong công tác quản lý chất thải từ hoạt động nông nghiệp, y tế, giao thông vận tải và xây dựng.

Tổng khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 617.023kg. (Ảnh Minh họa)

Tổng khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh năm 2024 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 617.023kg. (Ảnh Minh họa)

Trong lĩnh vực nông nghiệp, công tác xử lý sinh khối nông nghiệp được Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ động xây dựng tài liệu hướng dẫn thu gom, xử lý phụ phẩm cây trồng; hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng; tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các quy định về thu gom, xử lý, sử dụng phụ phẩm cây trồng trên địa bàn. Kết quả đã giảm thiểu đáng kể việc người dân đốt, tiêu hủy phụ phẩm cây trồng (ước tính 2%) ngay tại ruộng.

Hiện có khoảng 0,5% phụ phẩm được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất nấm, 6% được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ, 90% phụ phẩm (rơm, rạ...) sử dụng làm nguồn phân hữu cơ cho đất phục vụ sản xuất cho vụ sau, 1,5% phục vụ chăn nuôi gia súc (lá ngô, rơm, rạ..). Bên cạnh việc tuyên truyền nhân dân không đốt chất thải rắn (CTR), phụ phẩm nông nghiệp, nhiều địa phương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường triển khai các mô hình sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ tại TP.Thanh Hóa, Hoằng Hóa, Yên Định...

Cùng với đó, chất thải ở lĩnh vực y tế cũng được Thanh Hóa chú trọng xử lý. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.785 cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tư nhân. Trong đó có 20 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa; 1.765 phòng khám đa khoa, chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế. Số cơ sở kinh doanh dược là 4.195, bao gồm: 04 công ty sản xuất, 101 công ty phân phối, 84 cơ sở bán lẻ dược liệu, nhà thuốc và 3.357 quầy thuốc. Bệnh viện tư nhân hiện có tổng số 4.021 giường bệnh nội trú, chiếm 25,4% số giường bệnh toàn tỉnh. Tổng khối lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh năm 2024 là: 617.023kg, trong đó tổng khối chất thải lây nhiễm phát sinh là: 608.359 kg, khối lượng chất thải y tế nguy hại không lây nhiễm phát sinh 8.664 kg.

Công tác thu gom, xử lý rác thải và nước thải y tế duy trì kết quả tốt. Ngành Y tế đã đầu tư và duy trì hoạt động các hệ thống xử lý CTR tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh gồm 10 cụm xử lý CTR y tế tập trung theo công nghệ thân thiện với môi trường (vi sóng, khử khuẩn kết hợp với nghiền cắt). Đa số CTR y tế nguy hại tại các cơ sở y tế được thu gom và xử lý tại 10 cụm nêu trên; một số chất thải y tế nguy hại không xử lý theo mô hình cụm, các đơn vị ký hợp đồng vận chuyển và xử lý chất thải với các đơn vị, doanh nghiệp đủ điều kiện xử lý. Tỷ lệ chất thải y tế nguy hại được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn đạt 100%. Tuy nhiên, việc thu gom, vận chuyển chất thải y tế nguy hại tại các trạm y tế, các phòng khám tư nhân, các cơ sở y tế miền núi có số lượng phát sinh chất thải y tế nguy hại ít, xa địa điểm thu gom xử lý chất thải gặp nhiều khó khăn.

Trong năm 2024, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 36/2024/QĐ-UBND ngày 23/7/2024 về việc ban hành quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý CTR y tế nguy hại trên địa bàn, là cơ sở để các cơ sở y tế nâng cao công tác quản lý chất thải.

Trong hoạt động giao thông vận tải và xây dựng, CTR xây dựng từ quá trình cải tạo, phá dỡ công trình thi công xây dựng công trình được các chủ đầu tư hoặc nhà thầu chính phân loại thu gom, lưu giữ tạm thời để quản lý; các chất thải như gạch, gói, vữa, bê tông... được chủ đầu tư tái sử dụng cho xây dựng công trình, các CTR xây dựng khác hợp đồng với các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển để tái chế, xử lý CTR xây dựng theo quy định. Đối với chất thải trong hoạt động giao thông, vận tải như: khí thải phát sinh từ hoạt động giao thông vận tải đường bộ, đường hàng không, đường hàng hải, đường thủy nội địa, đường sắt phải được cơ quan đăng kiểm kiểm định, xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật; chất thải trong quá trình vận chuyển hàng hóa, vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm thực hiện phương tiện chuyên dụng, phải được che chắn, bảo đảm không làm rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi, nước rò rỉ ra môi trường khi tham gia giao thông.

Đình Đông

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/cong-tac-quan-ly-chat-thai-trong-hoat-dong-nong-nghiep-y-te-xay-dung-tai-thanh-hoa-97699.html