Thanh Hóa trên hành trình trở thành 'tỉnh kiểu mẫu'
Trong lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa, nói chuyện với thân sĩ, trí thức, phú hào ngày 20-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: 'Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành tỉnh kiểu mẫu' (1).
Thực hiện lời căn dặn của Người, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc vai trò căn cứ hậu phương kháng chiến. Với những đóng góp to lớn ấy, trong lần thứ hai về thăm Thanh Hóa (ngày 13-6-1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi: "Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó” .
21 năm đất nước bị chia cắt (1954-1975), thực hiện lời căn dặn của Người, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo quân và dân, chiến đấu mưu trí dũng cảm, vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, xây dựng và bảo vệ hậu phương Thanh Hóa, chống chiến tranh phá hoại của Mỹ với chiến công bắn rơi, bắn cháy nhiều máy bay, bắn chìm nhiều tàu chiến, tàu biệt kích Mỹ và tay sai; chi viện sức người sức của cho tiền tuyến và nước bạn Lào, góp phần vào sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Trong đó, hàng vạn người đã anh dũng hy sinh ở khắp các chiến trường.
Với những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất; lực lượng vũ trang tỉnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Những phần thưởng cao quý và niềm vinh quang lớn lao đó mãi mãi là niềm tự hào, là nguồn lực tinh thần to lớn cổ vũ Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa bước vào thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Trong 10 năm đất nước thống nhất, cả nước đi lên CNXH (1975-1986) với nỗ lực, phấn đấu, Đảng bộ Thanh Hóa đã tổ chức lãnh đạo Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đập tan âm mưu chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, phá hoại kinh tế, chính trị, xã hội của các thế lực thù địch; hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế xã hội, kết cấu hạ tầng, cải thiện đời sống Nhân dân.
Những kết quả trên đã góp phần tạo nên diện mạo mới trên quê hương Thanh Hóa, tạo ra những tiền đề để cùng cả nước bước vào thời kỳ đổi mới.
Trong hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới (1986-2021), Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, hiện thực hóa quan điểm cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ; thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, từng bước hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của một tỉnh giàu tiềm năng với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Đặc biệt, ngày 5-8-2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ngày 3-2-2021 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị; ngày 13-11-2021 Quốc hội ban hành Nghị quyết số 37/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, đã mở ra thời cơ vận hội mới để hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, thịnh vượng, tiếp tục xây dựng Thanh Hóa đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Năm 2022, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, Đảng bộ tỉnh đã khơi dậy, phát huy niềm tự hào dân tộc, niềm tự hào quê hương, ý chí tự lực, tự cường, đưa Thanh Hóa bứt phá trên tất cả các lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 12,51%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 11,5%) và đứng thứ 7 cả nước. GRDP bình quân đầu người ước đạt 2.924 USD, vượt 4,42% kế hoạch. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 48.820 tỷ đồng, vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ.
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện. Năm 2022, có 2 đơn vị cấp huyện(2), 18 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu(3); có thêm 134 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Dịch COVID-19 được kiểm soát tốt; lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, cải cách hành chính được tập trung thực hiện. Quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo thuận lợi cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Để sớm hiện thực hóa khát vọng trở thành “tỉnh kiểu mẫu” như Bác Hồ hằng mong muốn, tỉnh chú trọng rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025. Phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương để được hướng dẫn triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 37/2021/QH15 ngày 13-11-2021 của Quốc hội để nhanh chóng phát huy hiệu quả các chính sách.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong đó tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch. Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.
Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và các nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với những tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, để ngành, địa phương, đơn vị trì trệ, thực hiện nhiệm vụ kém hiệu quả; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; quan tâm công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo.
Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tốt những lời dạy của Người khi về thăm Thanh Hóa; xây dựng và nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong học tập và làm theo Bác để ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Đồng thời, xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh Nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. tChủ động nắm chắc tình hình, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, không để phát sinh thành “điểm nóng”.
76 năm đã qua nhưng những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm Thanh Hóa lần đầu tiên còn mãi vang vọng và đồng hành cùng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa trên hành trình trở thành tỉnh “kiểu mẫu”.
Tùng Anh
-------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 77
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 598
(3) Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023.